Trong đậu nành cũng chứa hàm lượng cao acid phytic, có tác dụng như một chất chống oxy hóa ngăn ngừa ung thư, đái tháo đường và giảm viêm.
Đậu nành là thực phẩm có lợi cho tình trạng rối loạn mỡ
máu cùng với những lợi ích về tim mạch và sức khỏe khác
Khi nhắc đến đậu nành, các nhà khoa học thường ấn tượng đến hàm lượng protein chứa trong nó. người ta có thể ví nó như một loại “thịt không xương”, vì xét trong cùng một khối lượng thì đậu nành có lượng đạm cao hơn gấp 2 - 3 lần so với thịt bò.
Đậu nành hay còn gọi là đậu tương, đỗ tương. Tên khoa học là Glycine max, thuộc loài cây họ Đậu (Fabaceae). Đậu nành là loại cây được trồng ở nhiều nơi trên thế giới, nó mang lại hiệu quả kinh tế cao vì dễ trồng, đồng thời lợi ích của đậu nành cũng đã và đang được các nhà khoa học chứng minh và khuyên dùng ở những bệnh nhân bị các bệnh mạn tính thường gặp.
Những lợi ích
Trong thành phần đậu nành có nhiều chất quan trọng như: protein, lipid, glucid, các muối khoáng Ca, Fe, Mg, P, K, Na và các vitamin A, B6, C, K, đồng thời nó cũng chứa các acid amin cơ bản cần thiết cho cơ thể.
Bên cạnh đó, các nhà làm nghiên cứu cũng chú ýđến các thành phần thịt động vật thường kèm theo không ít lượng chất béo bão hòa (một yếu tố dẫn đến các nguy cơ về xơ vữa động mạch và bệnh lý tim mạch). Sản phẩm protein của đậu nành có thể thay thế tốt cho sản phẩm protein động vật, không giống như những loại đậu khác, đậu nành cung cấp lượng protein cao kèm theo hàm lượng chất béo bão hòa ít, đồng thời cũng chứa nhiều khoáng chất và dinh dưỡng khác, giúp việc ngăn ngừa hình thành mảng xơ vữa, có lợi trong bệnh lý mạch vành.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công nhận đậu nành là thực phẩm có lợi cho tình trạng rối loạn mỡ máu cùng với những lợi ích về tim mạch và sức khỏe khác. Nó làm giảm triglycerid và một loại cholesterol xấu trong máu là LDL-c. Ngoài ra, FDA cũng khuyến nghị cung cấp 25g protein đậu nành trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, tương ứng 70g đậu nành.
Năm 2013, các nhà khoa học Hoa Kỳ đã công bố một công trình nghiên cứu về chế độ ăn nhiều đạm cho người đái tháo đường có bệnh thận. Kết quả cho thấy việc tăng lượng đạm hàng ngàytừ 1 - 1,2g/kg cân nặng không ảnh hưởng nhiều đến chế độ giảm cân và một số trường hợp nó làm cải thiện chức năng thận. Một nghiên cứu khác trên bệnh nhân đái tháo đường týp 2, khi cho thêm sữa đậu nành vào chế độ ăn uống hàng ngày thì lượng protein trong nước tiểu giảm. Thông qua nhiều công trình nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng sữa đậu nành cũng có vai trò góp phần làm giảm nguy cơ bệnh thận trên bệnh nhân đái tháo đường.
Gần đây, các nhà khoa học cũng đã phát hiện trong hạt đậu nành có isoflavone, được xem như một loại nội tiết tố sinh dục nữ có chứa trong đậu nành, được gọi là estrogen thực vật. Khi bổ sung hoạt chất này cũng góp phần làm cân bằng hoóc-môn ở phụ nữ mãn kinh, cải thiện các triệu chứng như bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, khô âm đạo, loãng xương… Một số người đặt ra vấn đề khi dùng trên cơ thể đàn ông sẽ ảnh hưởng như thế nào? Hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào đủ bằng chứng để khẳng định tác động không có lợi đối với cơ thể nam giới. Ngược lại với nhiều người đã nghĩ, đậu nành còn làm giảm nguy cơ ung thư ở nam giới, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến.
Trong đậu nành cũng chứa hàm lượng cao acid phytic, có tác dụng như một chất chống oxy hóa ngăn ngừa ung thư, đái tháo đường và giảm viêm.
Những lưu ý khi sử dụng sữa đậu nành
Tuy có nhiều lợi ích như trên nhưng khi sử dụng sữa đậu nành cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, đặc biệt một số người bị rối loạn chuyển hóa hoặc dị ứng với đậu nành thì không nên dùng.
Sữa đậu nành cần phải đun sôi thật kỹ trước khi uống. Không nên bảo quản lâu trong bình giữ nhiệt vì vi khuẩn rất dễ sinh trưởng và phát triển trong sữa ở nhiệt độ ấm.
Không nên uống sữa đậu nành khi bụng đói, vì khi đó các thành phần dinh dưỡng trong sữa không được hấp thu hiệu quả. Không nên dùng quá nhiều trong ngày, khuyên dùng trung bình một ngày khoảng 70g đậu nành. Mỗi lần uống không nên vượt quá 500ml để tránh gây ra những khó chịu trên đường tiêu hóa.
Đối với bệnh nhân có bệnh gút (gout) được khuyên nên cẩn thận khi sử dụng các chế phẩm từ đậu nành vì nó có hàm lượng protein cao.
Người ta thường uống sữa đậu nành với đường sẽ rất ngon, nhưng đối với bệnh nhân đái tháo đường nên chú ý điều chỉnh lượng đường sao cho phù hợp với bữa ăn trong ngày. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng những chế phẩm khác từ đậu nành như: đậu phụ, dầu đậu nành, tương, sữa chua…
Kinh nghiệm làm sữa đậu nành tại nhà
Bước đầu là rửa sơ đậu nành, loại bỏ lớp dầu và các hạt lép, mốc.
Sau đó, ngâm với nhiều nước ấm cho đến khi hạt đậu nở, thời gian ngâm khoảng 6 tiếng (thường là ngâm qua đêm), đựng trong nồi lớn, không đậy nắp.
Chà xát, bóp vỏ phần đậu đã nở. Cho vào máy xay sinh tố cùng với lượng nước lọc phù hợp với lượng đậu, xay nhuyễn rồi lọc bằng một túi vải sạch. Có thể cho thêm nước vào phần đậu đã lọc rồi đun sôi với lửa nhỏ và thỉnh thoảng nhớ đảo nước để sữa chín đều và không bị khê phần đáy, chú ý gạn bỏ phần bọt ở trên. Thời gian đun khoảng 25 - 30 phút là có thể uống nóng ngay. Để nguội và bảo quản trong tủ lạnh 1 hoặc 2 ngày. Khi đun sôi có thể cho thêm một ít lá dứa sẽ thơm ngon hơn.
Ngày nay, đậu nành được sử dụng khá phổ biến, có các dạng thực phẩm đóng hộp tiện lợi cho người sử dụng và cũng có các thiết bị máy móc xay hạt đậu dễ dàng giúp người tiêu dùng có thể tự chế biến tại nhà. Nhưng dù là loại sản phẩm nào thì ta cũng nên chú ý đến hàm lượng của chúng, uống vừa đủ và đều đặn, phối hợp hài hòa với chế độ ăn hàng ngày giúp ngăn ngừa hiệu quả bệnh thận và bệnh lý mạch vành cùng với những lợi ích khác về sức khỏe trên bệnh nhân đái tháo đường và nếu dùng trên một cơ thể đang khỏe mạnh thì đó cũng là một cách chăm sóc sức khỏe hiệu quả.
BS. NGUYỄN KỲ XUÂN NHỊ
Theo suckhoedoisong.vn