Thôn Bích Chu, xã An Tường vốn có nghề đan lát truyền thống từ lâu đời và nổi tiếng gần xa bởi những sản phẩm bền, đẹp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Giống như nhiều làng nghề thủ công truyền thống khác vùng châu thổ sông Hồng, làng nghề đan lát Bích Chu cũng trải qua những bước phát triển thăng trầm, thậm chí còn có nguy cơ mai một. Tuy nhiên, sức sống của làng nghề thật mãnh liệt, tựa như một “mạch ngầm” mải miết chảy cùng thời gian và luôn được dân làng gìn giữ, trao truyền.
Cụ Nguyễn Thị Chuổng đang chỉnh nắn sản phẩm bồ
Tìm về thôn Bích Chu, men theo con đê bối ven làng, vừa đi, vừa quan sát mới cảm thấy vẻ đẹp của làng quê được kết tinh bởi những âm thanh, màu sắc và hương vị rất quen thuộc. Ấy là màu xanh mướt của những vạt ngô non ven bãi sông Hồng, là âm thanh lách cách của nghề mộc, là mùi hương gỗ xẻ phơi ở đầu làng thơm phức. Tuy nhiên, đẹp nhất vẫn là hình ảnh các cụ bà đang bỏm bẻm nhai miếng trầu thắm, tay thoăn thoắt chẻ và phơi những bó lạt trắng đục ở ven đường càng làm cho bức tranh quê vốn đã thanh bình, yên ả càng trở nên đẹp hơn.
Theo sự chỉ dẫn của các cụ, chúng tôi đã tìm đến nhà cụ Phạm Thị Teo, 84 tuổi, thôn Bích Chu- Người đã có gần 80 năm gắn bó với nghề “đan cót, đan bồ”. Được cụ Teo và các cụ cao niên trong thôn tiếp đón, nói chuyện về nghề đan lát truyền thống của làng, chúng tôi mới cảm nhận được sức sống của làng nghề và sự tài hoa, tâm huyết, trách nhiệm của người dân Bích Chu trong công việc gìn giữ “hồn quê”. Làng nghề đan lát ở Bích Chu có từ bao giờ, có lẽ chưa ai có thể xác định một cách chính xác. Song theo các cụ cao niên trong thôn thì nghề đan lát của thôn có từ lâu lắm rồi, do ông, bà, bố, mẹ của các cụ truyền lại và lưu giữ cho đến ngày nay. Tuy nhiên, nếu dùng phương pháp lịch sử thì có thể đoán định rằng, nghề đan lát ở đây xuất hiện từ khi lập làng. Bởi lẽ, Bích Chu là thôn vùng bãi sông Hồng, diện tích đất canh tác nông nghiệp tính theo đầu người không nhiều và chủ yếu là đất bãi ven sông, trồng cây rau màu là chính. Điều kiện không mấy thuận lợi ấy khiến người dân Bích Chu cần cù, chịu khó đã tìm cách vươn ra khỏi khu vực kinh tế nông nghiệp, tìm thêm nguồn lợi khác ngoài những mảnh ruộng trồng rau màu. Đó là làm thêm các nghề thủ công như đan lát, làm mộc để tăng thêm thu nhập cho bản thân và gia đình. Chẳng thế mà ở thôn Bích Chu có tới hai nghề thủ công truyền thống (đan lát và làm mộc), riêng nghề mộc hiện nay đang phát triển mạnh... Mặc dù có nghề thủ công, nhưng người dân Bích Chu chưa bao giờ bỏ ruộng đất. Họ vẫn kết hợp giữa việc sản xuất nông nghiệp với hoạt động thủ công, trao đổi hàng hóa, góp phần quan trọng tạo nên tính bền vững của nền kinh tế khu vực nông thôn.
Cụ Teo đang trao truyền nghề truyền thống cho thế hệ trẻ
Là người có gần 80 năm làm nghề đan lát, cụ Teo vừa đan, vừa kể lại: Cách đây khoảng hơn hai mươi năm về trước, khi vật dụng bằng nhựa, bằng tôn, sắt chưa nhiều, nghề đan lát của thôn làm không hết việc và thu hút phần lớn người dân tham gia, nhất là những người phụ nữ, người già và cả trẻ em cũng tham gia phụ giúp gia đình mỗi khi được nghỉ học. Sản phẩm đan lát của làng chủ yếu là: Cót, bồ, nong, nia phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tuy không nhiều chủng loại nhưng những sản phẩm ở đây rất bền, đẹp. Khách tìm đến mua sản phẩm của làng không chỉ có người dân trong huyện, trong tỉnh mà còn có các tỉnh khác như: Hà Tây, Thái Bình,... Họ mua nong, cót, bồ để phơi, cất giữ, bảo quản nông sản sau khi thu hoạch. Nhà nào nhiều ruộng, dễ có tới ba, bốn cót lúa, mà mỗi cót lúa lại cần ít nhất một chiếc nong to đặt dưới để bảo quản lúa trong vài năm. Nhà nào ít lúa hơn có thể đựng bằng bồ to, được đan bằng cật nứa. Người dân vùng bãi ven sông có nghề chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa, mỗi gia đình mua vài ba chục cái nong to, thậm chí, họ còn thuê một số người dân có tay nghề ở Bích Chu đến đan nong. Tre thì chặt ngoài bụi, chủ nhà nuôi cơm, người đan chỉ lấy tiền công. Ở Bích Chu, tre, nứa không nhiều nên nguyên liệu chủ yếu phải mua trên miền ngược như: Tuyên Quang, Yên Bái,.. đóng bè theo dọc sông Hồng xuôi về. Ngày nào bè nứa từ miền ngược về, dân làng lại xuống tận bến gồng gánh nứa đã cắt về nhà, đông như hội. Nhà nào nhà nấy, cả gia đình lại xúm vào pha nan, tước cật, phân loại, phơi khô nan và đan thành phẩm. Làng nghề thì công việc bộn bề, có khi tối đến, cả gia đình quây quần bên chiếc đèn dầu, mỗi người một việc.
