Cập nhật: 27/07/2016 09:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo các nhà quan sát, chắc chắn quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, Nga và Syria sẽ có sự thay đổi sau cuộc đảo chính vừa qua.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường ủng hộ chính quyền của Tổng thống Erdogan sau cuộc đảo chính. Ảnh: AFP/Getty Images

Đêm 15/7, một cuộc đảo chính quân sự đã nổ ra tại Thổ Nhĩ Kỳ làm rung chuyển thành phố Istanbul và thủ đô Ankara, tuy nhiên nó đã nhanh chóng bị dập tắt. Các vụ bắt giữ đầu tiên giờ đã biến thành một cuộc thanh trừng rộng rãi chưa từng có trong quân đội. Ngay sau khi cuộc đảo chính nổ ra, các đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ đã rất nhanh chóng lên án cuộc đảo chính đồng thời khẳng định cam kết hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ không thay đổi.

Sau đảo chính, vị thế quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ cơ bản không có sự thay đổi, tuy nhiên theo các nhà quan sát, những sự kiện chính trị xảy ra trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ có tác động đối với mối quan hệ của nước này với Mỹ, Nga và Syria, đặc biệt nó sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây hậu đảo chính

Theo báo cáo phân tích cán cân quân sự năm 2016 của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện có 410.000 quân thường trực. Đây là đội quân mạnh thứ 2 trong NATO sau Mỹ. Không giống như quân đội của các nước châu Âu, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên tích lũy được kinh nghiệm chiến đấu trong các cuộc chiến chống lại phiến quân người Kurd.

Các nhà phân tích cho rằng, sau cuộc đảo chính quân sự bất thành, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh thân cận trong NATO là Mỹ cũng như đối thủ mới là Nga sẽ bị ảnh hưởng.

Sau vụ binh biến bất thành, nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ NATO giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác đã tạm thời bị đóng băng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng cảnh báo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ rằng sẽ là một sai lầm lớn nếu họ tiến hành thanh trừng hàng loạt các sĩ quan quân đội vào thời điểm này.

Đáp lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan đã bóng gió nói rằng, Mỹ phần nào có nhúng tay vào cuộc đảo chính vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ khi dung túng cho Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen - người hiện đang sống lưu vong ở Pennsylvania, Mỹ. Ông Erdogan cũng cáo buộc các tướng lĩnh cao cấp nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp với các đồng nghiệp người Mỹ của họ, bao gồm cả những người trong cơ quan tình báo.

Tạp chí Chính sách đối ngoại thì cho rằng, trong ngắn hạn cuộc đảo chính quân sự bất thành sẽ ảnh hưởng đến khả năng hợp tác của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO. Một dấu hiệu rõ ràng của điều này là căn cứ chống IS chính của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ là Incirlik đã tạm thời bị đóng cửa ngay sau khi đảo chính xảy ra.

Dù cho đến nay, căn cứ này đã mở cửa trở lại đối với liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu để hỗ trợ người Kurd trong cuộc chiến tại Manbij - thành phố ở phía bắc Syria, tuy nhiên lực lượng vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là hầu như không có khả năng để có thể hỗ trợ lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA) tại Aleppo và Latakia trong tương lai gần.

Việc năng lực của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị suy giảm tại Syria có thể lại là một lợi thế đối với Moscow, bất chấp mong muốn của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong việc tăng cường hỗ trợ cho FSA bởi các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính sẽ bị gián đoạn trong một thời gian nữa.

Quan hệ giữa Ankara với Nga và Syria

Ngay trước khi đảo chính nổ ra, đã có thông tin rò rỉ cho rằng có sự liên hệ giữa cơ quan tình báo quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad. Tuy nhiên xét trong điều kiện thực tế hiện nay, khó có khả năng Ankara và Damascus sẽ đối thoại. Tổng thống Syria trong phát biểu tại Quốc hội mới được bầu tại nước này thậm chí còn mô tả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là một tên phát xít.

Đối với Nga, các nhà phân tích cho rằng quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ thay đổi 180 độ. Xuất phát từ việc lực lượng FSA được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn thể hiện sự bất lực, các mối đe dọa từ người Kurd và việc đặt cược vào “lực lượng đối lập ôn hòa” tại Syria thất bại… chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc đối thoại giữa Ankara và Moscow.

Việc người Kurd mở rộng chiến tranh du kích tại các tỉnh phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ và sức mạnh ngày càng tăng của lực lượng người Kurd tại Syria có thể sẽ khiến chính quyền Ankara phải suy nghĩ rằng chính quyền al-Assad có lẽ sẽ ít nguy hiểm hơn so với lực lượng người Kurd ở hai bên biên giới. Hơn thế nữa, chính quyền Damascus cũng đang nhìn người Kurd ở Syria (đồng minh bất đắc dĩ của họ trong cuộc chiến chống IS) với ánh mắt hồ nghi, đặc biệt là sau khi lực lượng này tuyên bố sẽ thành lập cái gọi là nước cộng hòa tự trị tại các vùng đất họ kiểm soát tại Syria.

Mối quan hệ giữa Ankara và Washington đã xấu đi liên quan đến vấn đề người Kurd. Trong khi Ankara coi người Kurd là lực lượng khủng bố thì Washington lại đang dựa vào lực lượng người Kurd tại Syria để chống lại IS chứ không phải dựa vào lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA) mà Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Việc có sự liên lạc bí mật giữa Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Syria (chắc chắn là có sự tư vấn của Moscow) sẽ là một bước tiến trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sau khi ông Erdogan lên tiếng xin lỗi về việc phi công Nga thiệt mạng khi bị chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ngày 24/11/2015. Trớ trêu thay, phi công bắn hạ máy bay Nga cũng là người tham gia vào cuộc đảo chính ngày 15/7 vừa qua và Thị trưởng Ankara  Melih Gokcek - một người trung thành với ông Erdogan - đã vui vẻ tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNN tại Thổ Nhĩ Kỳ rằng phi công “hai lần phạm tội” đã bị bắt giữ.

Các nhà phân tích tin rằng, xu hướng cải thiện quan hệ với Nga rõ ràng là sẽ tiếp tục. Điều này sẽ diễn ra bất chấp lệnh cấm các chuyến bay dân dụng thường xuyên đến Thổ Nhĩ Kỳ và việc ngăn chặn tạm thời việc đi qua eo biển Bosporus (tuyến đường quan trọng để cung cấp cho các đơn vị của Nga ở Syria) sau cuộc đảo chính. Nhiều người cho rằng có thể là tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới, ông Putin và Erdogan cuối cùng cũng sẽ gặp nhau sau khoảng thời gian lạnh nhạt vừa qua. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để nói rằng quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được cải thiện hoàn toàn./.

Theo Nguyễn Hùng/VOV.VN

Tệp đính kèm