Cập nhật: 25/09/2016 08:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đây là câu hỏi đã được các chuyên gia về xương khớp, dinh dưỡng giải đáp rất chi tiết tại buổi Tư vấn Truyền hình trực tuyến “Ứng phó với các bệnh xương khớp” do Báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức ngày 14.9.


Lười vận động, thừa cân – thủ phạm gây bệnh xương khớp

TS. BS. Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức cho biết, khi thời tiết bắt đầu chuyển từ mùa nóng sang lạnh cũng là lúc các bệnh về xương khớp bắt đầu xuất hiện, nhất là ở những đối tượng có tiền sử mắc bệnh xương khớp, bệnh càng dễ tái phát. Thời tiết là những yếu tố gây những đáp ứng khác nhau đối với cơ thể. Khi cơ thể yếu, sức đề kháng kém rất dễ mắc bệnh. Hoặc những yếu tố, tác nhân bên ngoài như bụi hoa, bụi phấn là những yếu tố làm trầm trọng thêm những bệnh có sẵn của người bệnh. Tại Bệnh viện Việt Đức, khi chuyển mùa từ trời nóng chuyển lạnh, hoặc trời nồm, số bệnh nhân là người già đến khám tăng đột biến, thường là các bệnh viêm khớp, viêm đa khớp dạng thấp, các bệnh mạn tính về khớp. Ở các cháu nhỏ khi thời tiết thay đổi thường dễ mắc các bệnh đường hô hấp trên, hay tai mũi họng. Đây là nguyên nhân gây ra các bệnh lý như thấp khớp, ảnh hưởng tới thấp tim.

Bệnh xương khớp là căn bệnh nhiều người mắc phải với tỷ lệ mắc bệnh cao. Hiện nay, bệnh cơ xương khớp không chỉ là căn bệnh của người lớn tuổi mà nó còn xuất hiện ở nhiều đối tượng thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, thậm chí cả ở trẻ em. Sở dĩ bệnh cơ xương khớp có chiều hướng ngày càng gia tăng là do lối sống thiếu vận động, tình trạng thừa cân, béo phì và cả thói quen sinh hoạt, làm việc sai tư thế... cũng khiến  hệ cơ xương bị ảnh hưởng.

TS Khánh khuyến cáo, người cao tuổi khi thấy lục khục trong khớp, bất thường về tình trạng xương khớp hoặc cảm thấy đi lại khó khăn hơn những người khác, nên đi khám bệnh. Bệnh lý thoái hóa khớp gối là bệnh khá thường gặp nguyên nhân do biến đổi các tế bào sụn khớp làm mất đi cấu trúc của sụn, xương khớp gối bình thường dẫn đến khớp không chịu được tải trọng của cơ thể gây thoái hóa khớp. Đặc trưng của bệnh lý này là bệnh nhân đau, hạn chế vận động, lục khục khớp gối, nặng sẽ biến dạng khớp gối, dần dần mất khả năng đi lại. Hiện nay có tình trạng tiêm khớp gối tràn lan mặc dù đó là biện pháp điều trị nội khoa, nhưng phải tuân thủ đúng. Nếu đã bị giai đoạn nặng có tiêm cũng không giải quyết được vấn đề.

TS Khánh lưu ý cần đảm bảo quy trình tiêm, cần vô trùng tuyệt đối, nếu không sẽ gây nhiễm trùng trong khớp. Đây là biến chứng nặng nề của tiêm khớp gối. Tại Bệnh viện Việt Đức đã gặp một số trường hợp phải phẫu thuật nhiều lần để sửa chữa biến chứng do tiêm thuốc vào khớp gối.  Vì vậy, tốt nhất cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên ngành xương khớp khi tiêm khớp gối.

