Biểu diễn nhạc cụ truyền thống dân tộc Dao tại Ngày hội du lịch mùa hè Mẫu Sơn năm 2016.
Dãy núi Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) sừng sững che chắn một vùng biên cương của Tổ quốc. Ở nơi ấy, có núi Mẹ, núi Cha, gắn liền với những huyền thoại thẫm đẫm tình yêu thương và nước mắt, là lời nhắc nhở về đoàn kết cộng đồng, cùng nhau giữ vững chủ quyền trên từng tấc đất quê hương. Ngày nay, các dân tộc thiểu số nơi đây tiếp tục sát cánh bên nhau xây dựng cuộc sống no ấm, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.
Mỗi lần lên khu du lịch Mẫu Sơn, chúng tôi lại được nghe những người cao tuổi dân tộc Dao ở thôn Khuổi Tẳng, Bản Lìn kể về những giai thoại núi Mẫu Sơn đã, được lưu truyền qua các thế hệ. Huyền thoại xa xưa về một thời lưu lạc, núi Mẹ cõng con đi tìm núi Cha đang đi tìm nguồn nước cho những nương lúa, nương ngô để trở về đánh trả những tên núi lạ từ phương bắc mưu mô tràn xuống chiếm đoạt bản, làng, phá hoại cuộc sống bình yên vùng biên cương. Cùng với câu chuyện nhuốm màu huyền tích, vẫn còn đó những dấu tích lưu danh dưới chân núi Mẫu Sơn như bản Vàng (hay còn gọi bản Kim) và bản Bạc, là nơi núi Mẹ đã để thỏi vàng, thỏi bạc rơi xuống. Đứng ở phía xã giáp biên giới Ba Sơn của huyện Cao Lộc, nhìn về dãy núi Mẫu Sơn vào những ngày nắng, thấy rõ hai ngọn núi gọi là núi Cha và núi Mẹ. Núi Cha cao hơn là chỗ dựa vững chãi cho núi Mẹ phía dưới đang cõng núi Con trên lưng như đang ngả đầu vào sự chở che. Câu chuyện tình yêu của núi cũng là huyền thoại chung của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao… nơi đây, là bài học cảnh giác, nhắc nhở ý thức giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Đường lên Mẫu Sơn.
Dãy núi Mẫu Sơn có độ cao hơn 1.500 m so mực nước biển, nhiệt độ mùa hè trung bình 15 đến 20oC, mùa đông thường xuất hiện băng tuyết, có năm nhiệt độ xuống dưới âm 6oC. Mẫu Sơn cũng là nơi hứng chịu những trận gió mùa đông bắc đầu tiên khi thổi vào nước ta. Nhờ khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, cho nên từ những năm đầu thế kỷ 20, chính quyền thuộc địa của thực dân Pháp đã cho xây khu biệt thự nghỉ dưỡng ở trên đỉnh núi. Ông Đặng Tăng Phúc, một “già bản” người Dao có uy tín, nguyên Trưởng ban Định canh, định cư (nay là Ban Dân tộc) tỉnh Lạng Sơn, dẫn chúng tôi đi giới thiệu về khu dịch vụ kinh doanh nhà hàng, khách sạn của gia đình. Ông Phúc cho biết: “Ở xã Mẫu Sơn, 100% người dân ở đây là dân tộc Dao, cuộc sống của bà con mấy năm trước còn nhiều khó khăn, do chỉ dựa vào nương rẫy, mỗi năm thiếu ăn từ bốn đến bảy tháng. Nhưng vài năm gần đây, cuộc sống đã khá hơn, nhờ có đường giao thông đi lại thuận tiện, nhiều sản phẩm của bà con đã được du khách lên đây tham quan, mua sắm, qua đó góp phần cải thiện đáng kể đời sống”.
