Cập nhật: 23/08/2016 08:49:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Xây dựng thương hiệu chưa triệt để làm giảm sức cạnh tranh của nông sản gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Việc tìm đầu ra, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên vẫn là bài toán khiến người trồng nhãn trăn trở.

Việt Nam luôn đứng trong top đầu của thế giới về xuất khẩu nông sản, nhưng trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu vẫn còn nhiều bất cập. Điều này đã làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm trong nước cũng như gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Nước mắm Phú Quốc, chả mực Hạ Long, nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong Hòa Bình, gạo tám Hải Hậu, Điện Biên hay vải thiều Bắc Giang… đều là những đặc sản gắn liền với các địa phương. Trong số đó, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng và xuất khẩu ra nước ngoài với 63.000 tấn, có 1.000 tấn được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, hiện có khá nhiều mặt hàng nông sản mới chỉ xây dựng được thương hiệu nhưng tồn tại dưới dạng chỉ dẫn địa lý chứ chưa nâng tầm thành thương hiệu đặc trưng của một quốc gia. Đơn cử như nhãn lồng Hưng Yên, sản phẩm này mới chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước, chưa được nhiều người tiêu dùng thế giới biết đến.

Ông Lê Đình Tư, Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hàm Tử, tỉnh Hưng Yên cho biết, năm 2015, tỉnh mới chỉ xuất khẩu được 500 kg nhãn sang thị trường Mỹ. Việc tìm đầu ra, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên vẫn là bài toán khiến người trồng nhãn trăn trở, chưa sản xuất được sản phẩm sạch, an toàn nên việc tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, hiện tượng mạo danh nhãn lồng Hưng Yên thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của đặc sản địa phương.

“Người nông dân sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, kiến thức về Vietgap không có nhiều. Trong số 114 hộ sản xuất nếu chỉ có 1 hộ không tuân thủ theo tiêu chí Vietgap là chúng tôi thất bại. Toàn bộ những người làm Vietgap phải hướng dẫn cho nông dân phun thuốc, ghi chép sổ sách đầy đủ, sản phẩm mình làm ra phải có nguồn gốc, từ đó mới có thể truy thu được nguồn gốc sản phẩm”, ông Tư chia sẻ.

Một trong những trở ngại khiến việc xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam trở nên khó khăn là do quy mô sản xuất ngành nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ. Sản phẩm chưa có chất lượng cao, vẫn tồn tại tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.

Theo bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần phân phối Hapro, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước về xúc tiến thương mại, các chủ vườn, hợp tác xã và người dân vẫn cần phải xem lại quy trình sản xuất để có được sản phẩm chất lượng cao, đưa vào thị trường tiêu thụ một cách bền vững.

“Hợp tác để tiêu thụ nông sản là một vấn đề mà Nhà nước cũng như các doanh nghiệp đặc biệt là người trồng, các chủ vườn phải quan tâm rất nghiêm túc. Có những sản phẩm mặc dù theo quy chuẩn Vietgap, nhưng đến khi kiểm tra dư lượng chất bảo vệ thực vật, hóa chất vẫn còn. Điều này đã đánh mất niềm tin của người tiêu dùng và là rào cản lớn cho việc xây dựng thương hiệu hàng hóa”, bà Mai Khuê Anh phân tích.

Việt Nam đã xây dựng được một hành lang pháp lý và có những biện pháp hữu hiệu, nhằm hỗ trợ các địa phương khẳng định thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm đặc sản trong nước. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nhiều cơ sở  sản xuất hay người dân chưa hiểu hết giá trị của việc đăng ký bảo hộ nên đã không hợp tác tích cực, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến việc hình thành các sản phẩm mang đặc trưng riêng của một vùng.

“Nhiều sản phẩm khi về địa phương mới biết đó là sản phẩm truyền thống. Thương hiệu đã có nguồn gốc xuất xứ rất rõ ràng, nhưng do không làm tốt việc đăng ký bảo hộ, đặc biệt là thiếu sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương nên mất đi tính đặc trưng. Nếu thực sự chủ động và quan tâm đến vấn đề này, các địa phương có thể làm rất mạnh việc xác định nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm theo quy trình làm thương hiệu, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý, tên của sản phẩm theo địa phương và tuyên truyền quảng bá”, ông Đỗ Kim Lang chỉ rõ.

Từ những thực tế trên có thể thấy, tình trạng chung của nông sản Việt Nam hiện nay là chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu dẫn đến năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế thấp.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nông sản Việt Nam cần khai thác được thế mạnh của thương hiệu quốc gia gắn với chỉ dẫn địa lý. Cùng với đó, phải thực hiện đồng bộ quy trình sản xuất Vietgap, phát triển hệ thống xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm. Có như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị hàng hóa./.

Theo Chung Thủy/VOV.VN

Tệp đính kèm