Cập nhật: 27/07/2016 08:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bệnh loét da ở người cao tuổi (NCT) rất dễ gặp bởi đối tượng này có sức đề kháng giảm sút. Thêm vào đó, NCT thường mắc các bệnh có liên quan đến dinh dưỡng của da, khiến da dễ bị loét.

Ảnh minh họa

Bệnh loét da ở người cao tuổi (NCT) rất dễ gặp bởi đối tượng này có sức đề kháng giảm sút. Thêm vào đó, NCT thường mắc các bệnh có liên quan đến dinh dưỡng của da, khiến da dễ bị loét.

Trong các bệnh về da ở NCT thì bệnh loét da là một trong các loại bệnh gây nhiều phiền toái không chỉ cho người bệnh mà còn cho cả gia đình.

Nguyên nhân

Trong các bệnh loét da ở NCT thì loét da chi dưới chiếm tỉ lệ rất cao (khoảng 70%) do hệ thống van một chiều của tĩnh mạch chân suy yếu làm khó khăn cho máu trở về tim, máu ứ đọng lại gây loét da ở cẳng chân. Bệnh có thể xảy ra một bên hoặc cả hai bên cẳng chân, cũng có thể thể hiện loét ở da mắt cá trong do ứ trệ tĩnh mạch bên dưới. Mắt cá ngoài của NCT cũng có thể bị loét, loét mắt cá ngoài lại có lien quan đến chấn thương làm lở loét do đi lại không vững gây vấp, trượt chân hoặc do một số động mạch của chi dưới bị suy yếu…

Một số NCT do nằm lâu bởi một số bệnh như tai biến mạch máu não, chấn thương gãy xương phải cố định hoặc bó bột phải nằm dài ngày. Sức yếu không cử động, không thay đổi tư thế được hoặc muốn cử động, muốn thay đổi tư thế nhưng không có người hỗ trợ thì những vùng bị tì đè nhiều cũng rất dễ gây loét như vùng mông, bả vai, hai mạng sườn, vùng chẩm, gót chân…

Các dạng loét da ở NCT do tì đè này chủ yếu do da ở vùng đó thiếu chất dinh dưỡng bởi máu không lưu thông được trong một thời gian dài. Một số NCT bị loét da có thể do suy dinh dưỡng bởi ăn uống thiếu (thiếu cả về số lượng cả về chất lượng) hoặc không ăn được do bệnh tật, vì vậy lớp cơ, lớp mỡ dưới da mỏng đi rất nhiều và nếu bị tì đè nhiều thì da sẽ bị loét. Ở một số NCT bị mất cảm giác đau do chấn thương cột sống, do tai biến mạch máu não cũng có thể bị loét da.

Ngày nay, người ta thường nhắc đến loét da ở bệnh nhân bị đái tháo đường là do mạch máu ở một số vùng như bàn chân của người đối tượng này bị tổn thương làm cho máu không đến được gây loét da. Một số NCT do tình trạng vệ sinh kém bởi vì tuổi cao, sức yếu không có người chăm sóc, vệ sinh tắm, rửa hàng ngày cũng rất dễ bị loét da.

Nên làm gì?

Tùy theo từng nguyên nhân mà có các biện pháp nhằm ngăn ngừa loét da cho NCT. Khi NCT phải nằm lâu ngày, thậm chí không ngồi dậy được thì người nhà, người chăm sóc cần thay đổi tư thế cho người bệnh. Những vùng bị tì đè nhiều cần được vệ sinh sạch sẽ và xoa bóp hàng ngày. Có thể dung một số thuốc mỡ có kháng sinh thoa vào các vùng bị loét để phòng bị nhiễm trùng. Không nên lạm dụng thuốc ngủ cho NCT có nguy cơ bị loét da vì uống thuốc ngủ sẽ làm cho người bệnh giảm các vận động ngay cả việc thay đổi tư thế khi nằm.

Những NCT bị đái tháo đường luôn lưu ý là kiểm tra bàn chân mỗi ngày để phát hiện vết loét, cần chọn dày, dép mềm mại, không chật để sử dụng.

NCT khi bị giãn tĩnh mạch chân cần đi khám bệnh để được bác sĩ điều trị và tư vấn những điều cần thiết.

Vấn đề dinh dưỡng cho NCT để phòng loét da cũng là một việc rất cần được quan tâm. Vì vậy cần có chế độ ăn, uống hợp lý để có đủ năng lượng, giàu protein, giàu sinh tố, khoáng chất.

Trong các bữa ăn nên hạn chế ăn thịt mà tăng cường ăn cá, rau và quả. Cá, rau và quả có rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho mọi cơ quan trong cơ thể vì chúng cung cấp các loại vitamin đồng thời trong rau có nhiều chất xơ là loại góp phần chống táo bón ở NCT. Bên cạnh thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt, đều đặn thì phải luôn luôn giữ vệ sinh cá nhân như nên tắm, rửa và thay quần áo hàng ngày. Quần áo luôn được thay, tốt nhất là thay đổi hàng ngày và cần giặt sạch.

PGS.TS.TTƯT. BÙI KHẮC HẬU

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm