Nếu bạn đã từng ghé qua Thái Bình chắc hẳn bạn đã nghe nói đến loại cua rất đặc biệt có tên gọi cua Cà ra. Loại cua sông này có vị ngọt thơm đặc trưng không giống như những loại cua ghẹ khác, khiến bất cứ ai đã một lần thưởng thức sẽ không bao giờ quên.
“Cua tháng ba, cà ra tháng tám” là thời điểm Cà ra chớm mùa nhưng Cà ra thực sự rộ nhất là vào tháng chín và tháng mười âm lịch. Đây là thời gian Cà ra béo ngậy và thơm ngon nhất. Một con cua Cà ra to có thể có trọng lượng lên đến 200g. Mùa cà ra ở Thái Bình bắt đầu khi tiết trời chuyển từ thu sang đông kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Cà ra có người còn gọi là cua lông, có hình dáng gần giống như con rạm vùng đồng bằng nhưng to hơn nhiều, Hiện cà ra chỉ tồn tại trong tự nhiên, chưa ai nuôi được. Sông Trà Lý đầy nét hoang dã, là nơi sinh sống của cà ra.
Xã hồng tiến huyện Kiến Xương là nơi có nhiều người làm nghề bắt cà ra theo mùa, cà ra chỉ tập trung sống nhiều ở vùng cửa biển, khi có nước biển tràn vào thì mang vị mặn, nhưng khi nước biển rút thì vẫn là nước ngọt. Cà ra rất kén môi trường sống, nên hầu như chúng chỉ có nhiều ở vùng này vì môi trường sống còn thích hợp.
Cua Cà ra được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như cua rang me, cua hấp… nhưng món lẩu cua Cà ra thực sự là món ăn nếu bạn đã ăn một lần sẽ muốn ăn tiếp. Cũng là nước lẩu thơm ngon, vàng óng với vị chua thanh dịu của dấm bỗng và ngọt ngào của gạch cua, nhưng đặc biệt hơn là bạn sẽ được thưởng thức thịt cua Cà ra béo ngậy trong nồi lẩu nghi ngút hương thơm. Cua được thả vào nồi nước lẩu khi vẫn còn sống. Do vỏ cua mềm nên rất nhanh chín và khi ăn không cần dùng đến kìm kẹp như khi bạn ăn các loại cua ghẹ khác.
Cà ra thường làm hang ở chỗ nước sâu cả chục mét hay trong các kè đá. Lòng sông thì phù sa đục ngầu nên chỉ có giác quan thứ sáu của thợ săn mới đoán định được vệt chúng đi. Khúc sông nào sâu nhưng nước không chảy mà chỉ vật loanh quanh là chỗ cà ra thích nằm nghỉ ngơi nhất. Loài cua này có tập tính đi ăn đêm nên bát quái phải thả từ trưa hôm trước đến sáng hôm sau mới nhấc.
Giá Bán cà ra khi xưa cũng rất rẻ, thậm chí mời mọc mỏi mồm, gãy lưỡi cũng chẳng ai mua.Vài năm gần đây cà ra bỗng dưng thành đặc sản, giá một cân cua sông từ 200.000 - 300.000 đồng tùy to nhỏ nhưng không phải cứ có tiền là kiếm được. trong đồng thì nông dân vãi thuốc sâu, phân hóa học nên cà ra thành ra tuyệt tích,còn dưới lòng sông ngư dân kích điện tràn lan khiến chúng chẳng kịp sinh sôi.
Như vậy để cà ra tồn tại và phát triển, đem lại một nguồn lợi không nhỏ cho người làm nghề, cũng như tạo ra nét rất riêng cho hương vị ẩm thực Thái Bình, thì hiện tại chưa có cách bảo tồn nào tốt hơn là giữ cho môi trường được trong sạch.
ST