Cập nhật: 30/07/2016 10:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tiểu tiện liên tục là một triệu chứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở người cao tuổi (NCT) với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tiểu liên tục do đâu?

Nói đến tiểu tiện tức là có liên quan đến hệ tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo và lỗ đái. Tiểu tiện liên tục liên quan đến các bộ phận của hệ tiết niệu nhưng quan trọng hơn cả là bàng quang. Ở người bình thường, bàng quang có thể chứa đựng được một lượng nước tiểu khá lớn (250 - 300ml) và khi lượng nước tiểu đã đầy bàng quang sẽ kích thích hệ thần kinh gây mót tiểu và phản xạ đi tiểu. Có rất nhiều nguyên nhân làm cho rối loạn tiểu tiện, đặc biệt là tiểu liên tục ở NCT. Bộ phận nào của hệ tiết niệu cũng có thể lâm bệnh, nhưng trong chứng tiểu tiện liên tục, nên quan tâm nhất đến bàng quang, bởi vì là cơ quan chứa nước tiểu và có thể mắc một số bệnh gây tiểu tiện liên tục. Vì vậy, đứng hàng đầu gây tiểu liên tục là viêm bàng quang, bệnh có thể gặp ở cả nam và nữ giới nhưng nữ thường chiếm tỉ lệ cao hơn. Căn nguyên viêm bàng quang chủ yếu do nhiễm khuẩn, hay gặp nhất là vi khuẩn E.coli, Proteus, Klebsiella, thứ đến là tụ cầu hoại sinh (S. saprophycticus), trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) và nguy hiểm hơn là do vi khuẩn lao (Mycobacterium).

 

Trong chứng tiểu tiện liên tục, nên quan tâm nhất đến bàng quang

Viêm bàng quang chủ yếu do nhiễm khuẩn

Một số trường hợp NCT bị viêm bàng quang kẽ gây nên hội chứng đau bàng quang, ngoài tiểu tiện liên tục còn bị đau tức vùng bụng dưới, mỗi lần đi tiểu đau, rát, thêm vào đó có thể gây rối loạn giấc ngủ, đau đầu, mệt mỏi. Ngoài ra, NCT, còn gặp bệnh sa bàng quang cũng gây nên tiểu liên tục. Bệnh thường gặp do cơ sàn chậu hông và dây chằng bị yếu bởi sinh đẻ nhiều lúc đương thời (phụ nữ cao tuổi), ho kéo dài trong các bệnh viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, biểu hiện đi tiểu liên tục, đi tiểu xong vẫn chưa thấy dễ chịu, đau bộ phận sinh dục, đau âm đạo (nữ) và đau lưng.

Ở nam giới trưởng thành, nhất là NCT, tiểu tiện liên tục còn có thể do bệnh của tiền liệt tuyến, đó là bệnh tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến, viêm tiền liệt tuyến hoặc nặng hơn là  ung thư tiền liệt tuyến là những bệnh gây nên tiểu tiện liên tục, tiểu són, mót tiểu cả ban ngày lẫn ban đêm.

 

Tiểu tiện liên tục còn có thể do mắc chứng ngưng thở khi ngủ kéo dài (khoảng trên 30 giây), bệnh đái tháo đường, bệnh suy tuyến giáp. Đối với bệnh đái tháo đường, do lượng đường trong máu không được kiểm soát, tăng cao, sẽ gây tổn thương đến hệ thần kinh, gây mất cảm giác, không điều khiển cơ bắp dẫn đến đi tiểu nhiều, tiểu liên tục hoặc bị són tiểu.

Với bệnh suy tuyến giáp nếu không được điều trị sẽ dần dần làm giảm chức năng tuyến giáp, ảnh hưởng trực tiếp đến chuyển hóa và gây ra nhiều biến chứng, trong đó có các bệnh về bàng quang gây rối loạn tiểu tiện (tiểu rắt, buốt, tiểu nhiều lần, lên tục cả ngày và đêm).

 

Một số tác giả cho rằng khi NCT tăng trọng lượng, nhất là có hiện tượng béo phì cũng có liên quan đến sức khỏe của bàng quang. Bởi vì, khi dư thừa trọng lượng cơ thể sẽ tác động lên cơ sàn chậu hông và lâu dần các cơ này bị suy yếu (đặc biệt là cơ bộ phận tiết niệu) làm rối loạn tiểu tiện, và có thể gây nên hiện tượng rò rỉ nước tiểu xuống niệu đạo nhất là khi cười, ho, hắt hơi (tiểu són).  Ngoài ra, tiểu tiện liên tục còn có thể do đang dùng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc an thần, hoặc gặp ở NCT bị lú lẫn, tâm thần bởi tuổi cao hoặc do tai biến mạch máu não.

 

Nguyên tắc điều trị như thế nào?

Nguyên nhân gây tiểu tiện liên tục ở NCT rất đa dạng, phức tạp, do đó việc chữa trị không đơn giản chút nào. Vì vậy, việc đầu tiên là xác định nguyên nhân, trong đó viêm đường tiết niệu, đặc biệt là viêm bàng quang cần được quan tâm, lưu ý, do đó người bệnh cần khám ở cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị. Người bệnh không nên quá lo lắng và nên tuân theo chỉ định điều trị, tư vấn của bác sĩ khám bệnh cho mình.

Lời khuyên của thầy thuốc

Đối với người tiểu tiện không tự chủ, không nên ra nhà vệ sinh ngay mà cố gắng nhịn khoảng 5 phút rồi hãy đi. Lúc đầu có thể tè ra quần, nhưng sau đó bàng quang sẽ quen dần cho đến khi có thể chủ động đi tiểu được. Cần vệ sinh bộ phận tiết niệu ngoài sạch hàng ngày, nhất là nữ giới để tránh mắc bệnh viêm đường tiết niệu. Nên luyện tập cơ thể thường xuyên, đúng động tác, chọn phương pháp phù hợp với từng người là hết sức cần thiết, trong đó nên lưu ý phương pháp tập co thắt cơ vùng sinh môn, co thắt niệu đạo. Cần tích cực điều trị các bệnh mạn tính làm ảnh hưởng đến tiểu liên tục (đái tháo đường, viêm phế quản mạn tính, bệnh tuyến giáp trạng…).

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm