Dưới đây là những dấu hiệu phổi của bạn đang gặp nguy hiểm và bạn cần đi khám bác sĩ:
Khó thở kéo dài
Dù là leo cầu thang hay thực hiện những công việc hàng ngày, nếu bạn cảm thấy khó thở sau khi gắng sức, hay khó thở phần lớn thời gian, thậm chí khi nằm trên giường, đó là dấu hiệu phổi có vấn đề. Khó thở kéo dài có thể là dấu hiệu vấn đề hô hấp, có thể do viêm phế quản, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc bệnh tim (trong một số trường hợp).
Tiết quá nhiều chất nhầy
Chúng ta thường không quá lo lắng khi bị ho hoặc ho có đờm. Tuy nhiên, nếu bạn bị ho nhiều hơn 3 tháng, cần đi khám bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu viêm phế quản mạn tính. Nếu ho có đờm đi kèm với thở rít hoặc khó thở, đó có thể là dấu hiệu bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
phoi
Máu lẫn trong đờm
Một triệu chứng quan trọng khác báo hiệu bệnh phổi là có máu lẫn trong đờm. Mặc dù những thay đổi trong màu sắc của đờm có thể chỉ báo nhiều điều về sức khỏe, từ nhiễm vi khuẩn tới viêm phổi, sự xuất hiện của máu còn có thể là dấu hiệu của bệnh lao. Nếu bạn bị ho kéo dài, sốt nhẹ và có vệt máu trong đờm, hãy đi kiểm tra bệnh lao.
Đau ngực
Đau ngực không có nghĩa là đau tim. Nếu bạn bị những cơn đau nhói ở ngực khi thở, ho hoặc hắt hơi, nó có thể là do nhiễm trùng phổi do vi khuẩn hoặc vi-rút. Trong một số ít trường hợp, nó có thể là do đông máu ở động mạch phổi, tắc nghẽn lưu thông máu tới phổi hay còn gọi là thuyên tắc động mạch phổi.
Thở rít
Âm thanh rít trong phổi là một triệu chứng của suy giảm chức năng phổi. Nó chỉ ra rằng phổi đang khó thở do bị hẹp đường thở và nghẽn động mạch do tác nhân bên ngoài. Trong phần lớn các trường hợp, thở rít có liên quan tới viêm do hen, viêm phế quản, viêm phổi, phản ứng dị ứng hoặc tắc nghẽn vật lý gây ra do khối u hoặc tác nhân bên ngoài.
Ho mạn tính
Mặc dù ho chủ yếu do nhiễm vi-rút hoặc cảm lạnh, nhưng nếu ho không kết thúc sau 2-3 tuần mà thậm chí kéo dài hơn 8 tuần thì đó là dấu hiệu đáng ngại. Bạn nên đi khám chuyên khoa hô hấp và làm xét nghiệm để tìm nguyên nhân sâu xa. Một số nguyên nhân phổ biến của ho mạn tính gồm viêm phế quản, hen, viêm phổi và lao.
BS Cẩm Tú/Univadis
Theo suckhoedoisong.vn