Cập nhật: 21/07/2016 09:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo WB, do chi phí lương sẽ tăng lên nên lợi thế nhân công giá rẻ, tay nghề thấp trong ngành dệt may của Việt Nam sẽ dần mất đi.

Dệt may VN đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu (Ảnh minh họa: KT)

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt trên 12,6 tỉ USD, đạt 41% kế hoạch năm, tăng gần 5% so với cùng kì năm 2015. Kết quả này, theo đánh giá của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, là “không được như kì vọng”.

Chi phí tăng, nhu cầu thị trường giảm

Nguyên nhân chính kết quả xuất khẩu dệt may 6 tháng không như kỳ vọng được lý giải do các yếu tố khách hàng như giá cả hàng hóa trên thế giới giảm cùng với sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước trong bối cảnh thế giới còn khó khăn. Đồng thời, doanh nghiệp dệt may cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu, trong khi chi phí lao động không ngừng tăng cao và nhiều bất cập từ chính sách cũng gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành.

Liên quan đến tình trạng này, một báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đánh giá không mấy sáng sủa về “sức khỏe” của dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới khi so sánh với Campuchia tại cùng thị trường EU. Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho hay: Cả Campuchia và Việt Nam đều xuất hàng dệt may sang EU. Hiện tại, hàng dệt may chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Campuchia và 16% xuất khẩu hàng hóa Việt Nam. Ngành này tạo 700.000 việc làm tại Campuchia (35% lao động công nghiệp) và gần 1,2 triệu việc làm tại Việt Nam (10% việc làm trong các doanh nghiệp).

So sánh hai nước cho thấy, Campuchia đã thành công trong việc mở rộng thị phần tại một số thị trường xuất khẩu cụ thể. Cả hai nước đều ký hiệp định thương mại với EU và được tiếp cận thị trường như nhau. Campuchia đã tăng thị phần sản phẩm dệt kim và thêu trên 2 lần tại EU trong vòng 4 năm. Tính theo giá trị danh nghĩa Campuchia đã xuất gần 2,2 tỉ USD hàng dệt kim vào EU trong năm 2014, gần gấp 3 lần xuất khẩu của Việt Nam. Qua đó thấy rằng, “Việt Nam đang phải cạnh tranh với các nước khác, nhất là trong các ngành công nghiệp chế tạo sử dụng nhiều nhân công tay nghề thấp phục vụ xuất khẩu”- Sebastian Eckardt đánh giá.

Còn nhìn rộng hơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Trương Văn Cẩm phân tích, kim ngạch dệt may của Việt Nam đạt hơn 27 tỷ USD năm 2015, nhưng hiện mới chỉ tập trung vào khâu gia công xuất khẩu là chính, còn các nguyên phụ liệu thì gần 80% là nhập của nước ngoài TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương).

Khi tham gia các hiệp định thương mại, Việt Nam phải tuân thủ các cam kết như quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi (cam kết trong TPP), hoặc quy tắc xuất xứ từ vải trở đi (trong Hiệp định thương mại giữa Việt Nam - EU). Trong khi đây lại là khâu yếu của ngành dệt may nước ta.

Một hạn chế quan trọng khác của dệt may Việt Nam, theo ông Phí Ngọc Trịnh, Phó Tổng giám đốc Công ty May Hồ Gươm, do doanh nghiệp phải chi phí rất lớn để đầu tư nhà xưởng, nhà máy xử lý nước thải ở các khâu sợi, dệt, nhuộm. Các chi phí về nhà xưởng và xử lý môi trường tương đương chi phí đầu tư máy móc thiết bị, nên vốn đầu tư bị đội gấp đôi. Do đó, các nhà đầu tư chưa mặn mà với dệt may. Thực tế cũng ít có doanh nghiệp chấp nhận đầu tư nhà máy dệt mà phải đầu tư cả hệ thống xử lý nước thải. Chưa kể, hầu hết các tỉnh, thành hiện nay đều không muốn cấp phép dự án dệt nhuộm do lo ngại về tác động môi trường.

Cần hiện đại hóa công nghệ và tăng chất lượng sản phẩm

Giám đốc Triển lãm và Marketing về dệt may thuộc Hiệp hội Máy móc dệt may VDMA của Đức, ông Boris Abasjieff đánh giá, Việt Nam là thị trường rất quan trọng tại khu vực châu Á của ngành dệt may. Ngành dệt may còn tăng thêm cơ hội phát triển khi Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới… Muốn hưởng lợi từ các hiệp định này, Việt Nam cần tăng cường đầu tư hiện đại hóa công nghệ, trang bị máy móc dệt may hiện đại để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hướng đến dẫn đầu về dệt may trong khu vực.

Còn ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, khuyến nghị rằng, các doanh nghiệp đầu tư ngoài chiếm 71% xuất khẩu và 59% nhập khẩu của Việt Nam và chiếm ưu thế trong các mặt hàng chế biến, chế tạo chính. Do vậy, tuy có kết quả xuất khẩu cao nhưng Việt Nam vẫn phải tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào hoạt động xuất khẩu và đây vẫn là một thách thức, nhất khi đi vào thực hiện các hiệp định thương mại tự do sắp tới như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Thương mại Tự do với EU.

Theo ông Sebastian Eckardt, các hiệp định này sẽ mang lại cơ hội tăng cường xuất khẩu. Do chi phí lương sẽ tăng lên nên lợi thế nhân công giá rẻ, tay nghề thấp trong các ngành thâm dụng lao động sẽ dần mất đi, trong đó có dệt may. Nếu Việt Nam muốn duy trì sức cạnh tranh thì phải tiến lên những nấc cao hơn trong chuỗi giá trị và tăng cường bổ sung giá trị trong nước.

Đối với bản thân doanh nghiệp dệt may, nhiều chuyên gia khuyến nghị muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp cần học hỏi, đầu tư các công nghệ để sản xuất sợi, vải tiên tiến nhất trên thế giới (vì hiện nay công nghệ đang dùng chủ yếu còn thô sơ, lạc hậu). Việc sử dụng thiết bị công nghệ cao, dù đắt nhưng sẽ làm thay đổi chất lượng sản phẩm, nhất là vải cho may xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng rất cần quan tâm đến việc cải thiện chất lượng trong đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ lĩnh vực này, từ đó góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm ngành dệt may Việt Nam./.

Theo Xuân Thân/VOV.VN

Tệp đính kèm