Cũng theo ông Đặng Tăng Phúc, sự ưu đãi của khí hậu là điều kiện mang lại cho thiên nhiên vùng núi Mẫu Sơn nhiều giá trị tiềm năng và cũng là “nguồn tài nguyên” vô giá để phát triển du lịch, với những sản vật quý giá được trồng trọt, chăn nuôi mà chỉ nơi đây mới có. Mẫu Sơn còn có nhiều loại cây dược liệu quý hiếm như: sâm thổ cao ly, xuyên khung, bạch chỉ... và cây thuốc làm men nấu rượu Mẫu Sơn thơm ngon, nổi tiếng... Đây cũng là nguồn hàng mà nhiều khách du lịch mong muốn tìm mua khi vào thăm các bản, làng người dân tộc. Bản thân ông Đặng Tăng Phúc và cửa hàng, khách sạn của ông đã giúp các ông lang, bà mế người dân tộc thiểu số giới thiệu, bán được các thang thuốc bồi bổ, chữa trị bệnh tật cho du khách và nhiều người bệnh ở các vùng, miền đất nước khi đến đây.
Theo giới thiệu của ông Phúc, chúng tôi đã tìm đến bà lang Triệu Thị Múi ở bản Tẳng, người biết nhiều và đang giữ gìn những cây thuốc, bài thuốc quý của Mẫu Sơn. Chắc là đã gặp nhiều đoàn nghiên cứu về tìm hiểu và biết rõ về giá trị những bài thuốc dân gian mình lưu giữ, cho nên bà lang đã ở độ tuổi “thất thập” này nhắc đi nhắc lại rằng, những bài thuốc đó cũng là một trong những giá trị văn hóa của dân tộc, phải giữ và trao truyền lại cho thế hệ sau, nếu để thất lạc, mai một là có tội với tổ tiên, với bản làng. Bà Múi nói được cả tiếng Tày, tiếng Nùng và tiếng phổ thông. Bà bảo: “Mình học cây thuốc từ nhỏ, do cha, mẹ mình truyền bảo. Thuốc nhà mình tự đi hái chữa được nhiều bệnh, có thuốc để đun, sắc uống và cả thuốc ngâm để xoa, tắm từ ngoài vào nữa...". Sân phơi trước cửa nhà bà có hàng chục loại lá và thân cây thuốc được thái mỏng, phơi khô, khi bốc theo thang sẽ trộn lẫn với nhau. Bà Triệu Thị Múi theo cha, mẹ học hái thuốc và làm thuốc từ nhỏ, trước đó là đời ông, đời cụ và xa hơn nữa truyền lại. Bà cho biết, ở bản Tẳng, nhà nào cũng biết cây thuốc và có vườn thuốc trên rừng. Từ ngày có khu du lịch, du khách tham quan nhiều, mua thuốc nhiều, cuộc sống và kinh tế gia đình cũng khá hơn. Bà cười: “Mình chỉ mong Nhà nước đầu tư cho khu du lịch Mẫu Sơn to đẹp hơn nữa để ngày càng đông khách. Nếu cần, khách về ở nhà mình và mọi người trong bản cho vui”. Góp chuyện cùng mẹ, con trai bà Múi là Đặng Chắn Sình vui vẻ kể: “Cái bụng mình cũng mong thế. Mười năm trước, mỗi lần đi chợ phiên Bản Ngà bán thuốc là phải dậy đi bộ từ nửa đêm, đến tối mịt mới trở về nhà. Nay thì khác rồi, có cái đường Nhà nước làm vượt núi, hai mẹ con đèo nhau bằng xe máy chỉ mười phút là đến chợ mà còn chở thồ theo được nhiều hàng, ngoài thuốc có cả đào, mận, chanh...”. Đặng Chắn Sình cho biết: “Cả bản có 12 hộ gia đình, nhà nào cũng mua được xe máy, có đài, có ti-vi mầu để xem tin tức thời sự, xem ca nhạc, phim truyện hằng ngày, mở mang đầu óc, biết nhiều thông tin hơn về các vùng, miền của Việt Nam và thế giới”.
Không chỉ có cây thuốc chữa bệnh, nhiều loại cây đặc sản khác ở Mẫu Sơn cũng trở thành “sản phẩm du lịch”, là món quà mà nhiều du khách đã tìm mua khi lên với Mẫu Sơn như mận, đào và đặc biệt là chanh rừng. Hiện, đồng bào dân tộc Dao ở hai xã Mẫu Sơn và Công Sơn đã trồng và ngày càng nhân rộng nhiều vườn chanh rừng, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Điển hình như gia đình anh Dương Dì Mình, ở thôn Khuổi Tao, xã Công Sơn hiện có vườn chanh rừng 1.000 cây, hằng năm cho thu hoạch khoảng gần hai tấn chanh quả, thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi mùa. Nhờ đó, gia đình đã có tiền đầu tư phát triển kinh tế, lo cho con cái ăn học và mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt. Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn Triệu Chòi Hinh cho biết, trong thời gian tới, xã đã có kế hoạch vận động nhân dân mở rộng diện tích, tăng thêm các vườn chanh rừng để từng bước trở thành vùng chuyên canh chứ không chỉ phát triển manh mún như hiện tại.
Bên cạnh sự ưu đãi của thiên nhiên và đa dạng của các sản vật chỉ riêng có của miền cao phía bắc, Mẫu Sơn còn lôi cuốn du khách bởi sự phong phú của văn hóa các dân tộc sinh sống nơi đây trong suốt chiều dài lịch sử đã cùng nhau lao động, sản xuất và chiến đấu giữ bản, giữ làng, đoàn kết với đồng bào miền xuôi giữ vững chủ quyền vùng biên giới của Tổ quốc. Những di tích và di chỉ khảo cổ đã chứng minh bề dày lịch sử và sự giao thoa văn hóa ở nơi đây. Năm 2003, Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn phối hợp Viện Khảo cổ đã khai quật và phát hiện ra Khu di tích Linh địa cổ Mẫu Sơn nằm ở độ cao 1.190 m so với mặt nước biển, phân bố trên sườn núi dốc trên dãy Mẫu Sơn, thuộc địa phận thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn. Đây chính là trung tâm của các hoạt động tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao Mẫu Sơn được xây dựng vào những năm từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20. Hệ thống di tích mới phát hiện này đã mang lại cho Khu du lịch Mẫu Sơn những giá trị mới về lịch sử, tâm linh bên cạnh các giá trị của một danh thắng. Di tích đền thờ được xây dựng tại đây để thờ vị thần núi Mẫu Sơn, trấn giữ biên cương phía bắc, từng được các triều đại phong tặng là “Đức Tôn Thần Công Tịnh Quang Mậu, Hùng Trấn Đại Vương, Thượng Đẳng Phúc Thần”.
Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình Lương Thế Quỳnh giới thiệu với chúng tôi, toàn bộ Khu di tích Linh địa cổ Mẫu Sơn có diện tích 24.400 m2, được coi là vị trí “đắc địa”, lưng tựa vào núi mẹ Mẫu Sơn phía bắc, mặt hướng ra vũng bồn địa Na Dương - Lộc Bình phía nam, có sông nước đồng ruộng bao la, bên phải phía tây là núi Cha sừng sững quanh năm mây phủ. Bên trái, phía đông là cánh rừng nguyên sinh xanh rì trải dài triền núi cùng những khe suối nhỏ róc rách nước chảy quanh năm. Thảm thực vật ở đây còn bảo lưu nhiều loài gỗ quý như: tùng la hán, trầm hương, trúc rừng và các loài hoa. Về cơ bản, sau khai quật, Khu di tích Linh địa cổ Mẫu Sơn vẫn giữ nguyên hiện trạng, bao gồm ba nền móng đắp bằng đá xây dựng đền thờ, các chân cột đá, tường đá và tường gạch, bậc thềm và cánh cửa đá... Độc đáo nhất là một hầm mộ đá có cấu trúc và quy mô lớn với vòm che, thiết kế theo kiểu trong quan ngoài quách, được dựng bằng những khối đá lớn khai thác tại chỗ. Ngoài ra, một hầm mộ khác có quy mô nhỏ hơn, được dựng theo kiểu trác thạch bằng cách lợi dụng hai tảng đá tự nhiên hai bên và ở trên đậy bằng một phiến đá. Phía trên ngôi đền có các đập chắn nước tận dụng địa thế của các dãy đá tự nhiên chạy ngang sườn núi và gia cố thêm bằng đá phiến.
