Cập nhật: 26/06/2016 09:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thủ tục xuất nhập khẩu rườm rà đang là nút thắt lớn gây cản trở hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Kiểm tra chuyên ngành đối với nguyên liệu vải nhập khẩu mất nhiều thời gian và gây tốn chi phí cho doanh nghiệp.

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, nếu giảm được các thủ tục hành chính, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp, nền kinh tế sẽ tiết kiệm được khoảng 1 tỉ USD mỗi năm. Thủ tục xuất nhập khẩu rườm rà, nhiều tiêu cực trong việc kiểm tra, cách quản lý thiếu thân thiện... đang là nút thắt lớn gây cản trở hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn về kiểm tra chuyên ngành đối với nguyên liệu vải nhập khẩu, kể cả hàng mẫu. Thời gian kiểm tra chuyên ngành kéo dài, điển hình như thủ tục hun trùng cho bông vải nhập khẩu mất khoảng 10-15 ngày, thậm chí có những mặt hàng thời gian kiểm tra lên tới 16-17 ngày...

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, theo Thông tư 37 của Bộ Công Thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, tất cả các sản phẩm dệt may nhập khẩu vào Việt Nam đều phải kiểm tra.

Hiện tại, thời gian kiểm tra kéo dài từ 7-10 ngày, chi phí giám định hàm lượng formaldehyt là 2 triệu đồng cho mỗi mẫu vải. Thậm chí, đối với các lô hàng nhập khẩu về làm mẫu theo hình thức chuyển phát nhanh, có khi chỉ có 5-10 mét vải, trị giá từ 5-10 USD, doanh nghiệp vẫn phải kiểm định hàm lượng formaldehyt và phải trả phí kiểm định là 2 triệu đồng (tức là gấp 10-20 lần giá trị lô hàng).

“Thời gian kiểm tra chuyên ngành chiếm khoảng 70% số thời gian thông quan hàng hóa. Doanh nghiệp họ kêu rất nhiều. Kiểm tra chuyên ngành về hàm lượng formaldehyt và amin thơm làm cho doanh nghiệp tốn thời gian, tốn chi phí và trong điều kiện doanh nghiệp cạnh tranh như hiện nay thì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp là rất thấp”, ông Cẩm nêu khó khăn.

Không chỉ có ngành dệt may, ngành bông sợi lại mất quá nhiều thời gian và chi phí cho các thủ tục kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền của Bộ NN&PTNT.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, năm 2015, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn bông, tương đương khoảng 50.000 container, trong đó khoảng 18.000 container bị lấy mẫu kiểm dịch. Với chi phí khoảng 1 triệu đồng cho mỗi mẫu 0,5kg bông, các doanh nghiệp mất khoảng 18 tỷ đồng cho kiểm dịch. Đó là chưa kể tới hàng nghìn người, hàng nghìn chuyến xe phải ra cảng, xin kiểm dịch rồi chờ lấy kết quả, nhanh nhất là 2,5 ngày, thường thì từ 7 - 8 ngày.

“Những năm vừa qua, tất cả các lô hàng bông nhập khẩu đều được thông quan, không phát hiện ra bất cứ một vấn đề gì như sâu bệnh, mầm bệnh hoặc là nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới Việt Nam. Tuy nhiên không hiểu sao các thủ tục này vẫn được duy trì cho tới nay. Trong khi đó, còn có một dự thảo lần 2 của Bộ NN&PTNT quy định, bông nhập khẩu sẽ còn phải qua kiểm tra thêm một quy trình khác nhằm phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có bông sơ. Hiện quy trình này chưa được áp dụng doanh nghiệp đã hết sức sợ hãi, nếu áp dụng doanh nghiệp sẽ thực sự kinh hoàng”, ông Nguyễn Sơn lo lắng.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện mỗi năm Việt Nam có khoảng 8,4 triệu lô hàng nhập khẩu, tỷ lệ kiểm tra là khoảng 30-35%, tức là gần 3 triệu lô hàng phải kiểm tra. Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, cách quản lý hiện nay không thân thiện với doanh nghiệp, còn nặng cơ chế xin - cho.

Khi đó, doanh nghiệp kiến nghị, các bộ có sửa thông tư nhưng sửa “nhỏ giọt” để sau đó báo cáo là có sửa, nhưng thực chất cũng không giải quyết được vấn đề gì. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19 năm 2016 về những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, trong đó nêu rõ mục tiêu đến hết năm nay, tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành giảm xuống còn 15%.

“Nghị quyết 19 năm 2016 đã giao nhiệm vụ rất cụ thể và rõ ràng cho các bộ, cơ quan và địa phương. Tại các đơn vị thực hiện các thủ tục hành chính cũng sẽ mở các điểm tiếp nhận thông tin để giải quyết các vấn đề cũng như khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như phản ánh của doanh nghiệp, người dân đối với cách hành xử của cán bộ công vụ”, bà Thảo cho biết.

Đánh giá về những động thái tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc kiểm tra chuyên ngành, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những chỉ đạo, định hướng từ phía Chính phủ đã phản ánh đúng thứ doanh nghiệp cần và mong muốn hiện nay.

Tuy nhiên, điều doanh nghiệp băn khoăn và cũng là mong muốn chính là từ sự chỉ đạo, chủ trương của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sẽ nhanh chóng triển khai để thực sự thổi một “luồng gió” mới vào hoạt động kiểm tra chuyên ngành./.

Theo Cẩm Tú/VOV.VN

Tệp đính kèm