Theo TS. BS. Trần Thái Hà, Trưởng khoa Châm cứu xoa bóp dưỡng sinh Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, trong y học cổ truyền, các bệnh cơ xương khớp được quy vào dạng chứng tý, tức là bế tắc. Do bị chứng tý, bế tắc lại, chứng tý không đầy đủ, hàn khí bên ngoài là phong hàn thấp xâm nhập thì gây nên bệnh, gây đau ở cân cơ, đau xương khớp. Có nhiều cách điều trị y học cổ truyền đau xương khớp hiệu quả, song ta có thể nhắc tới bệnh thường gặp như thoái hóa khớp thường xuất hiện ở người lớn tuổi, hội chứng đau cổ, vai, cánh tay, hội chứng thắt lưng hông có thể do thoái hóa hông, thoát vị đĩa đệm.... Các phương pháp điều trị thường dùng là châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, yoga, dưỡng sinh....

Thiếu dinh dưỡng – xương khớp bị đe dọa

TS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, viêm khớp thường liên quan đến việc thiếu dinh dưỡng. Ví dụ cân nặng ít, gầy yếu quá thì dễ bị viêm khớp; thừa cân béo phì lại dễ thoái hóa khớp cho nên phải duy trì được cân nặng nên có. Ở người già, khối cơ chuyển thành khối mỡ, nếu yếu cơ thì không “cõng” được trọng lực lớn. Do đó điều quan trọng là ăn đầy đủ cộng với duy trì cân nặng nên có của mỗi người.

 

Vấn đề dinh dưỡng là vấn đề tích lũy. Đến lúc bị  loãng xương rồi, ở giai đoạn tiền mãn kinh bổ sung thì vẫn chậm, nguy cơ vẫn cao. Cho nên từ lúc sinh đã cần phải tích tụ được canxi một cách nghiêm túc, từ chế độ ăn, bú mẹ lúc đó mẹ đã mất canxi truyền cho con, do đó cần thiết phải tích canxi từ nhỏ. Đến tuổi trưởng thành nếu muốn nhiều canxi để xương vững chắc thì phải bổ sung canxi bằng chế độ ăn hoặc viên uống canxi. Với bà mẹ trước khi có bầu, trong khi nuôi con càng cần bổ sung liên tục. Tuổi trẻ việc hấp thu sử dụng canxi trong cơ thể rất tốt; đến tuổi mãn kinh thì khó khăn hơn.

Bữa ăn thông thường của người VN cần đầy đủ đạm, đường, béo, cân đối giữa các chất, ăn nhiều đạm, đường quá đều không tốt…Nói đến cơ xương khớp không thể không nói đến khoáng chất, đặc biệt là canxi và làm thế nào để hấp thu sử dụng trong cơ thể là yếu tốt quan trọng. Các bệnh khớp cần bổ sung các loại thực phẩm giàu collagen và omega, ngoài ra cần tăng các yếu tố phát triển các enzym có nhiều trong giá đỗ. Đặc biệt chúng ta cần lưu ý đến chế độ ăn toàn phần, như ăn cá nhỏ cả con. Hiện các gia đình ở Việt Nam ăn tinh nhiều, mua thực phẩm chế biến sẵn, dễ mất đi các chất dinh dưỡng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe xương khớp.

Theo thống kê của Cơ quan nghiên cứu sức khỏe quốc gia Mỹ có tới 50% người Mỹ mắc các bệnh về cơ xương khớp. Tại Việt Nam, số phụ nữ trên 50 tuổi bị loãng xương chiếm tới 30%, trong khi tỷ lệ này ở nam giới trên 50 tuổi chỉ chiếm 10%, đây là căn nguyên dẫn tới nhiều căn bệnh xương khớp tuổi già. Theo một nghiên cứu tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, bệnh xương khớp thường thể hiện rõ từ độ tuổi 40, trong đó tần suất mắc bệnh thoái hóa khớp là 66%, cột sống thắt lưng 43%, bệnh khớp gối chiếm 35%...

 Ngọc Anh

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm