Cập nhật: 13/07/2016 17:16:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời gian gần đây, Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) liên tục tiếp nhận các nội dung phản ánh và khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến dịch vụ tín dụng tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 13/7, tại Hà Nội, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và góp phần minh bạch hoạt động trên thị trường tài chính.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), cho biết tín dụng tiêu dùng là một hình thức khá phổ biến hiện nay đặc biệt là ở một số nước phát triển trên thế giới. Đây là hình thức tín dụng mà công ty, tổ chức cấp cho khách hàng nhằm mục đích tiêu dùng. So với tín dụng doanh nghiệp, tín dụng tiêu dùng có một số đặc điểm khác biệt như giá trị khoản vay nhỏ, số lượng khách hàng lớn, chi phí kinh doanh cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo ông Hồ Tùng Bách, Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý Cạnh tranh), hoạt động tín dụng tiêu dùng thường được thực hiện dưới dạng các khoản vay để mua tài sản tiêu dùng như xe máy, máy tính, điện thoại...

So với các hồ sơ vay tại ngân hàng, các công ty cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng không yêu cầu chặt chẽ về việc chứng minh tài chính, xác minh nhu cầu tiêu dùng hoặc các thủ tục liên quan khác, thời gian giải ngân cũng nhanh hơn và trong nhiều trường hợp khi mua sắm tài sản thì giải ngân ngay sau khi ký hợp đồng. Lợi thế này của các công ty tín dụng tiêu dùng đã thu hút một bộ phận người tiêu dùng sử dụng, tạo nên mức tăng trưởng lợi nhuận nhanh chóng cho một số công ty trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của các lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, rất nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đã được ghi nhận và đang gây ra nhiều bức xúc cho người dân.

Đưa ra dẫn chứng thực tế, ông Hồ Tùng Bách cho hay nếu như trước đây cho vay tiêu dùng tập trung vào những sản phẩm có giá trị nhỏ, như xe máy, tivi, tủ lạnh... thì gần đây không ít ngân hàng quảng bá rầm rộ cho vay mua cả ôtô. Hiện nay, nhiều công ty tài chính chấp nhận cho khách hàng cá nhân dễ dàng được tiếp cận khoản vay tín chấp trong vòng 10-15 phút. Tuy nhiên, với khoản vay nhỏ lẻ, so với các loại hình tín dụng thông thường khác, vốn tín dụng tiêu dùng triển khai khá dễ dàng, trở thành khe hở cho các đối tượng bất chính lợi dụng.

Hiện, Cục Quản lý cạnh tranh đang xem xét giải quyết việc một số người tiêu dùng và cả người thân của người tiêu dùng thường xuyên bị các cuộc điện thoại, tin nhắn liên hệ với mục đích thu hồi nợ từ các gói vay trả góp. Do vậy, người mua cần tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp và khi làm hợp đồng phải yêu cầu ghi rõ mức lãi suất, cơ sở tính...

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Phan Thế Thắng, Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khuyến cáo khi có nhu cầu vay tiền, người tiêu dùng cần tham khảo các hình thức tín dụng tại các ngân hàng. Nếu không còn lựa chọn nào khác mới tham khảo hình thức tín dụng tiêu dùng tại các tổ chức tài chính. Cần lựa chọn các công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay có uy tín. Đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng, đặc biệt lưu ý các điều khoản về lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt để không phạm phải những sai lầm đáng tiếc./.

Theo UYÊN HƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/kien-quyet-bao-ve-quyen-loi-nguoi-su-dung-tin-dung-tieu-dung/395790.vnp

Tệp đính kèm