Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang thay đổi chính sách đối ngoại khi nhận ra hậu quả của việc làm hỏng mối quan hệ với những đối tác quan trọng như Nga.
Mối quan hệ đang "ấm dần" giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: arabamericannews
Ngày 9/8, lần đầu tiên sau cuộc khủng hoảng quan hệ sâu sắc do vụ bắn rơi máy bay Su-24, một cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã diễn ra tại St Peterburg (Nga). Tại cuộc gặp này, ông Erdogan đã nói với ông Putin rằng sự đoàn kết, hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ-Nga sẽ đóng góp lớn vào việc giải quyết nhiều vấn đề trong khu vực.
Trước khi bùng phát căng thẳng vào cuối năm 2015, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập mối quan hệ khá vững chắc về kinh tế và thương mại cũng như sự hiểu biết lẫn nhau về chính trị. Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một địa điểm du lịch yêu thích của du khách Nga. Đáng tiếc, mối quan hệ song phương đó đã đổ vỡ khi ngày 24/11/2015, tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ cường kích Su-24 của Nga tại khu vực biên giới Syria khiến 1 phi công Nga thiệt mạng.
Đối với Nga, động thái trên của Thổ Nhĩ Kỳ được xem như một hành động phản bội. Tổng thống Nga thậm chí coi hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ là một nhát đâm sau lưng, đồng thời cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đồng lõa với khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh các động thái hòa giải
Theo các nhà quan sát, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm khôi phục lại quan hệ với Nga và Israel xuất phát từ thực tế là Ankara đang mất dần quyền lực và ảnh hưởng của mình, đặc biệt là ở khu vực. Tại Trung Đông, chính sách hỗ trợ cho các cuộc các mạng “Mùa Xuân Arab” của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã thất bại.
Việc “đặt cược” vào tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi - một thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo của Ankara đã thất bại khi giới quân sự đã tổ chức một cuộc đảo chính lật đổ ông này. Điều này dẫn đến mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập hiện tại đang rơi vào trạng thái căng thẳng, thậm chí mới đây các nhà ngoại giao Ai Cập đã ngăn chặn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ban hành một nghị quyết lên án cuộc đảo chính bất thành vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Do phải hứng chịu một số cuộc tấn công khủng bố lớn trong thời gian gần đây cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động quân sự chống lại người Kurd đã buộc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phải khôi phục lại việc hợp tác an ninh với Israel - một trong những quốc gia đóng vai trò quan trọng tại khu vực Trung Đông.
Trong một thời gian dài trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh chủ chốt của Israel trong thế giới Hồi giáo. Hai nước đã tích cực hợp tác về an ninh, buôn bán vũ khí cũng như trong việc giải quyết hòa bình các cuộc xung đột Israel – Arab. Israel đã cung cấp vũ khí cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng như đào tạo lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố của nước này.
Động thái khiến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Israel rơi vào trạng thái băng giá xuất phát từ nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm phá vỡ sự phong tỏa Dài Gaza của Israel. Năm 2010, chiếc tàu Mari Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ trong khi cố gắng để vận chuyển viện trợ nhân đạo và vật liệu xây dựng tới Dải Gaza đã bị lực lượng biệt kích Israel tấn công khiến 8 công dân Thổ Nhĩ Kỳ và 1 công dân Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và nó cũng khiến quan hệ hai nước bị cắt đứt.
Các nhà quan sát cho rằng xuất phát từ 3 yếu tố quan trọng là: các vấn đề an ninh, tương lai hợp tác năng lượng trong khuôn khổ các mỏ khí của Israel và sự thất bại trong chính sách Trung Đông là nguyên nhân khiến Ankara muốn khôi phục mối quan hệ với Tel Aviv. Về phần mình, Israel đã đồng ý bồi thường cho thân nhân của các nạn nhân vụ tấn công tàu Mari Marmara và khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan hệ rạn nứt với Moscow sẽ chẳng tốt đẹp gì đối với Ankara
Có sự khác biệt lớn trong cuộc khủng hoảng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga so với khủng hoảng quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel. Bằng cách thử thách mối quan hệ với Israel, Thổ Nhĩ Kỳ đã “ghi điểm” tại khu vực và tích cực gia tăng ảnh hưởng của mình đối với các đảng phái chính trị khác nhau ở Trung Đông và các nước thuộc Liên minh Arab Maghreb. Các đảng Hồi giáo như Ennahda ở Tunisia hay Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập đã xem Thổ Nhĩ Kỳ là một mô hình phát triển trong tương lai của mình.
Ngược lại, với việc quan hệ xấu đi với Nga, Ankara đã phải chịu tổn thất lớn về tài chính và ảnh hưởng tệ hại đến vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Biển Đen. Hành động bất ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ [bắn hạ chiến đấu cơ Nga] đã nhận được sự cảnh báo của các thành viên NATO khác - những người sợ bị lôi kéo vào một cuộc chiến với Nga nhằm bảo vệ một đồng minh quá tham vọng và không thể đoán trước.
Một lý do quan trọng khiến Thổ Nhĩ Kỳ muốn phục hồi quan hệ song phương với Nga là yếu tố kinh tế. Kết quả của các biện pháp trừng phạt mà Nga áp đặt sau vụ chiến đấu cơ bị bắn hạ đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và kinh doanh du lịch. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất nguồn thu và thị trường truyền thống cho hàng hóa của họ và khó có thể tìm thị trường thay thế. Chính vì vậy, Ibrahim Kalin - người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, lãnh đạo các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giới quan sát, tương lai mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phụ thuộc vào việc liệu hai bên có sẵn sàng để khôi phục niềm tin lâu dài hay không. Điều này đồng nghĩa với việc hai bên cần phát triển các dự án cụ thể nhằm hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực chiến lược, đặc biệt là cuộc chiến chống khủng bố và khôi phục cơ sở hạ tầng ở Syria.
Người ta cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng để chơi với những quy tắc mới. Dù chính sách đối ngoại mới của Ankara đối với Nga hiện nay không phải là một nỗ lực nhằm “tống tiền” Mỹ hay EU nhưng nó chứng minh rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia luôn sẵn sàng và linh hoạt khi nói đến việc thay đổi nếu điều này là vì lợi ích quốc gia của mình./.
Theo Nguyễn Hùng/VOV.VN