Sau Bỉ và Pháp, nước Đức hùng mạnh và vốn bình yên lâu nay đang trở thành tâm điểm mới của chủ nghĩa khủng bố trong năm nay.
Thủ tướng Đức Angela Merkel
Dù quy mô và mức độ thiệt hại nhỏ hơn so với cuộc khủng bố tại Brussels (22/3) và Nice (14/7), song một loạt các cuộc tấn công ghê rợn liên tiếp diễn ra trong hai tuần vừa qua đã làm rúng động nước Đức, gây ra tâm trạng hoang mang sợ hãi trong công chúng cũng như nhiều chỉ trích và rạn nứt trong nội các Đức.
Chủ nghĩa khủng bố đã tràn vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu dưới hình thức bốn cuộc tấn công trấn động rải khắp từ Würzburg (18/7), Munich (22/7), Reutlingen (24/7) đến Ansbach (24/7). Cho dù những vụ tấn công này được cho là không có liên quan đến nhau. Song ba trong bốn thủ phạm khủng bố là những thanh niên tị nạn mà nước Đức đã mở rộng vòng tay chào đón. Điều này hơn bao giờ hết đã làm dấy lên mối hoài nghi về quyết định mở cửa biên giới Đức để tiếp nhận người tị nạn của Thủ tướng Angela Merkel vào mùa thu năm 2015.
Chính sách mở cửa của Thủ tướng Merkel bị công kích
Trong khi dư âm của những cuộc tấn công tại nước Đức vẫn còn đó, sức ép chính trị ngày càng gia tăng đối với nhân vật quyền lực số một nước Đức.
Thủ hiến bang Bavaria, Horst Seehofer, người bấy lâu chỉ trích chính sách mở cửa của bà Merkel, nói "Mọi dự đoán của chúng tôi đều được chứng minh là đúng. Khủng bố hồi giáo đã đến nước Đức". Ông Seehofer cũng yêu cầu chính phủ phải thắt chặt các biện pháp an ninh và tiến hành trục xuất nhiều hơn.
Cả hai đảng cực hữu dân tuý AfD (Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức) và đảng tả hữu linke cũng lên tiếng chỉ trích bà Merkel. Noi gương ứng viên Tổng thống Mỹ thuộc Cộng hoà Donald Trump, Phó Chủ tịch Đảng AfD Alexander Gauland kêu gọi ngừng cấp quy chế tị nạn cho người Hồi giáo cho đến khi "tất cả những người xin tị nạn hiện nay ở Đức được đăng ký, kiểm tra và hồ sơ xin tị nạn của họ được xử lý”.
Ông André Poggenburg, Chủ tịch Đảng AfD thuộc bang Saxony-Anhalt, nhận định trên mạng Twitter: "Lỗi là ở chính sách tị nạn thất bại của nước Đức”. Còn đồng Chủ tịch Đảng AfD Fraue Petry đã đăng trên mạng xã hội Facebook câu hỏi: "Bà Merkel, bà có cảm thấy nước Đức đã đủ màu sắc chưa?".
Đại diện Đảng linke, Sahra Wagenknecht, đã chỉ trích chính sách tiếp nhận người tị nạn với tên gọi "We can do it” (Chúng ta có thể làm được điều đó) của bà Merkel là "lố bịch”.
Ngoài ra, tờ nhật báo 'Frankfurter Rundschau' đã phê bình các chính trị gia trong đảng phái của bà Merkel vì đã thúc đẩy "văn hoá chào mừng” của Đức và cho rằng văn hoá này cần phải được thay thế bằng "văn hoá chia tay”.
Nước Đức đang vật lộn để hàn gắn bất đồng giữa một bên là những người đòi hỏi luật tị nạn hà khắc hơn và một bên là những người ủng hộ bà Markel.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere thuộc Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc Giáo (CDU) cho biết ông không cho rằng chính sách tị nạn của bà Merkel quá lạc quan. Ông nhấn mạnh rằng tất cả những người tị nạn, kể cả những thủ phạm gây ra các cuộc tấn công gần đây, vẫn được kiểm tra thường xuyên về độ an toàn. Song ông thừa nhận rằng vấn đề chính là chưa có cơ sở dữ liệu toàn diện trên phạm vi toàn châu Âu về những đối tượng khủng bố đã bị cực đoan hoá.
Giáo sư Isabella Heuser-Collier, Giám đốc Cục Tâm thần Học tại Charité, nhận định: "Không, bà Merkel không có lỗi vì khủng bố đến Đức, song bà có lỗi vì không giải thích một cách thuyết thục và đầy đủ về các giải pháp của mình. Đối xử với mọi người theo một cách bản năng của một người mẹ bằng cách chỉ nói rằng "Tôi biết điều tôi làm, đừng lo rồi chúng ta sẽ thành công” là không có gì đảm bảo. Mọi người cần thông tin, cho dù là khó hiểu và phức tạp”.