Qua câu chuyện của cụ Teo, có thể hình dung toàn cảnh bức tranh của làng nghề truyền thống “đan cót, đan nong ” thôn Bích Chu xưa. Sự phát triển của làng nghề đã nuôi sống biết bao thế hệ dân làng. Với tư cách là đơn vị kinh tế làng xã, nghề thủ công truyền thống “đan cót, đan nong” ở Bích Chu đã đóng vai trò như một trung tâm sản xuất hàng hóa ở khu vực nông thôn. Sản phẩm của làng không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương mà còn mở ra cả một vùng rộng lớn, có quan hệ thường xuyên, trực tiếp với các trung tâm trao đổi hàng hóa trong khu vực mà trước hết là các chợ làng, chợ vùng như: Chợ Vòng, chợ Rưng, chợ Giang, chợ Kiệu, chợ Lầm (Yên Lạc), chợ Mía (Sơn Tây)…
Sảm phẩm đan lát của Bích Chu bày bán tại chợ Vòng- Tuân Chính
Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền công nghiệp hiện đại làm cho một số nghề thủ công truyền thống xưa gặp không ít khó khăn và có nguy cơ mai một. Nghề đan lát Bích Chu cũng không nằm ngoài tình trạng chung đó. Cư dân làm nông nghiệp cũng ít sử dụng những sản phẩm cót, nong, bồ cỡ lớn để bảo quản nông sản mà thường sử dụng các loại thùng làm bằng tôn, sắt, nhựa và thật hiếm hoi khi nhìn thấy người dân đóng cót đựng lúa như ngày xưa. Vì thế, quy mô của làng nghề truyền thống “đan cót, đan nong” cũng dần thu hẹp và người dân theo đuổi nghề đan lát không nhiều. Theo thống kê, thôn Bích Chu hiện nay còn khoảng hơn 30 hộ làm nghề đan lát và cũng chỉ có các cụ bà đã ngoài 60 tuổi theo đuổi nghề, còn hầu hết các thành viên trong gia đình đã chuyển sang làm nghề mộc truyền thống, bởi lẽ, thu nhập của nghề mộc hiện nay cao hơn nhiều so với nghề đan lát. Do đó, nghề đan lát truyền thống ở Bích Chu dễ có nguy cơ bị mai một.
Nhận thức rõ được nguy cơ mai một, bằng cái “tâm” trách nhiệm đối với nghề truyền thống của ông cha để lại, nhiều cụ trong hội người cao tuổi thôn Bích Chu, dù ở độ tuổi mà đúng ra các cụ được nghỉ ngơi, thư giãn, song, ngày lại qua ngày, có khi cả tối vẫn miệt mài “làm bạn” với nan, nứa; với công việc đan lát. Để rồi, sau khi mỗi sản phẩm được làm ra từ đôi bàn tay gầy guộc mà tài hoa, các cụ lại ngồi trên chiếc nghế gỗ để ngắm nghía, chỉnh nắn, trao gửi yêu thương vào những sản phẩm và coi đó chính là “những đứa con tinh thần” của mình, là “cái hồn” của làng cần phải gìn giữ cho thế hệ mai sau. Thu nhập từ nghề đan lát chẳng được là bao, mỗi ngày chỉ được vài ba chục nghìn, nhưng, các cụ vẫn miệt mài, cẫn mẫn với công việc đan lát để “thổi hồn” cho từng sản phẩm và “giữ lửa” cho nghề truyền thống của ông cha. Không chỉ có cái “tâm” với nghề mà các cụ thôn Bích Chu cũng rất coi trọng và đặc biệt chú ý đến việc trao truyền cho thế hệ con, cháu. Chẳng thế mà những lúc cháu nội, cháu ngoại được nghỉ học, các cụ vừa ở nhà trông cháu cho các con đi làm, vừa dạy cho các cháu những kỹ thuật đan đơn giản, cách pha nan, tước cật,…để thế hệ trẻ của thôn có ý thức gìn giữ. Những đứa trẻ ngây thơ kia có thể chưa hiểu hết được tâm tình của bà đối với nghề, nhưng chắc chắn sau này chúng sẽ là người kế tục công việc sáng tạo, gìn giữ và lưu truyền nghề truyền thống của cha ông.
Thế mới biết sức sống của làng nghề tựa như một “mạch ngầm” mải miết chảy cùng thời gian, nghề đan lát ở Bích Chu vẫn còn tồn tại và trở thành “cái hồn” của làng quê được các thế hệ dân làng trân trọng, gìn giữ, lưu truyền.
ST