Cập nhật: 26/06/2016 09:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phụ nữ tuổi dưới 35 trong nhóm cắt bỏ tử cung có các yếu tố nguy cơ tim mạch và bệnh tim mạch nhiều nhất, bao gồm cả đột quỵ.

Ảnh minh họa: internet

Cắt bỏ tử cung là phẫu thuật sản phụ khoa phổ biến nhất được thực hiện trên phụ nữ ở Hoa Kỳ. Trong năm 2001, ước tính có khoảng 649 000 cắt bỏ tử cung được thực hiện tại Hoa Kỳ và hầu hết nằm trong lứa tuổi giữa 25 và 54 tuổi. Tại Hoa Kỳ, phẫu thuật cắt tử cung là phẫu thuật đứng thứ hai trong danh sách các phẫu thuật thường được thực hiện nhất ở phụ nữ, chỉ đứng sau mổ lấy thai; cứ 3 phụ nữ thì sẽ có một người sẽ trải qua phẫu thuật này tính cho tới khi họ tuổi 60. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới, cứ 5 trường hợp cắt tử cung lại có 1 người có thể không cần đến phẫu thuật này.

Tại Việt Nam, cắt bỏ tử cung là một phẫu thuật được triển khai trong nhiều bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến trung ương, tỷ lệ cắt bỏ tử cung chiếm một tỷ lệ đáng kể trong các phẫu thuật sản phụ khoa đang áp dụng hiện nay, trong đó phụ nữ trẻ cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể.

Tháng 8 năm 2015, HealthDay News đã cung cấp thông tin cắt bỏ tử cung liên quan với gia tăng các yếu tố nguy cơ tim mạch và bệnh tim mạch, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ. Các nhà nghiên cứu Mayo Clinic xem xét dữ liệu từ hơn 7.600 phụ nữ. Một nửa của nhóm đã cắt bỏ tử cung được xem là nhóm nghiên cứu, trong khi nửa còn lại không cắt bỏ tử cung được xem là nhóm chứng. Những phụ nữ đã có một cắt bỏ tử cung trước 35 tuổi là nhiều khả năng bị đột quỵ hơn so với phụ nữ cùng lứa tuổi không cắt bỏ tử cung. Ngoài ra, trong số những phụ nữ tuổi từ 35 đến 40, tăng huyết áp là phổ biến hơn nhiều trong số những người trong nhóm cắt bỏ tử cung hơn so với những người không cắt bỏ tử cung.

Nghiên cứu gần đây đã được công bố trong Tạp chí của Hiệp hội Mãn kinh Bắc Mỹ (The Journal of the North American Menopause Society) cho thấy phụ nữ trong nhóm cắt bỏ tử cung có các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch nhiều hơn những người trong nhóm phụ nữ không cắt bỏ tử cung. Phụ nữ tuổi dưới 35 trong nhóm cắt bỏ tử cung có các yếu tố nguy cơ tim mạch và bệnh tim mạch nhiều nhất, bao gồm cả đột quỵ. Béo phì là yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch liên kết chặt chẽ nhất với cắt bỏ tử cung ở tất cả các lứa tuổi trong nghiên cứu. Các yếu tố nguy cơ khác có liên quan với tuổi của người phụ nữ khi đã cắt bỏ tử cung. Những phụ nữ đã cắt bỏ tử cung sau 50 tuổi đã không có các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch nhiều hơn và ít có khả năng bị đột quỵ hoặc suy tim sung huyết, so với phụ nữ cùng lứa tuổi trong nhóm không cắt bỏ tử cung.

Giải thích cho mối liên quan giữa cắt bỏ tử cung và nguy cơ bệnh tim mạch, nhiều nghiên cứu đã lý giải cắt bỏ tử cung làm giảm lượng hóc môn sinh dục nữ nội sinh được sản xuất bởi tử cung và buồng trứng, đặc biệt là khi cắt bỏ tử cung được thực hiện trước độ tuổi mà thời kỳ mãn kinh tự nhiên sẽ xảy ra. Mặt khác, cắt bỏ tử cung mà không cắt buồng trứng đồng thời thường được cho là để bảo vệ nguồn hoóc môn sinh dục nữ nội sinh. Bản thân hoóc môn sinh dục nữ nội sinh là yếu tố bảo vệ tim mạch thông qua nhiều cơ chế khác nhau, đặc biệt hệ thống tim mạch của phụ nữ được bảo vệ bởi các hoóc môn sinh dục nữ (estrogen), các hoóc môn sinh dục này có tác dụng giảm hàm lượng cholesterol của cơ thể, bảo vệ thành mạch và tim.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy vào giai đoạn mãn kinh tự nhiên hoặc mãn kinh sau phẫu thuật liên quan tử cung và buồng trứng, điều trị bằng hoóc môn thay thế là một biện pháp hợp lý vì phương pháp điều trị này giúp cho cơ thể có thêm các hoóc môn sinh dục nữ ngoại sinh. Lượng hoóc môn này có tác dụng bù lại những khiếm khuyết, những hậu quả về sinh hoá và lâm sàng do thiếu hụt các hoóc môn sinh dục nữ nội sinh gây ra. Nó có thể làm bớt đi những rối loạn hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, các cơn bốc hoả, nóng bừng, vã mồ hôi có thể thuyên giảm và chất lượng cuộc sống của người phụ nữ được cải thiện tốt hơn.

Những phát hiện này cho thấy phụ nữ khi có chỉ định điều trị cắt bỏ tử cung, nhất là các phụ nữ trẻ nên trao đổi với bác sĩ về các thông tin nguy cơ bệnh tim mạch sau phẫu thuật và cách phòng ngừa có thể.

TS.BS. Lê Thanh Hải

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm