Cập nhật: 15/07/2016 08:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Không chỉ đơn giản là "kiến nghị" từ phía Kiểm toán Nhà nước, các đơn vị được kiểm toán theo quy định sẽ "bắt buộc" phải thực hiện theo báo cáo của cơ quan chức năng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nói về một trong những điểm thay đổi trên trong Luật Kiểm toán Nhà nước có hiệu lực từ 1/1/2016, ông Lê Huy Trọng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, quy định này giúp nâng cao giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán.

Dẫn lại quy định mới, đại diện Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh: Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Việc "bắt buộc" được ông Trọng đặc biệt nhắc lại bởi theo ông, trước đây, theo Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005, mọi thứ mới dừng lại ở "kiến nghị."

Sự thay đổi trên theo đại diện ngành kiểm toán không chỉ giúp nâng cao giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán mà đồng thời cũng tăng tính trách nhiệm với chính cơ quan kiểm toán. Trách nhiệm ở đây được ông Trọng giải thích là việc phải chỉ ra đúng sai phạm của các đơn vị được kiểm toán.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước, nếu các đơn vị được kiểm toán không thực hiện kết quả báo cáo, cơ quan chức năng ngoài việc đôn đốc sẽ gửi thông tin tới các cơ quan khác như Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố hay có thể là Chính phủ.

Thực tế, trong luật Kiểm toán Nhà nước mới nhất, để nâng cao vai trò của các cơ quan, luật đã bổ sung một chương về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với hoạt động của Kiểm toán Nhà nước bao gồm: Quốc hội, Chính phủ, trách nhiệm các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân,...

Trong số này, một trong những trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ là thực hiện, đôn đốc và chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Với các địa phương, Ủy ban Nhân dân có trách nhiệm thực hiện và chỉ đạo các cơ quan thực hiện và báo cáo đầy đủ, kịp thời kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Ngoài ra, Hội đồng nhân dân cũng phải giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước tại địa phương.

Nói thêm về công tác kiểm toán, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước thống kê, trong năm 2015, ngành kiểm toán đã thực hiện 182 cuộc kiểm toán và xử lý tài chính với tổng số tiền là khoảng 19.000 tỷ đồng.

Khẳng định với Luật Kiểm toán Nhà nước đã được Quốc hội thông qua, cơ quan chức năng đã có điều kiện hoạt động rộng hơn, ông Phớc cũng nhấn mạnh lại, đây là cơ sở pháp lý vững chắc để phía kiểm toán thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình./.

Theo XUÂN DŨNG (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/buoc-cac-don-vi-phai-thuc-hien-bao-cao-kiem-toan-neu-co-sai-pham/395928.vnp

Tệp đính kèm