Cập nhật: 16/08/2016 08:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 có 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị trung bình 350 USD/người/năm; doanh số thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp với khách hàng) tăng 20%, đạt 10 tỉ USD và chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Cùng với đó, mục tiêu là 100% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt. 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông… nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức không dùng tiền mặt. Đặc biệt, 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.

Chính phủ muốn 100% dịch vụ công của bộ, ngành trung ương được cung cấp trực tuyến; 100% thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng được đăng tải công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia…

Còn theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin của Bộ Công Thương, tính đến năm 2015, cả nước có 48 triệu người dùng internet và 35 triệu người dùng điện thoại thông minh. Theo khảo sát năm 2015, có 27% người dùng từng mua hàng qua điện thoại và thanh toán chủ yếu bằng thẻ NH, 45% người dùng tìm kiếm thông tin mua hàng qua điện thoại nhiều hơn 1 lần/ngày. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 nước có tỉ lệ sử dụng smartphone tăng trưởng nhanh nhất cùng với công nghệ thanh toán trên di động không ngừng phát triển.

Ở Việt Nam hiện đã có 45 ngân hàng cung cấp dịch vụ SMS Banking, Internet Banking và 25 ngân hàng triển khai ứng dụng Mobile Banking. Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam thì thống kê cho biết, cuối năm 2015, cả nước có gần 82 triệu thẻ các loại, trong đó khoảng 90% là ghi nợ nội địa (ATM)…

Khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, lượng truy cập internet nhiều nhất hiện nay là từ thiết bị di động với tỷ lệ 85%, trong khi năm 2015, tỷ lệ này chỉ chiếm 65%, tăng 21% trong vòng 1 năm./.

Theo Xuân Thân/VOV.VN

Tệp đính kèm