Cập nhật: 26/09/2016 08:54:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Điệp Sơn - tên gọi một hòn đảo ở xã Vạn Thạnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa), thời gian gần đây đã trở thành địa chỉ nổi tiếng đối với người yêu du lịch khám phá. Trên hòn đảo đó, có thôn nhỏ cùng tên, lặng lẽ nép mình dưới chân núi Hòn Bịp, nơi ít người biết rằng, cuộc sống của cư dân bao đời nay trong cảnh thiếu điện, thiếu nước, thiếu trường, thiếu trạm...

 

Đường cát nối Điệp Sơn với đảo Hòn Quạ.

 

Một góc Điệp Sơn nhìn từ biển.

Từ Nha Trang, theo quốc lộ 1A, đi chừng 60 cây số về phía bắc, chúng tôi tới thị trấn Vạn Giã. Gửi xe ở UBND huyện Vạn Ninh, một người bạn đưa xuống bến đò. Tàu ghe tấp nập. Một cậu thanh niên nhanh nhảu:

- Chú ơi, sáng nay không có đò đi Điệp Sơn đâu. Chú đi ca-nô cao tốc với cháu, đi đò lâu lắm. Đi ca-nô chưa đầy 10 phút, một trăm nghìn một người. Nghen chú?

Tôi ừ. Bởi có phần sốt ruột, mong được sớm ra tới đảo.

Ca-nô tăng tốc, lướt như bay trên mặt nước. Mỗi khi băng qua một ngọn sóng bạc đầu, ca-nô chồm lên, chúi xuống, mấy đứa trẻ cùng ồ lên, thích thú, nhưng... mặt tái xanh, như thể chúng đang tham gia một trò chơi cảm giác mạnh.

Thấy tôi loay hoay quay phim, chụp ảnh, người đàn ông hướng dẫn du lịch chỉ ra những hòn đảo phía trước rồi giải thích:

- Điệp Sơn đó, dưới chân núi Hòn Bịp.

- Điệp Sơn có gì mà ai cũng háo hức muốn tới vậy?

Tôi hỏi.

- Điệp Sơn có hai con đường cát mịn màng nổi lên từ lòng biển. Đó là những con đường bộ trên biển đầy huyền bí, lúc ẩn, lúc hiện; lúc có, lúc không. Thủy triều lên, đó là một vùng mặt biển mênh mông, thuyền bè rộn ràng qua lại. Thủy triều rút, trên biển nổi lên những con đường cát nối liền các đảo. Điệp Sơn có những bãi tắm nguyên sơ, còn thưa dấu chân người.

Ca-nô đi ngang qua con đường trên biển nối từ đảo Hòn Quạ qua Hòn Ó. Thủy triều rút. Con đường dần nổi lên, hình thù khá rõ nét.

- Đẹp vậy đó. Nhưng, còn có một con đường khác, đẹp hơn nữa, đang chờ chúng ta ở phía trước.

Người hướng dẫn du lịch làm ra vẻ bí mật.

Ngồi ca-nô lướt sóng, người lớn nhìn trời, nhìn biển no con mắt. Trẻ con mặt mày tái mét nhưng không ngớt hò reo. Phút chốc, đã tới đảo.

Trước mắt chúng tôi là con đường nối Điệp Sơn với đảo Hòn Quạ - con đường hằng lung linh trên các trang mạng xã hội, các trang facebook khiến ai nấy nhìn thấy cũng muốn một lần được đặt chân đến. Con đường dần nổi lên theo thủy triều xuống, nhìn như một dải lụa trắng giữa biển xanh.

Thủy triều ở mức thấp nhất. Con đường nổi rõ hình hài trên nền bãi san hô rộng lớn. Du khách tranh thủ thời gian quý báu tận hưởng cảm giác trên con đường giữa biển. Bởi, chỉ chút xíu nữa thôi, thủy triều lên, con đường sẽ chìm xuống.

