Rạng sáng 4/8 (theo giờ Hà Nội), theo yêu cầu của Nhật Bản và Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận về vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Rodong ngày 3/8.
Đại diện thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power trong một cuộc họp của
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ở New York, Mỹ ngày 4/5 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp kín kéo dài khoảng 2 giờ, Hội đồng Bảo an đã không ra được tuyên bố về vấn đề này.
Phát biểu sau cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power đã kêu gọi "phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ từ Hội đồng Bảo an," khẳng định vụ phóng tên lửa này là mối đe dọa nghiêm trọng khác đến hòa bình và an ninh khu vực.
Trước đó cùng ngày, ông Stéphane Dujarric, người phát ngôn Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết Liên hợp quốc "quan ngại sâu sắc" trước các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng lưu tâm tới lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế muốn nước này chấm dứt những hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và quay trở lại tiến trình đàm phán nghiêm túc.
Theo hãng thông tấn AFP, cùng ngày, Mỹ, Nhật Bản và 10 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã gửi một công hàm chung lên Liên hợp quốc, để nghị tổ chức này điều tra các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Cuộc điều tra này có thể xác định những các cá nhân và công ty có dính líu tới chương trình tên lửa của Triều Tiên và những đối tượng này có thể phải chịu một số biện pháp trừng phạt như không được cấp thị thực đi lại trên toàn cầu và bị phong tỏa tài sản.
Ngoài Mỹ và Nhật Bản, công hàm này nhận được chữ ký của các thành viên trong Hội đồng Bảo an gồm Anh, Pháp, Malaysia, New Zealand, Senegal, Tây Ban Nha, Ukraine và Uruguay. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga không tán thành đề nghị này.
Tổng cộng Hội đồng Bảo an đã 6 lần ra tuyên bố lên án các vụ thử tên lửa của Triều Tiên vào tháng Tư, Năm và Sáu vừa qua. Tuy nhiên, cơ quan này chưa có phản ứng trước vụ Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm song bất thành hôm 9/7 vừa qua cũng như hai vụ phóng thử tên lửa tầm ngắn Scud và tên lửa tầm trung Rodong hôm 19/7 vừa qua.
Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin của Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết tên lửa đạn đạo do Triều Tiên phóng sáng 3/8 (giờ địa phương) dường như đã rơi xuống vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết tên lửa của Triều Tiên đã bay xa khoảng 1.000km và dường như đã rơi xuống EEZ của Nhật Bản, cách phía Tây bán đảo Oga thuộc tỉnh Akita 250km./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/hdba-khong-ra-duoc-tuyen-bo-ve-vu-phong-ten-lua-cua-trieu-tien/399302.vnp