Cập nhật: 02/07/2016 11:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

VOV.VN - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, sau nửa năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 2,35% so với tháng 12 năm ngoái, cao gần gấp 5 lần chỉ số giá tiêu dùng của tháng 6 năm ngoái.

Trong khi đó, theo kế hoạch của Chính phủ, các nhóm hàng do nhà nước quản lý còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, chắc chắn sẽ tiếp tục tác động mạnh lên CPI năm nay. Trước những áp lực này, mục tiêu, lạm phát năm 2016 dưới mức 5% liệu có đạt được?

Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có 10 nhóm tăng, trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng 2,99%. Nguyên nhân chính là do giá xăng tăng 920 đồng/lít, dầu diezezen tăng 880 đồng/lít vào các ngày 20/5 và ngày 4/6 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46% so với tháng trước, làm tăng chỉ số giá tiêu dùng chung khoảng 0,27%.

Dù mức tăng của tháng 6 là khá cao, song theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng qua có tốc độ tăng tương đối thấp. Bình quân mỗi tháng chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,39%; bình quân 6 tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,72% so với cùng kỳ năm trước.

Giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm tuy có tăng so với năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2012-2014. Trong khi đó, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định, một số mặt hàng như nhiên liệu, chất đốt, sắt thép còn có xu hướng giảm, khiến giá trong nước cũng được điều chỉnh giảm.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, góp phần quan trọng vào kiềm chế lạm phát trong 6 tháng qua.

Ông Nguyễn Tất Thịnh- chuyên gia kinh tế cho rằng: "Năm ngoái chúng ta đã chứng kiến một thời kỳ lạm phát rất thấp mà lạm phát thấp nhiều khi làm cho nền kinh tế không được năng động, không được phát triển lắm. Chỉ số lạm phát là một thuộc tính gắn liền với nền kinh tế thị trường và chúng ta thấy một thực tế là kinh tế càng tăng trưởng thì sự lạm phát cũng có khuynh hướng tăng theo. Hiện nay việc tăng CPI là hoàn toàn trong phạm vi mà tôi nghĩ là kiểm soát tốt của Chính phủ cũng như phản ứng chịu đựng được tốt của hệ thống nền kinh tế của chúng ta. Và điều đó cũng khiến cho việc đầu tư với tốc độ quay vòng đồng tiền tốt hơn".

Tuy nhiên, việc chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tiếp trong 6 tháng từ đầu năm đến nay đã dấy lên những quan ngại về việc lạm phát sẽ quay trở lại. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng năm nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng mạnh do tác động của thị trường thế giới về giá lương thực, nhiên liệu. Đặc biệt, những rủi ro tiềm ẩn về giá điện, giá nước, giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu tăng lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát trong năm nay.

Ông Cấn Văn Lực- chuyên gia tài chính phân tích: "Kịch bản năm 2016 mặc dù được dự báo là kinh tế thế giới sẽ phục hồi ở mức tốt hơn so với năm 2015 thì cầu về hàng hóa sẽ tăng lên, như vậy, giá cả hàng hóa khác ngoài dầu có thể sẽ bị tăng lên và sẽ đẩy mặt bằng giá cả của Việt Nam tăng lên. Thứ 2, năm 2016 thì đã có một số lộ trình điều chỉnh một số mặt hàng tăng giá theo quản lý nhà nước, ví dụ liên quan đến tiền lương, tiền điện, giáo dục, y tế… tiếp tục tăng thì rõ ràng cũng sẽ đẩy áp lực lên lạm phát. Thứ 3, liên quan đến tăng trưởng tín dụng năm 2015 là khoảng 18%, nên độ trễ đẩy áp lực lạm phát sang năm nay sẽ khá lớn".

Với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng từ đầu năm đến nay, Tổng cục thống kê cho rằng, không thể chủ quan với lạm phát khi mà sức ép đến giá cả những tháng cuối năm vẫn còn rất lớn.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng, Vụ Thống kê giá, Tổng cục thống kê, nếu chủ quan với lạm phát, sẽ khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ, bởi vai trò cung ứng tiền cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng hiện nay rất quan trọng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã tính toán mức tăng trưởng tín dụng năm 2016 khoảng 18-20% để đáp ứng được với mức tăng trưởng kinh tế 6,7%. Tuy nhiên, nếu lơ là với kiểm soát giá cả, trong đó có cả việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý, nếu không phù hợp, xem xét, phân tích trên nhiều yếu tố, sẽ khó khăn cho chính sách tiền tệ.

Bà Đỗ Thị Ngọc khuyến cáo: "Áp lực lạm phát lên số CPI tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước rất có thể ở mức trên 5%, tuy nhiên con số CPI bình quân so với cùng kỳ, tức là năm nay so với năm trước thì vẫn có khả năng kiểm soát trong 5%. Với những áp lực như thế thì các bộ, các ngành cũng cần có những lộ trình điều chỉnh phù hợp, tránh vào cùng lúc sẽ gây áp lực lạm phát lan tỏa lên CPI trong năm 2016".

Với diễn biến lạm phát đang trên đà tăng trở lại, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đưa ra thông điệp về kiểm soát lạm phát của Chính phủ là: Kiểm soát lạm phát không quá mức 4-5%, không để diễn biến lạm phát trong những tháng đầu năm làm tăng lạm phát kỳ vọng.

Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, nền kinh tế trong nước còn đứng trước nhiều khó khăn và để cải thiện tốc độ tăng trưởng và chất lượng của nền kinh tế, chắc chắn cần phải có quyết tâm cải cách thực sự mạnh mẽ, quyết liệt nhằm tăng năng suất của toàn bộ nền kinh tế, tái cơ cấu nguồn lực theo hướng chất lượng cao hơn.

Cải cách thể chế kinh tế, hành chính có ý nghĩa quyết định. Chỉ với những nỗ lực cải cách với cam kết cao, Việt Nam mới có hy vọng kiểm soát được mức tăng trưởng trên 6% (trong điều kiện bối cảnh quốc tế thuận lợi).

 

 

Theo Cẩm Tú/VOV-Trung tâm Tin

 

 

 

Tệp đính kèm