Từ khi tổ chức khai quật và phát hiện hệ thống di tích Linh địa cổ Mẫu Sơn đến nay, du khách lên đây tham quan, nghỉ dưỡng còn được tham gia tua du lịch tâm linh, thăm viếng Khu Linh địa cổ. Phó Trưởng Ban quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn Ninh Văn Xa cho biết: “Khu đền cổ và mộ đá trên Khu Linh địa cổ mang đầy đủ ý nghĩa của một di tích thực hành tín ngưỡng, vừa là nơi thờ tự thần núi Mẫu Sơn. Song, nó không đơn thuần là nơi thờ tự, lăng mộ, hành lễ, mà còn là biểu tượng văn hóa thể hiện đời sống tinh thần phong phú của cư dân các dân tộc bản địa trong khu vực”. Linh địa cổ Mẫu Sơn vẫn còn đó nhiều bí ẩn lịch sử và bí mật về những chủ nhân đã dày công xây dựng trên núi cao những công trình kiến trúc bề thế, độc đáo. Khu di tích đang chờ đón những nghiên cứu mới từ các nhà khoa học, để thêm hiểu những thông điệp từ người xưa, đồng thời là điểm đến của du khách ưa thích khám phá, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà, để mời gọi đầu tư, khai thác hiệu quả Khu du lịch Mẫu Sơn, mới đây Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch Khu vực Mẫu Sơn thành điểm du lịch quốc gia với những mục tiêu đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2020 đạt các tiêu chí là điểm du lịch quốc gia, một trung tâm du lịch của tỉnh, liên kết chặt chẽ với các điểm du lịch vùng Đông Bắc. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó sẽ rà soát, điều chỉnh và bổ sung hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu vực Mẫu Sơn với quy mô 10.000 ha; xây dựng phương án quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường; tổ chức điều tra, khảo sát thu thập tài liệu, nghiên cứu xây dựng hệ thống hồ sơ các di tích lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc của cư dân Mẫu Sơn... Tỉnh sẽ tập trung nâng cấp tuyến đường chính từ quốc lộ 4B đến trung tâm Mẫu Sơn cùng hệ thống đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch và phát triển kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, sẽ đầu tư phục chế, tôn tạo một số di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng ở Mẫu Sơn và nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số về dạy nghề, cung cấp các dịch vụ, để khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống dành cho dân sinh và hoạt động du lịch. Một số làng, bản dân tộc đặc trưng sẽ được bảo tồn, xây dựng thành các làng, bản văn hóa và đáp ứng được mục tiêu xây dựng nông thôn mới...
Bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên và nhân văn để phát triển du lịch Mẫu Sơn, trước hết phải dựa trên nhận thức và sức mạnh của cộng đồng, đó cũng là bài học và định hướng của các cấp chính quyền huyện Cao Lộc và của tỉnh Lạng Sơn. Với sự chung tay ấy, du lịch Mẫu Sơn đang từng bước chuyển biến tích cực và tác động trở lại, góp phần nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc thiểu số. Tin rằng, một “huyền thoại” mới trong lao động, dựng xây sẽ được tiếp tục ở vùng núi cao biên cương này.
Theo Vi Hùng Tráng/nhandan.com.vn