Trưa Điệp Sơn. Núi Hòn Bịp cây cối xanh ngắt một mầu sau những cơn mưa cuối hạ, chớm thu. Có con chim gù trầm trầm ở phía xa xa. Đâu đó có tiếng gà cục tác. Không gian man mác thanh bình. Khung cảnh đẹp. Không khí trong lành. Nhưng dịch vụ ở Điệp Sơn hãy còn đơn sơ. Trên đảo chỉ duy nhất có Điệp Sơn Quán do Nguyễn Phi Cường làm quản lý - người bạn chúng tôi quen ở thị trấn Vạn Giã. Cường chỉ tập trung lo cho khách đoàn, nên nhiều khi khách đi lẻ gọi một ly cà-phê, một chút rượu mạnh cũng không có. Tôm hùm hấp, mực lá nướng muối ớt thơm lừng, ngọt lịm vậy mà đành lòng nhắm với... nước lọc!

Tạm biệt bãi biển, tạm biệt con đường bộ trên biển, chúng tôi đi về làng Điệp Sơn, trong núi Hòn Bịp. Đi trên cát lún, nhiều người bứt dây rừng cột hai chiếc giày lại rồi khoác trên vai. Nhưng, mang giày lên vai thì lại nóng chân.

Đình làng Điệp Sơn lặng lẽ, trầm tư trong bóng chiều đang đổ xuống. Điệp Sơn là vùng đất có cư dân sống từ nhiều đời. Trên đảo có nhiều cây dừa đã già, thân khẳng khiu, cao vút. Theo các cụ cao niên, tên đảo xưa kia là Hòn Bịp. Bởi có rất nhiều chim bìm bịp. Không ai giải thích được vì sao lại có thêm địa danh Điệp Sơn. Tôi đồ rằng, Hòn Bịp là tên núi, có từ xa xưa. Đến khi lập làng mới đặt tên Điệp Sơn. Nhưng, núi không có nhiều bươm bướm, sao gọi Điệp Sơn? Câu hỏi này chắc tôi nợ với Điệp Sơn, hẹn một ngày trở lại. Có điều thú vị là cụm đảo ở đây có ba đảo, gồm Hòn Bịp, Hòn Quạ và Hòn Ó. Nghe ra, toàn tên gọi của những loài chim. Cứ theo cái lý của tên gọi Hòn Bịp, chắc hẳn Hòn Quạ phải có nhiều chim quạ và Hòn Ó có nhiều chim ó lắm.

Không biết ở Hòn Quạ và Hòn Ó thế nào, ở Hòn Bịp, Điệp Sơn có nhiều chim bìm bịp thật. Thâu đêm, theo từng con nước nổi nênh, chim bìm bịp thảng thốt kêu, mải miết trong núi, nghe thật buồn. Tiếng chim mơ hồ như những phách gõ thời gian đầy mộng mị, đưa đêm chìm sâu vào giấc ngủ hoang vu. Đêm tịch mịch, yên ắng. Không ngủ được. Phần bởi nóng, không có quạt, phần bởi câu chuyện của trưởng thôn Phạm Văn Lanh khi chiều, cứ khiến tôi day dứt.

 

Đảo Điệp Sơn (Vạn Ninh, Khánh Hòa), một địa điểm du lịch thu

hút đông đảo khách trong nước và quốc tế. Ảnh: HUỲNH VĂN NAM

Điệp Sơn có 84 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu. Người dân hiền lành, hiếu khách, chăm chỉ làm ăn, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản, nhưng chỉ quanh quẩn ven bờ, không có tàu thuyền lớn vươn khơi. Trước đây, khai thác ốc gai, ốc nhút, bào ngư, hải sâm, rau câu... rất dễ dàng; bởi, bao quanh đảo là một vành đai san hô, có hệ môi trường sinh thái phong phú, nguồn lợi hải sản dồi dào. Không giàu có, Điệp Sơn cũng đủ ăn, nhàn nhã. Đến những năm 1995 - 1996 của thế kỷ trước, nhiều nhóm người từ đất liền ồ ạt kéo ra khai thác san hô mang về làm hàng thủ công mỹ nghệ, nung vôi. Vùng rạn san hô quanh đảo Điệp Sơn bị tàn phá nặng nề; các loài hải sản không còn nơi trú ngụ. Khai thác hải sản khó khăn. Nuôi trồng cũng nhiều rủi ro. Đời sống người dân Điệp Sơn từ đó thêm phần túng thiếu.

