Cập nhật: 29/08/2016 09:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tranh dân gian Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền do tập quán chơi tranh và sử dụng tranh không còn phổ biến như trước đây

 

Trước những biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội, các dòng tranh dân gian của Việt Nam đang dần bị lãng quên và đứng trước nguy cơ mai một. Một thời cả làng làm tranh dân gian không còn và người tâm huyết giữ nghề và biết làm nghề chỉ là con số ít ỏi, nhiều dòng tranh dân gian chỉ còn trong ký ức. Đó là thực trạng đáng buồn về tranh dân gian của nước ta, một di sản văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần, tín ngưỡng, một nét đặc trưng trong dòng chảy của văn hóa dân tộc.

Thế kỷ 18, 19 được xem là thời kỳ hưng thịnh nhất của tranh dân gian Việt Nam cùng với sự phát triển của nghề in và khắc gỗ. Ở thời kỳ này, việc sản xuất tranh dân gian ngày càng mở rộng ở nhiều địa phương, tập trung thành từng làng hoặc do từng hộ in riêng, đáp ứng nhu cầu của cư dân khắp mọi miền  đất nước. Từ đó đã hình thành những trung tâm sản xuất tranh khắc gỗ dân gian nổi tiếng, được gọi theo địa danh hành chính, như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hoài Đức-Hà Nội), Nam Hoành (Nghệ An), làng Sình (Huế)... Với nội dung truyền tải ước mong về cuộc sống bình yên, hạnh phúc, tranh dân gian được sử dụng nhiều trong các dịp Tết hay cúng lễ, mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Tranh kính Nam Bộ

Tuy nhiên, trước sự biến đổi của lịch sử và đời sống kinh tế - xã hội, ngày nay, nhiều dòng tranh đã bị thất truyền như tranh Kim Hoàng, Nam Hoành. Những dòng tranh còn tồn tại như: tranh Đồng Hồ, tranh thờ miền núi, tranh kính Nam bộ… cũng không còn hưng thịnh như trước.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, ở làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, một trong số ít nghệ nhân còn làm tranh dân gian Đông Hồ cho biết: Trước năm 1945, cả làng nhà nào cũng làm tranh nhưng bây giờ tranh Đông Hồ không được ưa chuộng nên nhà nhà chuyển sang làm hàng mã để mưu sinh.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả chia sẻ: "Trước đây tranh Đông Hồ là sản phẩm chính dành cho người dân chơi vào dịp Tết. Hiện nay, ngoài tranh Đông Hồ thì có nhiều sản phẩm khác như tranh gỗ, đồng, thêu… Người dân có nhiều lựa chọn hơn, khiến tranh Đông Hồ cũng bị mai một nhiều. Sức tiêu thụ của dòng tranh Đông Hồ có giảm đi và số nghệ nhân sống bằng nghề tranh cũng giảm đi rất nhiều".

Với tranh dân gian Hàng Trống - dòng tranh nổi tiếng của vùng đất Hà Thành với những tác phẩm như “Cá chép trông trăng”, tranh tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”… giờ cũng chỉ còn lại duy nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiên đã vào tuổi xưa nay hiếm đang âm thầm giữ nghề.

Tranh dân gian hàng Trống.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên chia sẻ: "Tranh Hàng Trống không phát triển mạnh mẽ như ngày xưa. Cái nghề này cũng kén người, khéo tay và phải chịu khó. Tranh hàng Trống làm mất công hơn những thứ tranh khác là phải sử dụng bút lông vẽ từng màu một, muốn nhanh cũng không được mà muốn công nghiệp hóa cũng không được".

Cùng với các dòng tranh dân gian ngoài Bắc, các dòng tranh dân gian miền Nam như tranh gói vải, tranh vải hiện cũng chỉ còn một nghệ nhân làm. Hay như tranh dân gian làng Sình, ở Thừa Thiên Huế có lịch sử hơn 400 năm cũng đang dần mai một và biến dạng. Nhiều tranh và bản khắc độc đáo tranh làng Sình đã không còn nguyên bản, bị thất tán trong dân gian.

PGS.TS Phan Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế cho biết: Tranh làng Sình là dòng tranh mộc bản được sử dụng phổ biến ở cố đô Huế với chức năng duy nhất là phục vụ cúng lễ, cứ cúng xong là đốt. Vì vậy, đến nay chỉ những bản khắc gỗ là hiện vật quý còn đươc lưu giữ ở nhà ông Kỳ Hữu Phước - một nghệ nhân làm tranh lâu năm tại làng Sình. Ông là người cuối cùng của dòng tranh này biết chế tác và khắc nét tranh đúng với bản sắc tranh dân gian làng Sình cổ. Điều này cho thấy so với quy mô trước đây bị giảm rất nhiều. Chừng nào người dân còn tin vào tâm linh thì tranh sẽ tồn tại.

Tranh dân gian Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền do tập quán chơi tranh và sử dụng tranh không còn phổ biến như trước đây, kéo theo những người tâm huyết với nghề, giữ nghề cũng ngày một ít. Vì thế, tranh dân gian đứng trước những thách thức lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị./.

 

Theo vov.vn

 

 

 

Tệp đính kèm