Sản phẩm củ cải của huyện Đầm Hà, Quảng Ninh là món quà quê dân dã nhưng lại mang hương vị hấp dẫn và lạ miệng.
Để có được những cây củ cải trắng ngần, thơm ngọt, người dân Đầm Hà thường lựa chọn những vùng đất tơi xốp pha cát. Với lợi thế phù hợp về đất đai, khí hậu tại nơi đây nên những cây củ cải thường ít sâu bệnh và phát triển rất tốt, chỉ sau gần 3 tháng từ khi bắt đầu trồng là người nông dân đã có thể thu hoạch.
Người dân Đầm Hà chế biến củ cải tươi thành những món ngon trong bữa ăn như muối chua, muối mặn, sấy hay dầm dấm... ngoài ra họ còn sáng tạo thành nhiều sản phẩm thơm ngon đặc trưng như củ cải thái sợi khô, củ cải phên hay củ cải muối mặn. Để chế biến củ cải tươi thành các sản phẩm củ cải giòn, thơm ngon thì người dân Đầm Hà phải đi qua nhiều công đoạn với những bí quyết đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Người dân xã Quảng Lợi thu hoạch củ cải (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Bà Hoàng Thị Quang, một chủ cửa hàng bán củ cải khô lâu năm tại chợ Đầm Hà chia sẻ: "Củ cải trồng ở Đầm Hà phù hợp đất nên thường ngọt, dài củ và đẹp. Ở đây cách làm cũng tỉ mỉ, khi làm phải phơi 2 nắng, 3 nắng rồi ủ vào 1, 2 ngày, sau đó lại phơi tiếp thì nó mới vàng, mới ngọt".
Củ cải khô là món ăn được chế biến đơn giản nhất. Bà con thu hoạch củ cải về rồi rửa sạch, thái lát mỏng, đem phơi trên thảm hoặc trên dây. Đến khi củ cải đạt đến độ khô thích hợp sẽ được vò với một lượng muối vừa đủ, không quá mặn rồi tiếp tục phơi cho đến khi củ giòn dai, vàng ươm là có thể đem đi bán. Củ cải khô là món ăn ngon thường dùng để nấu kèm với các món như: kho thịt, canh hầm hoặc sào.
Củ cải phên thì được chế biến công phu, nhiều công đoạn hơn, sau khi rửa sạch, thái lát dày rồi ủ muối qua một đêm, củ cải được đem ra phơi nắng trên các phên, dây rồi tiếp tục được ủ muối, công đoạn này lặp lại trong nhiều lần sẽ cho ra sản phẩm củ cải phên có màu vàng, thơm giòn, vị hơi mặn và có thể dùng dần quanh năm.
Củ cải được thái lát dày để chế biến thành sản phẩm củ cải phên (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Cách chế biến món củ cải mặn thì có phần đặc biệt hơn, phải lựa chọn củ cải tươi, non và không to quá, đem phơi vừa phải rồi tiếp tục cho vào luộc cùng với muối cho đến khi củ cải sánh lại, đem bảo quản và có thể sử dụng trong nhiều năm mà không hỏng.
Sản phẩm củ cải Đầm Hà đang được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng, thường xuyên được các thương lái đến tận nơi sản xuất để thu mua. Diện tích trồng củ cải cũng tăng qua từng năm và dần trở thành cây trồng chủ lực lại địa phương. Bà con thường trồng củ cải vào vụ Thu- Đông cuối năm, 1ha cây củ cải có thể cho thu hoạch khoảng 9 tấn củ cải tươi.
Việc phát triển sản phẩm củ cải khô, phêm ở huyện Đầm Hà đang là hướng đi mới, không chỉ đa dạng hoá sản phẩm cây trồng mà còn giúp tăng thêm thu nhập đưa nhiều hộ dân ở đây vươn lên thoát nghèo.
Ông Phạm Văn Kha, phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà cho biết: "Sản phẩm củ cải cũng đã thực sự được nhân dân ưa chuộng. Trên cơ sở những nơi đã quy hoạch vùng như Đầm Hà chúng tôi sẽ tiếp tục tăng diện tích trồng củ cải, dành các nguồn đầu tư, hỗ trợ nhằm đảm bảo năng suất của các sản phẩm củ cải ra thị trường tốt nhất".
Người dân Đầm Hà đang tận dụng lợi thế của mình cùng với sự khéo léo của đôi tay biến những món ngon của địa phương từ củ cải thành những sản phẩm ẩm thực để mỗi lần du khách gần xa đặt chân tới vùng đất này được thưởng thức./.
ST