Ngày đèn đỏ tới chậm có thể là điều vui mừng nhưng cũng có khi là sự ngoài mong đợi. Tuy vậy, sự chậm trễ kinh nguyệt ...
Khi chu kỳ thay đổi bất thường, cần đến bác sĩ để được tư vấn. ảnh: TM
Ngày đèn đỏ tới chậm có thể là điều vui mừng nhưng cũng có khi là sự ngoài mong đợi. Tuy vậy, sự chậm trễ kinh nguyệt ngoài nguyên nhân có thai còn do stress, giảm cân quá nhiều, luyện tập thể dục quá sức, mãn kinh sớm... Vì vậy nếu chu kỳ hàng tháng này của bạn tự dưng thay đổi bất thường, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để sớm điều chỉnh vì nó liên quan mật thiết tới sức khỏe của bạn.
Giảm cân quá nhiều hoặc luyện tập thể thao quá sức
Theo bác sĩ Dweck chia sẻ trên Women’s Health, trễ kinh là vấn đề phụ nữ thường gặp. Nếu chỉ số BMI của bạn đột ngột giảm xuống dưới 18 hoặc 19, bạn có thể sẽ bị mất kinh. Thói quen chán ăn, ăn uống vô độ, những sự kiện thể thao yêu cầu bạn phải luyện tập nhiều hơn bình thường cũng gây tình trạng này. Cơ chế tự nhiên cơ thể có khả năng ngăn cản việc mang thai khi bạn đang căng thẳng cực độ. Cơ thể sẽ ngăn sự rụng trứng, không sản sinh nhiều estrogen, không thể làm dày thành tử cung. Kết quả là bạn sẽ không có kinh. Ngoài ra stress: một biến cố làm chấn động cuộc sống của bạn có thể dẫn đến vô kinh.
Tuyến giáp bất thường
Nếu bạn đang bị mất cân bằng tuyến giáp, dù đó là sự suy giảm hoặc tăng cường hoạt động của tuyến này cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Triệu chứng đa nang buồng trứng
PCOS (hội chứng buồng trứng đa nang) là sự mất cân bằng nội tiết tố làm thay đổi hàm lượng estrogen, progesterone, testosterone gây hạn chế rụng trứng. Trường hợp phụ nữ mất kinh do đa nang buồng trứng ngày càng nhiều và với những mức độ khác nhau. Nó có thể khiến bạn mất kinh hoàn toàn hoặc có nhưng không đều đặn. Những triệu chứng khác của PCOS bao gồm sự phát triển lông ở những vùng ngoại lệ như mặt và ngực, tăng cân và tiềm ẩn những vấn đề về việc sinh sản. Hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn một kế hoạch điều trị kịp thời.
Những bệnh mạn tính
Bất cứ căn bệnh mạn tính nào cũng gây căng thẳng cho hệ thống chung của cơ thể và có thể gây mất kinh, ví dụ như bệnh dị ứng celiac...
Áp dụng biện pháp tránh thai
Một số loại thuốc tránh thai liều thấp sẽ làm chậm chu kỳ kinh nguyệt. Điều này không hề nguy hiểm và nhiều khi còn là một tác dụng phụ tốt. Các phương pháp như dùng vòng tránh thai chứa nội tiết, que cấy tránh thai dưới da hoặc thuốc tiêm cũng mang lại kết quả tương tự. Nếu bạn ngừng sử dụng biện pháp tránh thai thì trong vài tháng, chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở lại như bình thường mà không có vấn đề gì.
Mãn kinh sớm
Khi phụ nữ dưới 40 tuổi bị thiếu hụt một lượng hormon đáng kể có thể bị mãn kinh sớm, còn được gọi là suy buồng trứng sớm. Khoảng 85% phụ nữ có kinh nguyệt đều trải qua một số triệu chứng tiền kinh nguyệt vài ngày trước khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt. Theo Hội Sản khoa Mỹ, nếu phụ nữ gặp các triệu chứng này sau 5 ngày khi kỳ kinh cuối và trước 4 ngày khi đến kỳ kinh mới liên tiếp trong 3 tháng thì có thể khẳng định đó là những dấu hiệu của hội chứng tiền kinh nguyệt. Hội chứng tiền kinh nguyệt xảy ra sớm là do mức độ hormonestrogen và progesterone có sự thay đổi trong cơ thể.
Các dấu hiệu có thể gặp
Sốt nhẹ; đau vùng bụng dưới; căng tức, đau vú; mất ngủ hoặc khó ngủ; da mặt nhờn, nổi mụn; tâm trạng bực bội dễ cáu giận; khí hư nhiều; thời gian trước khi có kinh, lượng chất nhày ở cổ tử cung sẽ tăng nhiều và bạn có thể cảm nhận được vì chất nhầy thoát ra ngoài âm hộ đổi về lượng và tính chất. Bình thường chất nhày trong kỳ phóng noãn giống như lòng trắng trứng gà. Đây là dấu hiệu rất bình thường. Nhưng nếu khí hư có màu vàng, xanh, đen và có mùi hôi thì đó là dấu hiệu của viêm nhiễm âm đạo, cần phải điều trị.
ThS.BS. Trần Thị Kim Xuyến
Theo suckhoedoisong.vn