Cập nhật: 06/08/2016 09:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lạng Sơn được du khách gần xa biết đến không chỉ bởi những địa danh đã đi vào thơ ca như “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa - Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh...” mà mảnh đất phía đông bắc Tổ quốc này còn hấp dẫn bởi nhiều món ăn độc đáo, mang hương vị đặc trưng của núi rừng như vịt quay lá mắc mật, khâu nhục, phở chua...

Ai đã một lần đến xứ Lạng chắc hẳn không bỏ qua cơ hội thưởng thức hương vị đậm đà của món vịt quay lá mắc mật. Không giống với món vịt quay Thượng Hải, vịt quay Bắc Kinh, vịt quay lá mắc mật Lạng Sơn có hương vị khác biệt nhờ cách thức và nguyên liệu chế biến mà chỉ người Lạng Sơn mới làm nên.

Mắc mật là tên gọi theo tiếng dân tộc Tày, Nùng của cây hồng bì núi, được trồng nhiều ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh... Quả mắc mật có vị hơi chua xen lẫn vị ngọt, giàu vitamin C; lá chứa hàm lượng protein, sắt, mangan, canxi cao, lại có tinh dầu thơm nên được dùng làm gia vị để chế biến nhiều món ăn như vịt quay, lợn quay, cá kho... Để có được món vịt quay thơm ngon, quan trọng nhất chính là khâu tẩm ướp. Vịt sau khi làm sạch sẽ được nhồi hơn 10 loại gia vị, trong đó không thể thiếu lá, quả mắc mật. Ngoài ra còn phải kể đến các gia vị khác như đinh hương, thảo quả, hoa hồi, hạt tiêu, xì dầu, gừng, hành, tỏi... và một loại đậu tương lên men có tên gọi tàu tro. Sau đó, vịt còn được quét qua một lớp nước pha chút mật ong rừng để tạo vị thơm, ngọt, mềm và khi chín có màu vàng đẹp mắt. Sau khi tẩm ướp khoảng 1 tiếng để ngấm gia vị, vịt sẽ được hong khô trong lò khoảng 15 phút rồi đậy nắp và quay trên than củi núi đá. Lò để quay vịt là một lò trụ cao được làm từ hợp kim đặc biệt, phía dưới hở để hơi nóng của than từ từ bốc lên làm vịt khô đều, săn chắc mà không bị cháy. Khoảng 30 đến 45 phút, vịt sẽ chín đều và chuyển màu cánh gián. Người ta thường chắt lấy phần nước trong bụng vịt trộn thêm các gia vị để làm nước chấm thay cho xì dầu hay nước mắm thông thường. Miếng thịt thơm ngào ngạt hương mắc mật, ngọt ngậy vị mật ong, lớp da dai giòn, quyện vị nhân nhẩn chát của mắc mật khiến vịt quay Lạng Sơn mang một hương vị đặc biệt, không lẫn với bất cứ món vịt nào khác.

 

Đến Lạng Sơn vào những ngày đông rét ngọt, du khách đừng nên bỏ qua dịp thưởng thức một món ăn có cái tên khá lạ tai với mùi vị vô cùng hấp dẫn, đó là món khâu nhục (nghĩa là thịt hấp đến chín nhừ). Đây là món ăn truyền thống không thể thiếu trong các đám cưới hỏi, lễ tết của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn.

Nguyên liệu chính để chế biến món ăn này là thịt lợn ba chỉ. Sau khi làm sạch, thịt được cắt thành từng miếng nặng khoảng 0,5kg, luộc sơ qua và vớt ra, lấy tăm nhọn xăm nhiều lỗ qua lớp bì của miếng thịt để khi nấu, thịt ngấm gia vị tốt hơn. Sau đó, thịt được đem quay hoặc chiên trên chảo mỡ nóng, vừa quay vừa phết mật ong cho bì có màu vàng giòn đẹp mắt. Khi thịt chín, vớt ra, thái thành miếng dày khoảng 1,5cm rồi cho vào tô, mỗi tô khoảng 8 miếng. Hỗn hợp gia vị để nấu khâu nhục rất cầu kỳ, gồm hành, tỏi, gừng, húng lìu, đường, tiêu, dầu hào, ngũ vị hương, rượu trắng, lá mắc mật, nấm mèo, khoai lang…, trong đó không thể thiếu lá tàu soi - một loại rau muối mặn của người Tày, Nùng. Cho hỗn hợp gia vị này vào từng tô thịt, ướp chừng 15 phút rồi hấp cách thủy trong khoảng 4 đến 5 giờ để thịt chín nhừ. Khâu nhục nấu xong có mùi thơm ngây ngất khó tả của lá mắc mật, nấm mèo và các gia vị khác cộng với độ mềm, dẻo, ít béo của miếng thịt khiến cho thực khách ăn một lần là nhớ mãi. 

 

Nếu như món khâu nhục thích hợp nhất khi ăn vào mùa đông thì món phở chua lại là lựa chọn của nhiều du khách khi đến Lạng Sơn vào những ngày hè nắng nóng. Nguyên liệu chính để làm nên món phở chua gồm bánh phở, thịt xá xíu (hoặc lạp sườn, gan lợn, thịt gà xé), lạc rang, khoai lang (hoặc khoai môn), dưa chuột, hành khô... Khi nguyên liệu đã sơ chế xong, người làm xếp lần lượt vào tô một lớp bánh phở, sau đó đến thịt xá xíu, dưa chuột, khoai lang chiên, lạc rang, hành khô, rau thơm. Và yếu tố quyết định đến hương vị của món phở chua chính là nước dùng (nước lèo). Để có một nồi nước dùng ngon, người làm phải đun sôi nước luộc vịt, phi thơm hành, tỏi cho vào nồi cùng với ớt, cà chua, giấm đường (loại giấm đặc biệt của Lạng Sơn, được làm từ quả chuối tây chín), đường, nước mắm, gừng... Cuối cùng là cho bột năng vào để nước sánh lại. Khi ăn, thực khách sẽ tự chan hoặc trộn nước dùng vào tô phở chua để cảm nhận rõ vị ngậy của mỡ vịt và mùi thơm của những gia vị đặc trưng. Tùy khẩu vị, thực khách có thể thêm chút chanh tươi, ớt hoặc tiêu để món ăn thêm đậm đà. Gắp từng miếng phở chua, nhẩn nha thưởng thức vị giòn, bùi của khoai, lạc, vị ngậy của thịt xá xíu, cay của ớt, lại man mát của miếng dưa chuột quả là tuyệt thú. Bởi thế, từ lâu, món ăn này đã trở thành đặc sản ngon nức tiếng của người xứ Lạng.

Không chỉ là một phần ký ức để những người con xa quê nhớ về, những đặc sản như vịt quay, khâu nhục hay phở chua còn được xem như món quà thết khách của người dân xứ Lạng khiến du khách thưởng thức một lần đều vương vấn mãi không quên. Hãy đến Lạng Sơn để cùng trải nghiệm những hương vị độc đáo của ẩm thực Việt.

ST

 

Tệp đính kèm