So với Quý II/2016, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền của quý III/2016 đối với các mặt hàng xăng dầu đều giảm mạnh từ 0,3% - 3%.
Thuế nhập khẩu bình quân gia quyền đối với xăng dầu
quý III/2016 giảm so với quý trước. (Ảnh minh họa: KT)
Từ chiều qua (5/7), Liên bộ Công Thương - Tài chính đã có quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày tính từ thời điểm ngày 20/6. Theo đó, giá bán lẻ xăng RON 92, xăng E5 giảm 200 đồng/lít; giá các mặt hàng dầu hỏa, dầu diesel giữ ổn định và chỉ tăng 260 đồng/kg đối với dầu mazut.
Đây là kỳ điều hành giá xăng dầu đầu tiên trong quý III/2016, do đó, trước thời điểm điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu kỳ này, ngày 4/7, theo chu kỳ tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền, Bộ Tài chính đã công bố mức thuế xuất nhập khẩu mới để làm căn cứ tính giá cơ sở xăng dầu cho kỳ điều hành.
Theo đó, căn cứ vào tỉ trọng nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu nhập về Việt Nam từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc trong quý II/2016, Bộ Tài chính thông báo mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong công thức tính giá cơ sở đối với mặt hàng xăng là 15,74%, mặt hàng dầu diesel là 1,84%, dầu hỏa và dầu mazut là 0%.
Như vậy, nếu so sánh thuế nhập khẩu bình quân gia quyền đối với xăng trong quý trước là 18,35% và dầu diesel là 2,32%, thì thuế nhập khẩu bình quân gia quyền của quý III/2016 đối với các mặt hàng xăng dầu đều giảm mạnh từ 0,3% - 3%.
Tuy nhiên, nếu so sánh với kiến nghị gửi Bộ Tài chính của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (VINPA) trong việc thực hiện mức thuế nhập khẩu đối với xăng là 10% theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc; đối với mặt hàng dầu là 0% theo ATIGA và áp mức thuế này vào tính giá cơ sở để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, thì mức giảm thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong quý III/2016 của Bộ Tài chính đối với các mặt hàng xăng dầu như trên vẫn là chỉ ở mức “khiêm tốn”.
Trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính hôm 22/6, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền hiện nay đã khiến mức chênh lệch thuế nhập khẩu lớn làm cho giá cơ sở ở mức cao, kéo theo giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng ở mức cao, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng.
Hiệp hội xăng dầu Việt Nam còn đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để trình cơ quan có thẩm quyền sớm điều chỉnh một số sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu, nhằm bù đắp thiếu hụt do giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cắt giảm thuế theo cam kết.
Sau khi điều chỉnh mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong công thức tính giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu, trong kỳ điều chỉnh giá bán lẻ này, cơ quan điều hành cũng quyết định giảm mức sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với xăng.
Trong đó, giảm mức sử dụng Quỹ đối với xăng RON 92 về mức 426 đồng/lít (kỳ trước là 639 đồng), xăng E5 về mức 467 đồng/lít (giảm 205 đồng). Tương tự với các mặt hàng dầu cũng giảm, ví dụ dầu diesel giảm còn 472 đồng/lít, dầu hỏa giảm từ 764 đồng/lít về còn 669 đồng/lít...
Theo ông Phạm Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tính đến trước thời điểm điều chỉnh giá kỳ này, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại Petrolimex là 1.405 tỷ đồng (số ước tính và đã được làm tròn số)./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN