Cập nhật: 19/07/2016 08:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo các chuyên gia y tế, 3 người tử vong do bệnh bạch hầu ở Bình Phước mới đây mặc dù đều đã được tiêm vaccine nhưng do cộng đồng có tỷ lệ tiêm thấp nên khả năng miễn dịch kém.

Từ cuối tháng 6 đến ngày 17/7, số ca nghi nhiễm bệnh bạch hầu trên địa bàn huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đã tăng lên 59 ca, thuộc 3 xã Thuận Phú, Thuận Lợi và xã Đồng Tiến, trong đó có 3 người tử vong. Độ tuổi mắc bệnh ghi nhận tại địa phương này từ 6-26 tuổi. Đến nay, 710 liều vaccine cũng đã tiêm cho các đối tượng từ 6-26 tuổi, gần 1.000 viên thuốc phòng bệnh bạch hầu cũng đã được cấp cho người dân trong vùng dịch.

Một trong những khó khăn trong công tác phòng dịch hiện nay ở địa phương này là cơ sở vật chất, nhất là phòng điều trị cách ly bệnh bạch hầu còn thiếu, nhiều đối tượng nghi nhiễm phải điều trị chung phòng với các bệnh nhân dương tính với bệnh bạch hầu. Hầu hết số ca mắc bệnh bạch hầu là người dân tộc S’Tiêng nên rất khó cách ly người bệnh với người nhà, đặc biệt là trẻ em.

Trong số 3 trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng Bình Phước cho biết, 2 trong số 3 bệnh nhân này đã tiêm phòng bệnh và vẫn còn lưu sổ tiêm chủng. Trường hợp còn lại, theo người nhà thì bệnh nhân đã được tiêm chủng đầy đủ nhưng không còn lưu sổ tiêm chủng.

Lý giải những trường hợp đã được tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh và tử vong, PGS-TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, có thể do bệnh nhân không được tiêm đầy đủ và đúng lịch các mũi tiêm vaccine. Còn đa số sau khi tiêm vaccine, người được tiêm sẽ có miễn dịch. Tuy nhiên, thực tế vẫn có có một tỷ lệ ít người do khả năng miễn dịch thấp nên chưa đạt được ngưỡng miễn dịch bảo vệ.

Đặc biệt, tại huyện Đồng Phú, qua các năm 2008, 2010, 2013, tích lũy dần các trường hợp chưa được tiêm chủng (tỷ lệ tiêm chủng thấp) tăng, nên tạo cơ hội cho tác nhân gây bệnh lớn hơn các địa phương khác.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, nếu trong cộng đồng có tỷ lệ người đã có miễn dịch cao (gọi là miễn dịch cộng đồng) thì dịch bệnh không xảy ra và những người chưa miễn dịch cũng có thể được bảo vệ. Ngược lại, nếu miễn dịch cộng đồng không đủ để ngăn ngừa dịch, khi dịch xảy ra những người này sẽ dễ mắc bệnh.

Trước tình hình này, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã yêu cầu ngành  y tế tỉnh Bình Phước tập trung không để xảy ra thêm trường hợp bệnh nhân tử vong. Vì bệnh này đã được phát hiện, điều tra dịch tễ, công bố dịch, có phác đồ và kinh nghiệm điều trị, đồng thời ngành y tế cũng đã khoanh vùng phòng chống dịch.

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo, việc khám và điều trị bệnh bạch hầu phải thực hiện thật kỹ. Bởi không ít ca bệnh có những biểu hiện lâm sàng không rõ ràng hoặc khám không phát hiện giả mạc nên nghi bị viêm họng, viêm amiđan, từ đó dẫn đến nguy cơ biến chứng cơ tim, dẫn đến tử vong. Ngành y tế phải phổ biến lại, phác đồ lại không chỉ dành riêng cho huyện Đồng Phú mà cho tất cả hệ thống y tế trên toàn tỉnh Bình Phước.

Ông Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh trường hợp nghi nhiễm phải được bố trí khu điều trị riêng biệt với các trường hợp dương tính hoặc có những biểu hiện bệnh bạch hầu rõ ràng. Đối với trẻ em mắc bệnh bạch hầu, người nhà phải được hướng dẫn không nên bồng, bế trẻ đột ngột hoặc tác động mạnh làm sốc cơ tim, dễ dẫn đến tử vong. Các tuyến huyện, xã không để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tự đi xe đò đến bệnh viện nhằm tránh sự lây lan dịch bệnh trên diện rộng.

“Bộ Y tế cam kết sẽ dập dịch trong thời gian sớm nhất”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định.

Để tạo cộng đồng đủ miễn dịch với bệnh bạch hầu, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ tiêm đúng lịch, đúng liều trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Sau khi tiêm vaccine khoảng hai tuần, hiệu lực phòng dịch sẽ được phát huy.

Thúy Hà

Theo baochinhphu.vn

Tệp đính kèm