Dù chưa thể đánh giá ngay những tác động từ việc Anh có thể rút khỏi liên minh châu Âu (EU) nhưng chuyên gia Nguyễn Minh Phong cũng đưa ra những cảnh báo liên quan đến kinh tế của Việt Nam.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Theo ông Phong, một phản ứng rõ nhất về kinh tế đã cho thấy những tác động tâm lý đang dần hiện hữu.
Thể hiện rõ nhất là việc chỉ số VN-Index của Việt Nam trong phiên giao dịch hôm nay đã giảm tới 1,82%, tương đương mức giảm 11,5 điểm. Trong khi diễn biến trên thị trường vàng cũng có nhiều dấu hiệu bất thường.
Cụ thể, giá vàng SJC ngày 24/6 đã tăng một mạch gần 1 triệu đồng/lượng sau khi giá vàng thế giới liên tục phi mã.
"Thời gian tới, nếu đồng bảng Anh tiếp tục mất giá thì khả năng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ suy giảm," ông Phong cảnh báo.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả của việc trưng cầu dân ý và chưa có giá trị pháp lý, do vậy ông Phong cũng khuyên các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần bình tĩnh xem xét và theo sát những diễn biến về thị trường đặc biệt là những diễn biến về tỷ giá trong những ngày tới để có những kế hoạch dài hơi trong sản xuất kinh doanh.
"Doanh nghiệp dại dột nếu ăn đòn gió sẽ phải gánh chịu những thiệt hại cho chính mình và đây có thể là cơ hội lớn cho những nhà đầu cơ," ông Phong cho biết thêm.
Cuối năm 2015, Việt Nam và EU đã hoàn tất đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với liên minh châu Âu, theo dự báo, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những cơ hội lớn hơn trong việc tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh như thủy sản, dệt may, day giày...
Trong khi đó, là một thành viên của EU, quan hệ thương mại hai chiều cũng có nhiều thuận lợi. Riêng năm 2015, Việt Nam đã xuất siêu sang Anh gần 4 tỷ USD và dự báo sẽ nhiều khả quan hơn khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực.
Tuy nhiên, việc Anh rút khỏi liên minh châu Âu đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể không nhận được những ưu đãi về mở cửa thị trường, từ đó có thể tác động ngược lại đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Đánh giá những tác động có thể xảy ra, một chuyên gia của Bộ Công Thương nhận định, để có thể duy trì những ưu đãi như hiện nay với EU, công tác đàm phán về mở cửa thị trường của Việt Nam với Anh sẽ phải "thêm việc".
Theo đó, thay vì Việt Nam có thể được hưởng những ưu đãi chung của 28 nước thành viên liên minh châu Âu, thì giờ đây, những chính sách này sẽ phải chờ đợi những cuộc đàm phán khác về song phương giữa Việt Nam và Anh.
Đặc biệt, chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU dành cho các nước đang phát triển là một điểm nhấn giúp xuất khẩu của Việt Nam có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để tăng trưởng thì việc Anh rút khỏi EU sẽ khiến hàng hóa của Việt Nam chịu nhiều hàng rào kỹ thuật hơn, từ đó làm giảm năng lực cạnh tranh./.
Theo ĐỨC DUY (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/an-don-gio-doanh-nghiep-nao-dai-dot-se-phai-ganh-chiu-thiet-hai/392768.vnp