Cập nhật: 25/08/2016 08:58:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kiểm tra chuyên ngành là một trong những điều kiện để được thông quan hàng hóa, nhưng đây cũng là nỗi “ngán ngẩm” của doanh nghiệp.

Kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi thông quan

Nghị quyết 19/2016 của Chính phủ yêu cầu giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành các lô hàng nhập khẩu từ mức 30-35% hiện tại xuống còn 15% vào cuối năm 2016. Đây là một thách thức lớn, bởi cho đến nay các bộ, ngành vẫn còn gần văn bản 350 quy phạm pháp luật quy định về quản lý chuyên ngành. Danh mục kiểm tra vẫn rất lớn, kéo theo đó là nhiều thủ tục phiền hà, khiến doanh nghiệp mệt mỏi vì tốn kém chi phí và mất thời gian chờ đợi hàng hóa thông quan.

Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành là một trong những điều kiện để được thông quan hàng hóa, nhưng đây cũng là nỗi “ngán ngẩm” bởi nhiều quy định rắc rối, phiền hà, tốn kém thời gian và chi phí.

Với các doanh nghiệp dệt may, từ nhiều năm nay, yêu cầu của Bộ Công Thương về kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm trong sản phẩm khiến doanh nghiệp vô cùng bức xúc. Mỗi lô hàng vải nhập khẩu về, doanh nghiệp phát sinh thêm phí giám định hàm lượng formaldehyde khoảng 2 triệu đồng/1 mẫu vải. Kể cả nhập 5-10 mét vải mẫu, doanh nghiệp vẫn phải kiểm định hàm lượng formaldehyde với chi phí 10 USD và mất từ 7-10 ngày chờ đợi. Với các doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm, thủ tục kiểm tra cũng rắc rối không kém.

Ông Đoàn Trọng Lý, Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) cho biết, đối với mỗi lô hàng thịt đông lạnh nhập khẩu, theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải kiểm tra dịch tễ, an toàn thực phẩm. Điều đáng nói là việc kiểm tra này diễn ra ngay tại cảng, doanh nghiệp phải đợi đơn vị kiểm tra lấy mẫu và trả kết quả trong vòng 5 ngày. Vậy là hàng hóa cứ thế phơi mưa nắng ngoài cảng, doanh nghiệp sốt ruột vì lo ngại ảnh hưởng chất lượng, lại tốn thêm chi phí lưu kho bãi, dịch vụ tại cảng.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 30/6/2016, có tới gần 350 văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý chuyên ngành, liên quan đến các lĩnh vực như kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa; an toàn thực phẩm; các quy định về cấp giấy phép, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa…Số văn bản này tăng hơn so với cuối năm ngoái, do một số Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản mới, trong khi nhiều văn bản cũ còn chưa được sửa đổi, bổ sung.

Thủ tục kiểm tra thì ngày càng “phình” ra, nhưng hiệu quả lại hạn chế. Điển hình tại Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, có mặt hàng mỗi năm cần kiểm tra khoảng 8.000 lô hàng khi qua sân bay, nhưng chỉ phát hiện 6 trường hợp không đảm bảo.

Mặc dù đã có 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại một số cửa khẩu chính như Lạng Sơn, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh…nhưng chẳng giúp doanh nghiệp được thông quan nhanh hơn. Bởi những điểm này đều chưa có đại diện các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa. Vì vậy, phải mất thêm thời gian đưa mẫu hàng từ cửa khẩu gửi về nội địa để kiểm tra, khiến việc thông quan hàng hóa của doanh nghiệp bị kéo dài.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo kết quả đo lường thời gian giải phóng hàng, chỉ có 28% là do các thủ tục hải quan, còn lại 71% là do các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đã đến lúc cần phải rà soát lại các thủ tục này.

Trước thực trạng văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành được ban hành nhiều, phạm vi quá rộng, Tổng cục Hải quan kiến nghị các bộ quản lý chuyên ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật và thay đổi căn bản phương thức quản lý kiểm tra. Theo đó cần áp dụng quản lý rủi ro (phân tích thông tin, đánh giá rủi ro), đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng doanh nghiệp để áp dụng hình thức kiểm tra phù hợp. Đồng thời, cần phải minh bạch hóa danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, hình thức, thời điểm kiểm tra và chi phí kiểm tra.

Ông Ngô Minh Hải- Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho rằng, các cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần rà soát tổng thể. Phải căn cứ vào chỉ đạo của Thủ tướng trong Nghị quyết 19, làm sao đẩy kiểm tra trước thông quan sang sau thông quan. Lựa chọn các mặt hàng nào kiểm tra trước và sau thông quan. Khi xác định các mặt hàng thì phải có có mã số cụ thể, các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể. Ngoài ra cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Sốt ruột” trước tình trạng các văn bản kiểm tra chuyên ngành đang gây phiền hà cho doanh nghiệp, mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi tới 11 Bộ đề nghị rà soát sửa đổi, bổ sung 73 văn bản liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành. Trong số này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế…là những cơ quan có số văn bản cần sửa đổi, bổ sung nhiều nhất.

Theo đề nghị của Bộ Tài chính, 11 bộ này cần hoàn thành sửa đổi trong quý IV/2016, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Động thái này cho thấy nỗ lực giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng rà soát sửa đổi các văn bản, thủ tục, doanh nghiệp chẳng còn cách nào khác là tiếp tục chờ đợi và tìm cách đáp ứng đủ các điều kiện để vượt qua “ma trận” thủ tục kiểm tra./.

Theo Việt Hà/VOV.VN

Tệp đính kèm