Người cao tuổi ho nhiều, khạc nhiều đờm vào buổi sáng, ho ra máu... Ðó là những dấu hiệu của bệnh giãn phế quản.
Người cao tuổi ho nhiều, khạc nhiều đờm vào buổi sáng, ho ra máu... Ðó là những dấu hiệu của bệnh giãn phế quản.
Tình trạng giãn không hồi phục các phế quản trung bình và nhỏ kèm theo các rối loạn cấu trúc thành phế quản, tăng tiết dịch niêm mạc phế quản gây nên bệnh cảnh giãn phế quản.
Nguyên nhân có thể bẩm sinh hoặc mắc phải. Người cao tuổi thường gặp nguyên nhân mắc phải. Giãn phế quản bẩm sinh thường ở phần lớn các phế quản, ít gặp và biểu hiện bệnh ngay từ khi còn trẻ. Thành phế quản thiếu các vòng sụn nâng đỡ nên giãn ra có thể có thêm những rối loạn miễn dịch dịch thể như: suy giảm hay không có globulin máu hoặc suy giảm miễn dịch tế bào gây rối loạn tiết dịch và chức năng thanh lọc của niêm mạc phế quản nên dễ nhiễm khuẩn. Phải nói đến bệnh nhầy nhớt lông chuyển bất động (mucoviscidose) và đặc biệt là hội chứng Kartagener gồm giãn phế quản, viêm xoang và đảo ngược phủ tạng: tim quay sang phải, gan ở bên trái và dạ dày ở bên phải.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Giãn phế quản thường gặp hơn có thể khu trú hoặc lan tràn ở nhiều vùng. Giãn phế quản lan tràn là di chứng của các bệnh phổi, phế quản nặng, thậm chí từ thời nhỏ tuổi như cúm, sởi, ho gà... Giãn phế quản khu trú gây nên bởi sự ứ đọng dịch tiết dẫn đến viêm nhiễm hoặc viêm nhiễm phế quản nguyên phát gặp ở: lao, nấm, áp xe phổi hoặc khối u.
Giãn phế quản bắt đầu từ lần phân nhánh phế quản thứ tư cho đến lần thứ 8. Có nhiều dạng tổn thương phế quản: Dạng hình trụ hay chuỗi hạt; Dạng túi, bóng hay kén.
Hệ thống mạch máu phế quản tăng sinh, các tiểu động mạch ngoằn ngoèo dẫn máu theo chiều ngược dòng do những nối tắt động mạch – động mạch. Chính vì vậy mà bệnh giãn phế quản có triệu chứng ho ra máu, nhiều khi ho ra máu dữ dội. Sụn phế quản thoái hóa tiêu hủy hoặc không có được thay thế bằng các mô xơ vôi hóa, collagen làm mất đi khung nâng đỡ và tính đàn hồi. Phế nang cũng có tổn thương, hay gặp: viêm phế nang, xẹp phế nang gây rối loạn chức năng trao đổi khí.
Triệu chứng
Triệu chứng của giãn phế quản bao gồm:
+ Ho nhiều, khạc nhiều đờm vào buổi sáng hoặc suốt ngày. Khối lượng đờm hơn 200ml một ngày. Đựng đờm vào cốc thủy tinh lắng thành 3 lớp: trên cùng là bọt, giữa là nhày loãng, dưới là mủ đặc. Đờm có mùi nồng như thạch cao, có mùi hôi thối khi nhiễm vi khuẩn yếm khí.
+ Ho ra máu: máu đỏ tươi lẫn với đờm hay toàn phần. Mức độ nặng nhẹ tùy thương tổn mạch máu.
+ Các dấu hiệu nhiễm khuẩn: sốt, tăng bạch cầu.
+ Người cao tuổi bệnh lâu ngày và kết hợp nên có các dấu hiệu của rối loạn thông khí như ngón tay ngón chân dùi trống, suy hô hấp mạn tính và tâm phế mạn.
Để xác định chính xác giãn phế quản phải chụp cắt lớp vi tính lồng ngực độ phân giải cao. Phát hiện giãn phế quản khi phế quản lớn gấp đôi mạch máu đi kèm, phế quản tăng khẩu kính phía ngoại vi, hình kén.
Hình ảnh phế quản bị giãn.
Ðiều trị
Điều trị giãn phế quản ở người cao tuổi chủ yếu là nội khoa:
+ Liệu pháp kháng sinh được chỉ định sớm để hạn chế sự nặng nề của nhiễm khuẩn. Khi chưa có kết quả kháng sinh đồ cần lựa chọn các kháng sinh phổ rộng như nhóm cefalosporin thế hệ 2, 3: cefuroxim, cefotaxim hoặc nhóm macrolid: rovamyxin, roxithromyxin. Nếu đờm có mùi hôi chỉ định metronidazol để diệt vi khuẩn kỵ khí tốt hơn.
+ Dẫn lưu sạch đờm mủ rất cần thiết để làm thông thoáng đường dẫn khí:
Các thuốc làm loãng đờm: mucitux, bisolvon hoặc khí dung dung dịch cao phân tử như manitol.
Dẫn lưu tư thế và vỗ rung.
+ Điều trị ho ra máu bằng thuốc an thần giảm ho co mạch tùy theo nặng hay nhẹ. Nếu không cầm được máu tiến hành kỹ thuật gây tắc động mạch phế quản.
Điều trị ngoại khoa giãn phế quản ở người cao tuổi cũng được xem xét nếu điều trị nội khoa không có kết quả với điều kiện thể trạng và tuổi tác cho phép khi mắc thể khu trú.
Dự phòng giãn phế quản
Phòng giãn phế quản cho người cao tuổi phải được tiến hành ngay từ khi trẻ tuổi. Tiêm vaccin phòng lao, cúm, sởi, ho gà... Điều trị tốt các bệnh phổi phế quản như: viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi, polip phế quản, dị vật đường thở... Xử lý tốt các ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Tránh hít phải khói, hơi độc bằng sử dụng các phương tiện phòng hộ. Nhà xưởng phải thông thoáng, mở nhiều cửa sổ, có hệ thống hút bụi, hóa chất, vệ sinh răng miệng, mang khẩu trang để tránh nhiễm bệnh qua đường hô hấp.
BS. Bình Lâm
Theo suckhoedoisong.vn