Cập nhật: 19/08/2016 09:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau gần một thập kỷ chỉ trích gay gắt chính sách ngoại giao của Nga, đang có dấu hiệu cho thấy Anh một lần nữa lại sẵn sàng hợp tác với Nga.

Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Telegraph

Truyền thông đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Anh Theresa May đã đồng ý gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Trung Quốc vào ngày 4-5/9 tới đây. Trong một cuộc điện đàm mới đây, cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ thất vọng về thực trạng của mối quan hệ Nga - Anh hiện này.

Quyết định gặp nhau tại G20 - được cho là theo sáng kiến của phía Anh- có thể là dấu hiệu cho thấy sự "ấm lên" trong quan hệ Nga - Anh.

Người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng các công dân của cả Anh và Nga đang phải đối mặt với mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố.

Điện Kremlin thì cho biết, Tổng thống Putin và Thủ tướng Theresa May đã đồng ý hợp tác với nhau trong lĩnh vực tình báo và đảm bảo an toàn bay nhằm tránh các mối đe dọa trong tương lai từ những kẻ khủng bố quốc tế.

Quan hệ Nga - Anh bắt đầu xấu đi từ năm 2007 bắt nguồn từ cái chết [được cho là bị nhiễm độc phóng xạ] của cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko - người khi đó đang tị nạn tại Anh.

Vào thời điểm đó, chính phủ của cựu Thủ tướng Gordon Brown đã cắt đứt sự hợp tác với Nga liên quan đến vấn đề chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Chính phủ Anh cũng áp đặt các biện pháp hạn chế thị thực và các biện pháp gắt gao khác với Nga. Hợp tác giữa hai nước ngày càng ít hơn khi cuộc xung đột giữa Nga và Gruzia xảy ra vào năm 2008 mà phía Anh cho rằng là một hành động gây hấn của Nga.

Nếu biết rằng chỉ cách đây chưa đầy 1 tháng, trong cuộc tranh luận về việc hiện đại hóa hệ thống vũ khí hạt nhân Trident, tân Thủ tướng Anh Theresa May thậm chí còn cho rằng, Nga và CHDCND Triều Tiên là “mối đe dọa rất thực tế”. Chính vì vậy, động thái sẵn sàng hợp tác với Nga vào thời điểm này khiến khá nhiều người ngạc nhiên.

Tác động của Brexit

Một trong những lý giải đầu tiên cho sự thay đổi của Downing Street đối với Nga được cho là sự cô lập.

Kể từ khi bà Theresa May nhậm chức Thủ tướng Anh vào ngày 13/7, bà đã có các chuyến công du tới Đức và Pháp để đối thoại với các đối tác châu Âu của mình. Tuy nhiên, bà May đã gặp phải sự hoài nghi từ các đối tác này. Cả Đức và Pháp dường như sẵn sàng gây áp lực buộc Anh phải “kích hoạt” điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon [thủ tục chính thức đưa Anh rời khỏi EU] cũng như thương lượng các điều khoản về việc Anh rời khỏi khối này.

Theo các nhà quan sát, thái độ hoài nghi của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande có thể là một nỗ lực của Brussels nhằm gửi đi một thông điệp rằng: bất kỳ một quốc gia nào nghĩ đến việc rời khỏi EU, Đức và Pháp đã cho thấy EU sẵn sàng làm tổn hại nền kinh tế các nước trong khối để ngăn chặn những bất đồng trong tương lai sau “tấm gương” nước Anh.

Một báo cáo được công bố bởi các nhà nghiên cứu của The Bow Group (Anh) cho biết, ước tính thiệt hại tài chính của phương Tây do các biện pháp trừng phạt với Nga có thể vượt quá 700 tỷ USD. Chính vì vậy, trong trường hợp các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, quan hệ thương mại giữa Anh và Nga gia tăng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước.

Nhu cầu hợp tác chống khủng bố và đảm bảo an ninh

Kinh nghiệm của Nga trong việc đối phó với các mối đe dọa khủng bố trong nước đã được biết đến kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Chechnya (nước cộng hòa thuộc Nga ở Bắc Kavkaz). Các cơ quan an ninh của Nga đã thành công trong việc không để xảy ra bất kỳ một vụ tấn công khủng bố tại nước này trong năm nay, sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tiến hành hàng loạt các vụ tấn công khủng bố tại châu Âu.

Việc nâng cao năng lực về quân sự và tình báo được cho là tối quan trọng đối với châu Âu vào thời điểm này. Đặc biết trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ khủng bố từ các chính các công dân có tư tưởng cực đoan của mình cũng như những phần từ cực đoan nước ngoài thâm nhập vào châu Âu theo dòng người tị nạn.

Nếu biết rằng, nước Anh có thể mất quyền truy cập như hiện nay vào cơ sở dữ liệu của Chương trình An toàn hàng không châu Âu (sau Brexit) thì việc tiến tới một thỏa thuận hợp tác với tình báo Nga có thể là một bước đi cực kỳ quan trọng nâng cao khả năng của nước này trong việc theo dõi các “du khách không mời mà đến”.

Sự cô lập có thể trở thành một động lực quan trọng khiến cho nước Anh thay đổi thái độ đối với Nga. Cách tiếp cận của Moscow đối với cuộc nội chiến Syria đã chứng minh sự sẵn sàng của Tổng thống Putin cho một hành động chiến lược cũng như sự sẵn sàng để đối thoại.

Ngày 11/8, sau cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã nói rằng nước Anh phải "bình thường hóa” quan hệ với Nga. Cũng theo ông Johnson, việc bình thường hóa quan hệ Nga - Anh tại thời điểm này là rất thuận lợi cho cả hai nước./.

Theo Nguyễn Hùng/VOV.VN

Tệp đính kèm