Lạng Sơn nổi tiếng với đỉnh Mẫu Sơn cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, quanh năm mây phủ, khí hậu mát mẻ và nhiều loại sản vật đặc trưng được du khách gần xa ưa chuộng. Trong đó có quả chanh rừng, một loại chanh quả rất nhỏ, vỏ dày, vị thơm.
Cây chanh rừng tại Mẫu Sơn
Chanh rừng là cây chịu lạnh tốt, thường sống những nơi có nhiệt độ bình quân trên dưới 200C. Ở vùng núi Công - Mẫu Sơn, loại cây này mọc tự nhiên ở những sườn đồi, bụi cây thấp thuộc thượng nguồn các khe suối, lạch nước nhỏ.
Dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lạng Sơn và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Bắc, một số bà con, nhân dân đã nhân giống trồng theo quy hoạch trên đất vườn đồi quanh nhà, khoảng 5 đến 7 năm cây đơm hoa và đậu quả. Thời gian thu hoạch quả vào tháng 5 đến tháng 10 dương lịch hàng năm. Quả chanh rừng được thu hoạch từ lúc còn xanh vỏ, khi chín quả có màu vàng chanh, vỏ chanh rừng có vị ngọt, cùi có vị chua, hạt nhỏ, mỗi quả có từ 3 đến 5 hạt. Chị Triệu Múi Sảy (thôn Pác Đây, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc) cho biết: “Gia đình tôi trồng được khoảng 600 gốc chanh rừng. Mỗi năm mang bán ở khu du lịch, thu nhập hơn 100 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình tôi cải thiện đời sống, nuôi con cái ăn học.”
Theo kinh nghiệm của bà con dân tộc Dao ở Mẫu Sơn, quả chanh rừng ngâm với muối trắng hoặc mật ong có tác dụng tốt trong việc chữa trị viêm họng, chữa ho, chữa cảm lạnh. Chanh rừng ngâm dùng làm món chấm thịt gà, vịt và nhiều gia vị cho các món kho khác. Quả chanh rừng ngâm với măng, ớt chỉ thiên là món gia vị khoái khẩu của nhiều người trong các bữa ăn. Trong nhiều năm gần đây, chanh rừng đã trở thành một loại hàng hóa, một sản phẩm du lịch của vùng núi cao Mẫu Sơn, được khách tham quan ưa chuộng, mua về làm quà.
Anh Nguyễn Quốc Cường (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) cho hay: “Năm nào đến hè, gia đình tôi cũng lên Mẫu Sơn. Vừa tận hưởng không khí mát mẻ vừa mua chanh rừng về ngâm muối hoặc mật ong để làm thuốc và gia vị. Lần nào biết tôi lên Mẫu Sơn, anh em bạn bè cũng gọi điện nhờ mua, người 5 kg, người 10 kg.”
Được biết vào đầu vụ, loại quả này được bà con người dân tộc Dao bán với giá khoảng 80 - 100 ngàn đồng/kg, giữa vụ giá còn 40 - 50 ngàn đồng/kg. Một lọ chanh rừng ngâm muối dung tích 500ml có bán tại Khu du lịch Mẫu Sơn có giá từ 40 đến 60 ngàn đồng, còn bình ngâm mật ong dung tích 1 lít có giá trị từ 500 đến 600 ngàn đồng. Ông Nguyễn Hải Đăng, Trưởng Ban Quản lý Du lịch Mẫu Sơn cho biết: “Để tránh tình trạng tự nâng giá, chặt chém du khách như những nơi khác, chúng tôi đã phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con về văn hóa du lịch, phát triển du lịch bền vững. Đồng thời ban hành văn bản đề nghị các cơ sở kinh doanh niêm yết giá bán từng sản phẩm cụ thể, mang đến cho du khách sự hài lòng.”
Với sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương từ việc nghiên cứu, nhân rộng trong các vườn rừng cho đến quản lý thị trường tiêu thụ, tin rằng, chanh rừng cũng như nhiều loại quả đặc sản khác của vùng núi cao Mẫu Sơn sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo thương hiệu, thu hút du khách đến với Lạng Sơn./.
ST