Cập nhật: 19/09/2016 09:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thay vì được hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mới chỉ được quan tâm về thủ tục đầu tư, hỗ trợ pháp lý…

Công nghiệp hỗ trợ chưa được đầu tư nhiều về khoa học và công nghệ nên khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. (Ảnh minh họa: KT)

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) giúp cải thiện cán cân thương mại, giảm nhập siêu, nâng cao năng suất lao động và gia tăng giá trị hàng hóa. Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12 xác định 6 lĩnh vực phát triển CNHT. Tuy nhiên cho đến nay, mặc dù Việt Nam đã có thêm rất nhiều cơ chế, chính sách, nhưng CNHT dường như vẫn chưa đi vào thực chất.

Các chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu của Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản khẳng định rằng, hiện Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn bước đầu phát triển CNHT. Mặc dù Việt Nam cũng đặt trọng tâm phát triển CNHT vẫn là các doanh nghiệp, nhưng so với Nhật Bản thì vẫn có sự khác biệt. Nhật Bản xác định đối tượng trực tiếp giúp cho ngành CNHT phát triển chính là doanh nghiệp. CNHT phát triển cũng là điều kiện để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Ông Kazuhito Hagiwara, Phó giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản) nhận xét rằng, trong khi các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Nhật Bản tập trung hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ thì ở Việt Nam, các trung tâm lại tập trung vào hỗ trợ về hành chính như thủ tục đầu tư, làm phom mẫu cũng như hỗ trợ về mặt pháp lý…

“Việt Nam có hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp rất rộng, có các Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tại hầu hết các bộ ngành đến các Trung tâm khuyến công tại sở Công Thương các tỉnh, lại có cả những hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, điều tra thị trường, kết nối kinh doanh… Nhưng các trung tâm này đang có sự trùng lặp về chức năng, chủ yếu là hỗ trợ tư vấn về thủ tục hành chính, trong khi rất yếu và thiếu các hỗ trợ về công nghệ, khoa học kỹ thuật”, ông Kazuhito Hagiwara chỉ rõ.

Cũng theo ông Kazuhito Hagiwara thì một lượng lớn nguồn nhân lực của Việt Nam để đáp ứng cho phát triển CNHT lại đang ở trong tình trạng “vừa thừa lại vừa thiếu”. Nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu thực tế, trong khi máy móc và công nghệ mới còn thiếu thốn đã dẫn đến việc, nếu muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì doanh nghiệp CNHT của Việt Nam hoàn toàn không đủ lực.

Thừa nhận những điểm yếu trong việc phát triển CNHT ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, doanh nghiệp CNHT của Việt Nam chưa thể tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn cũng như các doanh nghiệp FDI.

“Khi đề cập đến CNHT chúng ta cứ chăm chú vào phân tích các chính sách, giải pháp… mà thiếu cái nhìn tổng thể để đi tìm gốc rễ của vấn đề, tìm nguyên nhân vì sao, do đâu mà CNHT của Việt Nam chưa phát triển. Cần phải xác định rõ đối tượng cần phát triển chính là doanh nghiệp vừa và nhỏ”, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh chỉ rõ.

Mặt khác, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cũng nhận định rằng, tính liên kết là nền tảng để phát triển CNHT, nhưng thực tế ở Việt Nam quá trình này đang rất yếu. Do đó, mô hình Trung tâm công nghệ công lập cấp địa phương (gọi tắt là LPTC) mà các chuyên gia của Viện nghiên cứu Mitsubishi đưa ra và khuyến nghị Việt Nam có thể ứng dụng, trên cơ sở tái cấu trúc lại các trung tâm khuyến công, trung tâm xúc tiến công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp ở các bộ ngành, địa phương.

Theo TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, mô hình LPTC do chính quyền Trung ương thành lập đặt trong cộng đồng địa phương, thực hiện chức năng nghiên cứu và phục vụ phát triển công nghiệp của vùng. Lấy mục tiêu hỗ trợ về công nghệ cho doanh nghiệp nên LPTC được đầu tư khá đầy đủ về máy móc thiết bị hiện đại, có thể hỗ trợ kiểm tra chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp.

Đồng thời, thông qua Trung tâm công nghệ công lập sẽ kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp với các chuyên gia kỹ thuật để giải quyết các vấn đề doanh nghiệp có thể gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh…

Bày tỏ quan điểm về định hướng phát triển CNHT, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, để phát triển CNHT và tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp ở nước ngoài cũng như tại Việt Nam, cần xây dựng chính sách hỗ trợ riêng cho từng ngành.

“Trong giai đoạn này, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam chỉ nên tham gia vào một số lĩnh vực phù hợp với trình độ và năng lực. Vì thế, việc xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt cho từng ngành nghề, lĩnh vực là rất cần thiết, thông qua đó vừa tạo sự liên kết kết, gắn kết, vừa giảm được các khoản chi phí… điều này các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được”, GS. Nguyễn Mại bày tỏ quan điểm./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Tệp đính kèm