Cập nhật: 12/07/2016 09:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất... đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Sáng 11/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.

Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức hợp lý; lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định. Số doanh nghiệp đăng ký mới, doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng cao hơn cùng kỳ... Tuy nhiên, các báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại và thách thức cần có giải pháp đồng bộ để xử lý.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên họp 50 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

“Không thể đầu tư nhanh nếu để thất thoát”

Một vấn đề dư luận hết sức quan tâm những tháng đầu năm là xuất hiện một số dự án, công trình quy mô lớn không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng, việc làm, nộp ngân sách nhà nước, thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất lớn đến tài sản Nhà nước.

Vấn đề quản lý đầu tư, khai thác thu phí chưa minh bạch và mật độ trạm thu phí trên Quốc lộ 1A quá dày đối với các dự án BOT gây bức xúc cho doanh nghiệp và người dân.

Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu tên nhiều dự án thua lỗ, “đắp chiếu” như: Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hoá chất) đầu tư với số vốn 12.000 tỷ đồng nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng.

Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 7.000 tỷ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động.

Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất là một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.200 tỷ đồng đã dừng hoạt động. Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai.

Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6) đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.

Phát biểu làm rõ thêm nhiều vấn đề tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, hiệu quả đầu tư của nhiều dự án, đặc biệt là dự án vốn Nhà nước thấp, thậm chí thất thoát mất vốn. Đây cũng là khó khăn cần giải quyết.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thời gian tới, đồng thời với việc giải ngân, tăng cường đầu tư thì Chính phủ đang quyết liệt trong kiểm soát thực hiện đầu tư xây dựng.

“Không thể đầu tư nhanh nếu chúng ta để thất thoát được. Thất thoát trong thời gian qua cũng rất bức xúc nên lần này tập trung để tăng cường kiểm soát từ khâu chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thực hiện đầu tư đến đưa vào khai thác sử dụng công trình. Và như vậy có thể nâng cao được hiệu quả đầu tư xây dựng” – Phó Thủ tướng nói.

Trước tình hình trên, bên cạnh việc chủ động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất thực hiện các giải pháp đồng bộ, kịp thời xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước nếu thực hiện không đúng, chậm trễ triển khai và gây thất thoát, lãng phí, thiệt hại tài sản nhà nước nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó là quản lý, giám sát chặt chẽ nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn, bảo đảm đúng mục đích, có hiệu quả. Xây dựng phương án đổi mới phương thức hoạt động Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực quan trọng của nhà nước tại Tổng công ty này. Đồng thời, đổi mới phương thức hoạt động Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và giảm nợ xấu do Công ty này quản lý một cách rõ rệt.

Thực hiện không nghiêm nhưng chưa bị xử lý trách nhiệm

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế do Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu trình bày cũng cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2016 GDP tăng 6,7%, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với mức tăng 6,32% cùng kỳ năm trước. Để đạt mức tăng trưởng này, GDP 6 tháng cuối năm phải đạt gần 7,6% là khó khả thi đặc biệt trong bối cảnh không thể nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa trong 6 tháng cuối năm.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng ở mức hợp lý nhưng sẽ có nhiều áp lực dồn lên CPI trong 6 tháng cuối năm, nhất là tác động tăng giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình, giá dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại và tăng giá lương thực, thực phẩm vào mùa mưa bão, do đó, đòi hỏi phải kiên trì và có biện pháp kiểm soát đồng bộ thì mới thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết Quốc hội.

Liên quan đến tiến độ thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, nhiều ý kiến cho rằng vẫn chậm chạp làm lãng phí và sử dụng kém hiệu quả nguồn lực của nhà nước.

Theo đó, 6 tháng đầu năm chỉ có 38 doanh nghiệp nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp công lập được cổ phần hoá. Tỷ trọng cổ phần nhà nước nắm giữ quá cao, quá trình cổ phần hoá vẫn gặp khó với vướng mắc lớn nhất là phụ thuộc vào người đứng đầu và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do người đứng đầu thực hiện không nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa bị xử lý trách nhiệm khi không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa./.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

Tệp đính kèm