Amir Musawy, Trưởng đại diện kênh truyền hình Al-Iraquia TV (Irắc) tại Berlin, nhận xét: "Đã đến lúc bà Merkel cần trung thực hơn với dân chúng về thực tế rằng nước Đức cần sống chung với đe doạ khủng bố quốc tế”.
Đức đã và đang thắt chặt luật di trú
Trên thực tế, nước Đức đã thắt chặt các chính sách nhập cư trong một vài tháng qua để hạn chế số người tị nạn. Đầu tháng 7/2016, Nghị viện Đức đã nhất trí về một luật hội nhập mới nhằm tạo điều kiện cho người được hưởng quy chế tị nạn dễ dàng tiếp cận hơn đến thị trường việc làm. Song luật này cũng đe doạ cắt giảm phúc lợi và từ chối cấp giấy phép cư trú cho những cá nhân từ chối tuân thủ các bước hội nhập vào xã hội Đức như từ chối tham gia các khoá học tiếng Đức và khoá học về hội nhập.
Berlin cũng đã dẫn đầu trong những nỗ lực của châu Âu để đạt được một thoả thuận với Thổ Nhĩ Kỳ gây nhiều tranh cãi qua đó cho phép trục xuất những người nhập cư trái phép vào châu Âu đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính phủ Đức cũng đã gây sức ép đối với các nước Bắc Phi như Tunisia và Marốc về việc tiếp nhận lại công dân của mình nếu họ không đủ điều kiện nhập cư.
Thêm vào đó, Một luật mới đang trong quá trình xây dựng về việc thụ lý nhanh đơn xin tị nạn từ ba nước Tunisia, Marốc và Angeria để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc trục xuất những người xin tị nạn song bị từ chối do không đủ điều kiện. Song luật này cần phải được Thượng viện Đức (Bundesrat) thông qua.
Tất cả các biện pháp này dường như đã phát huy tác dụng. Số người tị nạn đến Đức đã giảm mạnh trong năm nay. Trong ba tháng 4,5,6, số người tị nạn đến Đức là khoảng 16.000 tháng, giảm 4/5 so với đầu năm nay. Đồng thời, các bang của Đức tăng số vụ trục xuất.
Quyền tị nạn
AfD không có đại diện trong Nghị viện Đức vì thế không có quyền lập pháp. Trong mọi trường hợp, đề xuất của ông Gauland được xem là bất hợp pháp vì Hiến pháp Đức bảo đảm quyền tị nạn chính trị cho công dân nước ngoài bị ngược đãi không phân biệt tôn giáo ngoại trừ các trường hợp nếu người tị nạn đến từ một nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) hay một nước được coi là "nước xuất xứ an toàn”. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức cho biết ý tưởng của ông Gauland "đơn giản không phù hợp với quan niệm về tự do tôn giáo của nước Đức”.
Ông Boris Pistorious, Bộ trưởng Nội vụ bang Lower Saxony, nhận định "Chúng ta không thể vứt bỏ những nguyên tắc pháp luật xuống sông xuống biển, đặc biệt trong những lần buộc tội mang tính chất cảm tính và quyền tị nạn là quyền cơ bản, chúng ta không thể bất thình lình thay thế nó." Theo ông Pistorious, thậm chí nếu các hồ sơ xin tị nạn bị từ chối, thì người bị từ chối có quyền kháng nghị, ví dụ trong trường hợp trục xuất có thể khiến cuộc sống của họ bị nguy hiểm.
Chuyên gia về tị nạn Andrea Berg thuộc Chương trình Ấn xa Quốc tế Đức cũng đồng tình cho rằng "con người không được phép bị trục xuất vào một nước nơi mạng sống hay quyền tự do của họ bị rủi ro. Bất cứ ai đòi hỏi điều này cần nhận thức rắng những hình thức trục xuất như vậy rõ ràng là sự vi phạm luật pháp quốc tế”.
Bất chấp những tranh luận nảy lửa, những người bên trong nội các Đức cho rằng Thủ tướng Merkel chưa chắc sẽ đảo ngược chính sách nhập cư của mình và áp dụng những hạn định về số người nước ngoài được nhập cư vào Đức. Tuy nhiên, một giải pháp quá dè dặt có thể làm tăng lợi thế cho các phe đối lập và có thể làm triệt tiêu cơ hội thắng cử của bà Merkel trong cuộc bầu cử năm 2017. Tuy nhiên, hiện tại bà Merkel chưa hé lộ ý định có chạy đua vào chiếc ghế Thủ tướng thêm nhiệm kỳ thứ tư hay không./.
Theo CTV Xuân Hương/VOV.VN