Trong khi mang thai, do ảnh hưởng của nội tiết và một số thay đổi trong cơ thể, sức khỏe của thai phụ có nhiều ảnh hưởng và dễ mắc một số chứng bệnh, có thể phải dùng thuốc. Tuy nhiên, việc dùng thuốc trong giai đoạn này sao cho an toàn để không gây hại cho con.
Thai phụ phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Thuốc trị cúm
Bị cúm khi đang mang thai là một trong những nỗi lo sợ nhất của bà bầu. Virut cúm không chỉ khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật, mà khi sốt cao cộng với độc tính của virut cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây sảy thai hoặc sinh non. Tuy nhiên, khi đang mang bầu, việc dùng thuốc trị bệnh cần phải cân nhắc. Các loại thuốc đều có thể có tác dụng phụ dẫn đến sảy thai, dị tật thai nghén, nhiễm độc thai nghén...hoặc có thể gây hại cho cả mẹ và con cũng như quá trình mang thai, nếu dùng không đúng chỉ định, liều lượng và chức năng.
Một số loại thuốc hoặc hoạt chất trong thuốc trị cúm có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi, cụ thể các loại thuốc cần tránh là:
Thuốc kháng virut: Phụ nữ mang thai muốn sử dụng thuốc kháng virut là vấn đề phải được cân nhắc chặt chẽ giữa bác sĩ truyền nhiễm và bác sĩ sản khoa, mặt khác phải lường trước được tất cả những hậu quả có thể xảy ra khi sử dụng thuốc. Các thuốc kháng virut (như tamiflu, flumadine, relenza hoặc symmetrel) có thể gây ra các nguy cơ khuyết tật bẩm sinh.
Thuốc tiêu đờm guaifenesin và ức chế ho dextromethorphan: Đây là những chất thường thấy trong các viên thuốc chống cảm lạnh và ho dạng phối hợp. Chúng có liên quan đến các biến chứng khi mang thai trong các nghiên cứu động vật.
Trong trường hợp bà bầu bị cúm, cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc, đồng thời kết hợp cách điều trị chủ yếu là nâng cao sức đề kháng (tăng cường dinh dưỡng, bổ sung các vitamin C, A, nhóm B...), không nên tiếp xúc với môi trường có nguy cơ lây nhiễm cúm. Cần vệ sinh mũi, họng thường xuyên vài lần/ngày bằng nước muối sinh lý. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi có các biểu hiện của cúm. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm vắc-xin phòng cúm trước khi mang thai 3 tháng đến 1 năm.
Thuốc chống trầm cảm, giảm stress
Stress và trầm cảm ở phụ nữ mang thai rất khó đoán định do nguyên nhân có liên quan nhiều đến sự thay đổi hormon trong khi mang thai. Trong giai đoạn này, tâm lý hồi hộp lo lắng vì sắp được làm mẹ cộng với nhiều suy nghĩ dễ khiến chị em rơi vào tình trạng bị stress, trầm cảm. Nếu tình trạng stress và trầm cảm kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt cho thai nhi. Stress trước khi sinh kết hợp với trầm cảm ở mẹ, ảnh hưởng đến hoạt động của trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận, dẫn đến tăng sản xuất corticosteroid và acid amin vận mạch, có khả năng làm giảm lưu lượng máu rốn và là nguyên nhân nền dẫn đến tình trạng thiếu ôxy và sinh non. Sinh non là tình trạng nghiêm trọng, là nguyên nhân trọng yếu nhất gây tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đồng thời có liên quan đến những di chứng thần kinh ở trẻ sơ sinh về sau.
Trong thời gian này, nếu mẹ bầu sử dụng thuốc chống trầm cảm thì các chất có trong thuốc sẽ tác động tới hệ thống thần kinh trung ương, một vài chất trong loại thuốc này sẽ thông qua nhau thai và ảnh hưởng xấu đến thai nhi gây dị tật tim mạch... Những tai biến thai nhi như loạn nhịp tim, não kém phát triển và các dị tật bẩm sinh khác rất dễ xảy ra trong quá trình hình thành và phát triển do tác dụng của những chất ức chế thần kinh trong loại thuốc chữa bệnh trầm cảm mà người mẹ sử dụng. Bởi vậy khi mang thai mà bị stress, trầm cảm, bà bầu cần đi khám bệnh và dùng thuốc dưới sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc chuyên khoa.
Thuốc lợi tiểu
Khi mang thai, phụ nữ thường hay phải chịu phiền toái như việc bàn chân và bàn tay bị phù lên do cơ thể tích nước, việc di chuyển và sinh hoạt của bà bầu cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, một số bà bầu sẽ nghĩ rằng, việc sử dụng thuốc lợi tiểu sẽ giúp làm giảm tình trạng phù nề cơ thể. Thực ra đây là quan niệm sai lầm và vô cùng nguy hiểm.
Các thuốc lợi tiểu như: lorothiazid, hydroclorothiazid, flurosemid, acid ethacrynic, bumetamid... thường có tác dụng lợi tiểu rất mạnh và làm mất natri nhanh. Dùng thuốc lợi tiểu không chỉ khiến làm giảm sự chuyển máu cho thai nhi qua nhau thai mà nó còn tác động tới sự tăng trưởng của thai nhi. Nếu cơ thể bị mất quá nhiều nước thì mẹ bầu có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như buồn nôn, đau đầu và chóng mặt.
Thuốc trị đau nửa đầu
Cùng với sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố, không ít phụ nữ mang thai bị đau nửa đầu. Đối với những cơn đau nửa đầu nhẹ và mới, có thể sử dụng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol. Khi chứng đau nửa đầu nặng hơn, cần phải dùng đến các thuốc tác dụng mạnh hơn (thuốc điều trị cắt cơn như ergotamin tartrat). Tuy nhiên, các thuốc chống đau nửa đầu thường chống chỉ định với phụ nữ mang thai vì nó có thể gây ra những cơn co bóp tử cung dễ dẫn đến sảy thai. Ngoài ra, thuốc này còn có chứa những thành phần tác động tới hệ thần kinh và được khuyến cáo là không nên dùng khi đang mang thai.
Vì vậy, đối với phụ nữ mang thai, khi bị bệnh thì cần đi khám và dùng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc để hạn chế các biến chứng cho mẹ và thai nhi.
DS. Nguyễn Thanh Hoài
Theo suckhoedoisong.vn