Cập nhật: 06/07/2016 09:39:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

 “Ai mua bánh hòn tai không? Bánh hòn tai nóng hổi đây”... Đó là tiếng rao của các bà, các cô đi bán bánh hòn tai, một loại bánh gắn với một giá trị - nghề truyền thống của thôn Vĩnh Tiên, Thị Trấn Yên Lạc (Yên Lạc).

Nghề làm bánh hòn tai là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của những người dân thôn Vĩnh Tiên, thị trấn Yên Lạc

Nghề làm bánh hòn tai đã có ở Vĩnh Tiên từ 5 - 6 thế hệ, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, mang nét văn hóa đậm chất quê hương. Đồng thời, bánh hòn tai còn như một thứ quà quê để những người con đi xa luôn nhớ về quê hương mình. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Trình, tổ trưởng tổ dân phố thôn Tiên, cho biết: “Nghề này đã có ở đây từ lâu đời, khi chúng tôi còn bé đã thấy ông bà, bố mẹ làm. Hiện nay có 30 – 40% dân trong thôn duy trì và phát triển nghề làm bánh hòn tai. Bánh hòn tai Vĩnh Tiên không chỉ được biết đến và bày bán ở riêng thị trấn mà còn được rao bán ở các xã, huyện lân cận, khiến cho gần xa đều biết tiếng và tìm về đây đặt mua mỗi khi có công việc, cỗ bàn.”

 Để làm bánh hòn tai, trước tiên người làm phải kén gạo ngon, đó là loại gạo Vũ Di nguyên chất, không bị pha trộn hay lẫn với thứ gạo nào khác. Sau khi chọn được gạo ngon thì ngâm 2 – 3 ngày, rồi nghiền thành nước sau đó nấu cho đến khi bột quánh lại là được. Khi quấy bột phải đều tay, không để vón cục, bột bánh phải dẻo, khi bột còn nóng thì lấy ra nhào thật kỹ để chúng quyện vào nhau. Véo một cục bột ra mà không dính tay, có thể kéo dài ra không bị đứt là được. Nhân bánh được làm từ hành lá, mộc nhĩ, thịt mỡ, nấm hương... được trộn đều cùng gia vị cho vừa ăn. Bánh hòn tai chỉ bằng quả ổi con, được làm từ những người thợ khéo tay. Bà Phạm Thị Hải 80 tuổi, một nghệ nhân lâu năm trong nghề làm bánh chia sẻ: “Tôi là đời thứ 3 theo nghề của gia đình, bắt đầu từ năm tôi 20 tuổi. Để làm bánh hòn tai ngon thì gạo nhất thiết phải làm từ gạo Vũ Di, còn làm từ gạo Khang Dân thì bánh sẽ bị cứng, ăn không ngon. Bánh này đặc biệt là không thể làm từ các loại gạo dẻo như: Hương thơm, Tám thơm...”. Bánh sau khi làm xong được hấp cách thủy trong vòng 23 – 27 phút, khi hơi trong nồi nhiều, thẳng thì bánh đã chín.

Bà Hải cho biết thêm: “Trước đây, chưa có máy móc thì tôi phải dậy từ 1 giờ sáng để làm. Giờ có máy móc tiện lợi hơn thì 4 – 5 giờ sáng mới phải dậy làm, nhanh và đỡ mất thời gian”. Mỗi ngày gia đình nhà bà Hải làm từ 10 đến 15 kg gạo, được 25 – 35 kg bánh hòn tai. Giá của mỗi một kg bánh hiện nay bán ra ngoài thị trường là 20 – 25 nghìn đồng. Bánh hòn tai hiện nay được coi như một món ăn đặc trưng trong các nhà hàng, đám tiệc, cưới hỏi... nên mọi người rất ưa chuộng. Gia đình nhà bà Hải hiện nay có 4 người theo nghề làm bánh hòn tai, theo bà làm nghề này không khó, chỉ cần nhanh tay, tỉ mỉ, chăm chỉ là có thể học được, không nhất thiết là phải khéo tay. Nhìn những viên bánh tròn trịa, trắng tinh, mùi thơm của hành chín quyện với thịt mỡ thật thơm ngon, béo ngậy làm cho bất kỳ ai nhìn thấy cũng muốn thưởng thức.

Nghề làm bánh hòn tai ở thôn Vĩnh Tiên không cần phải đầu tư vốn lớn, mà thu hồi vốn nhanh, hiệu quả kinh tế lại rất ổn định. Mỗi ngày sau khi trừ đi chi phí nguyên liệu và công làm bánh, các gia đình ở đây có thể thu lãi 150 – 200 nghìn đồng.

ST

Tệp đính kèm