Tuổi thọ của người phụ nữ ngày càng tăng, Trong khi tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ Việt Nam là 47 - 51 tuổi. Do đó, phụ nữ phải sống trong tình trạng thiếu hụt nội tiết (hoóc-môn), đặc biệt là các hoóc-môn sinh dục nữ, kéo dài hơn, đồng thời phải đối mặt với một “cơn bão” rối loạn về sức khỏe. Liệu pháp thay thế hoóc-môn đang được các hiệp hội chuyên ngành trên thế giới và trong khu vực khuyến khích trở lại.
Giảm sút chất lượng cuộc sống
Theo BS. Đặng Quang Vinh (Trung tâm Nghiên cứu Di truyền & Sức khỏe Sinh sản - khoa Y, ĐH QG TP.HCM), tại Việt Nam, theo báo cáo vào năm 2011, khoảng 25% phụ nữ nằm trong độ tuổi mãn kinh. Mãn kinh dẫn đến nhiều khó chịu trước mắt như: các triệu chứng liên quan đến vận mạch, mất ngủ, triệu chứng tiết niệu - sinh dục hay các nguy cơ lâu dài như: bệnh lý tim mạch, loãng xương. Các tác động trước mắt và lâu dài này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của bản thân người phụ nữ và cả gia đình họ.
Để có được một cuộc sống khỏe mạnh và chất lượng, phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh - mãn kinh cần được chuẩn bị tâm lý cho các thay đổi trong giai đoạn chuyển tiếp này. Nhiều biện pháp dự phòng và điều trị cho các triệu chứng liên quan đến mãn kinh, có thể kể đến như: thay đổi lối sống, giảm căng thẳng, chơi thể thao phù hợp, chế độ dinh dưỡng nhiều canxi, bổ sung vitamin D… Bên cạnh đó, việc sử dụng liệu pháp hoóc-môn thay thế (HRT - hormone replacement therapy, hay MHT - menopause hoóc-môn therapy) hiện đang được các hiệp hội chuyên ngành trên thế giới và khu vực khuyến khích trở lại.
HRT: đồng thuận thế giới
Năm 2002, một nghiên cứu với cỡ mẫu lớn về HRT (Womens Health Initiative - WHI) khi đang tiến hành đã phải ngưng giữa chừng vì các báo cáo phân tích cho thấy tỉ lệ tử vong ở nhóm có sử dụng HRT cao hơn bất thường so với nhóm không sử dụng. Tuy nhiên, các điểm cần lưu ý với WHI:
Mục tiêu chính của nghiên cứu là đánh giá hiệu quả của HRT trong việc dự phòng các bệnh lý mãn tính như tim mạch và loãng xương
Đối tượng nghiên cứu: thuộc nhóm lớn tuổi (trung bình 63 tuổi), đa số mãn kinh trên 5 năm, có hút thuốc lá, tình trạng tăng cân béo phì (chỉ số BMI cao), không loại bỏ người có tiền căn bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, BS. Vinh cho biết, kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy HRT không “đáng sợ” như mọi người từng được cảnh báo. Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy HRT có lợi nếu được sử dụng đúng chỉ định.
Năm 2013, các chuyên gia về mãn kinh trên thế giới đã đưa ra các khuyến cáo về HRT khi sử dụng cho phụ nữ trước 60 tuổi hay phụ nữ đã mãn kinh trong vòng 10 năm như sau:
- HRT là trị liệu hiệu quả cho các triệu chứng vận mạch có liên quan đến mãn kinh ở mọi lứa tuổi. Lợi ích vượt trội so với nguy cơ.
- HRT có hiệu quả và phù hợp trong dự phòng gãy xương có liên quan đến loãng xương ở những phụ nữ có nguy cơ và trước 60 tuổi hay phụ nữ đã mãn kinh trong vòng 10.
- Những chỉ định về estrogen ở liều thấp với sự theo dõi của bác sĩ có thể giảm nguy cơ bệnh mạch vành và nguy cơ tử vong vì bệnh lý này. Chỉ định estrogen liều thấp tại chỗ là một lựa chọn phù hợp cho phụ nữ có triệu chứng khu trú như khô âm đạo và giao hợp đau.
Ngoài ra, mối liên quan giữa ung thư vú và HRT ở phụ nữ trên 50 là vấn đề phức tạp. Nguy cơ tăng lên khi sử dụng HRT phối hợp giữa estrogen và progesteron và liên quan đến thời gian sử dụng HRT. HRT không được khuyến khích sử dụng cho phụ nữ sau điều trị ung thư vú.
Theo suckhoedoisong.vn