Không biết từ bao giờ, trong các đám cưới, đám hỏi của người Việt, đặc biệt là người Kinh Bắc lại không thể thiếu một loại bánh. Loại bánh tượng trưng cho sự thủy chung – Bánh Phu Thê. Bánh Phu Thê còn được gọi với nhiều tên như bánh xu xê, bánh xu xuê là một loại bánh ngọt cổ truyền của người Việt.
Ảnh minh họa.
Nhiều ý kiến cho rằng, làng Đình Bảng dười triều nhà Lý là nơi đầu tiên làm ra loại bánh này. Ngày nay, nếu có dịp đến thăm Đền Đô, phường Đình Bảng, Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, du khách sẽ nhận thấy nơi đây vẫn đang lưu truyền nghề làm bánh từ hàng trăm năm nay. Mặc dù có rất nhiều truyền thuyết xung quanh việc ra đời bánh Phu Thê như: Khi vua Lý Anh Tông xuất chinh, hoàng hậu chính tay vào bếp làm ra món bánh gửi theo chồng đi đánh trận. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng đã đặt tên bánh là phu thê. Nhưng lại có người kể rằng, trong một lần hội làng ở Đình Bảng, Lý Thánh Tông cùng vợ là Nguyên phi Ỷ Lan về quê lễ ở Đền Đô đã được dân làng dâng bánh xu xuê. Sau khi thưởng thức, Đức vua và Nguyên Phi đều phải khen ngon. Người cho rằng nếu được ăn bánh thì gia đình sẽ hạnh phúc hơn…
Song dù là truyền thuyết nào thì cũng đều chung một quan điểm để nói lên rằng bánh phu thê tượng trưng cho sự thủy chung, cho tình nghĩa vợ chồng. Có lẽ bởi vậy mà tục lệ trong đám hỏi phải có bánh Phu Thê đã trở thành truyền thống đối với người Việt Nam, đặc biệt là người dân Kinh Bắc. Nổi tiếng là nơi tạo nên loại bánh này và cách làm bánh truyền thống vẫn được tiếp nối truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, do đó làng Đình Bảng vẫn luôn luôn là lựa chọn số một cho những người có nhu cầu mua bánh Phu Thê.
Cũng giống như nhiều loại bánh truyền thống khác của Việt Nam, bánh Phu Thê không cầu kỳ về hình thức nhưng để có được một chiếc bánh hoàn hảo, thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn chuẩn bị, thực hiện kỹ lưỡng cũng như áp dụng các phương pháp bí truyền.
Đầu tiên muốn có bánh ngon phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Tiếp đó đem vo gạo thật sạch, để ráo nước và dùng cối giã chứ không được xay bằng máy. Sau đó, lọc lấy tinh bột gạo. Một cân gạo nếp cái hoa vàng thường chỉ lấy được 4 lạng tinh bột. Bột lọc đó lại đem xay cho thật nhuyễn rồi phơi hoặc sấy khô để qua 15 ngày mới đem ra làm bánh, nếu làm ngay thì bánh sẽ nát. Chuẩn bị phần nguyên liệu làm bột bánh xong thì đến chuẩn bị nguyên liệu làm nhân bánh. Nhân bánh là đỗ xanh được ngâm kỹ đãi sạch vỏ, đem hấp chín, nghiền mịn, thắng với đường và trộn lẫn vài sợi dừa đã được nạo nhỏ. Khi ăn, bánh thường được cắt làm bốn nên trong nhân bánh 4 hạt sen được đặt ở 4 góc.
Khi bóc chiếc bánh ra, bánh có màu vàng ươm trong suốt nhìn rõ những sợi đu đủ nạo nhỏ rắc lẫn bên trong trông thật hấp dẫn. Màu vàng của vỏ bánh được tạo thành từ hoa dành dành. Người làm bánh đem hoa dành dành phơi khô, khi nào làm bánh thì ngâm vào nước sôi để chiết xuất nước có màu vàng, lấy nước này trộn vào bột để tạo màu bánh. Theo truyền thống, bánh được gói bằng hai thứ lá. Bên trong là lớp lá chuối chống dính, ngoài cùng lá lớp lá dừa, tuy trên tráp ăn hỏi có thể bánh được đặt trong hộp giấy màu đỏ. Luộc bánh tốt nhất là luộc bằng bếp củi đun vừa lửa. Bánh Phu Thê có hình vuông và tròn biểu trưng của triết lý âm dương ở phương Đông. Bột bánh được dàn mỏng, đặt nhân vào một đầu rồi đắp phần bột còn lại lên nhân như thể hiện sự ôm ấp, che chở của tình phu thê. Triết lý Á Đông cũng được thể hiện một cách tinh tế qua các màu của bánh. Lá gói xanh tượng trưng cho sự chung thủy, lạt buộc hồng mô phỏng sợi tơ hồng kết nối, bánh màu vàng thể hiện tình yêu thương của vợ đối với chồng. Với ý nghĩa sâu sắc và hương vị thơm ngon đặc biệt, bánh Phu Thê trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi đám hỏi của người Việt. Đồng thời là món vặt hấp hẫn và cũng là một thứ quà ngon để làm quà cho những người đi xa.
ST