Cách đây mấy năm, nhiều người lên núi Hòn Lớn phát rẫy. Sáng đi, chiều về vác củi trên vai, đem đổi gạo. Nay không còn ai làm rẫy nữa, chuyển sang nuôi trồng hải sản, nhưng, người Điệp Sơn nuôi nhỏ lẻ. Ngoài kia, người dân Đầm Môn có hộ nuôi cả vạn con tôm hùm, ở đây, hộ nuôi nhiều lắm cũng chỉ vài trăm con. Còn đánh bắt, nói cho oai vậy, thật ra chỉ là lặn bắt ốc, hái rau câu, giăng lưới ghẹ..., cá tôm chỉ đủ ăn, thu nhập không bao nhiêu. Trưởng thôn Phạm Văn Lanh trầm tư khi nói về những điều ấy. Anh nhắc đi nhắc lại mãi mỗi một câu:

- Đời sống người dân Điệp Sơn còn vất vả lắm!

Chạng vạng tối. Chúng tôi dạo trên bãi biển, đi ra đầu làng, phía cầu tàu. Từ đây, phóng tầm mắt về đất liền, hằng đêm, có thể thấy rõ ánh điện sáng lung linh trong ấy. Thôn đảo Điệp Sơn chỉ cách thị trấn Vạn Giã có ngần ấy bước chân. Mà sao xa xôi quá, cách biệt quá! Cách biệt không chỉ có không gian địa lý mà cách biệt cả mức sống vật chất và tinh thần của người dân.

Có giếng, nhưng nước ở Điệp Sơn nhiễm mặn. Tắm bằng nước mặn, chỉ có vài gáo nước mưa dội sau cùng. Nước mưa hứng trong những cái lu, không có nhiều, phải ưu tiên số một cho ăn uống. Thấy nước mưa hiếm, tôi ngại, không dám dội nhiều, nên người lúc nào cũng rít rít, mặn mặn, nghe bứt rứt lắm.

Thôn đảo Điệp Sơn chỉ có hai phòng học, dùng cho cả từ lớp 1 tới lớp 5; với hai giáo viên từ đất liền ra đứng lớp. Lớp nhiều nhất có chín học sinh, lớp ít, chỉ có... hai em. Muốn học cấp 2, các em phải vào tận đất liền. Mà không nhiều gia đình có điều kiện làm được điều đó. Cho nên, trẻ ở đây học hết cấp 2 đã hiếm, nói gì tới cấp 3.

Điệp Sơn không có trạm xá, bệnh nặng phải đi đò về đất liền. Nhiều khi không kịp, giữa dòng đành vuốt mắt, đau xót quay về.

Môi trường sinh thái trên đảo đang chịu những tác động trực tiếp từ hoạt động du lịch. Nhiều du khách đến, khi về để lại những đống rác lớn; thậm chí còn chặt phá cây cối trên đảo.

Những nét chấm phá chắp nhặt ở trên dẫu có giàu hình ảnh đến mấy cũng khó lòng nói hết những thiếu thốn, nhọc nhằn của người dân Điệp Sơn.

Có ngày Điệp Sơn đón cả nghìn lượt khách. Nhưng người dân chưa tiếp cận được cách làm du lịch và cũng không có nhiều điều kiện để làm du lịch. Hiện trên đảo chưa có cơ sở lưu trú, chưa có một phòng trọ, nhà nghỉ nào. Mấy tháng trước, có vài nhà dân đưa khách vào ở cùng; nhận nấu ăn, phục vụ cho các nhóm khách có liên hệ đặt trước. Nhưng, lượng khách này giảm dần. Do điều kiện sinh hoạt ở đây còn quá khó khăn.

Chúng tôi ở nhờ nhà chị Nguyễn Thị Canh, chủ quán Biển Nổi. Bữa cơm tối muộn có cá bớp nướng, con xút nấu lá me, mực hấp, ghẹ luộc... Hải sản chị Canh nuôi nhốt ngoài biển, khi cần mới ra đem vào. Nhưng, ngồi ăn cơm mà mồ hôi chảy ròng ròng, chốc chốc lấy quạt mo cau phe phẩy cho đỡ nóng.

Chị Canh ái ngại:

- Mấy chú thông cảm nghen. Ở đây xài điện máy nổ từ 6 giờ tới 9 giờ tối là cúp. Tối, vợ chồng treo võng ngủ trước sân.

Tôi hiểu, dẫu có máu "phượt” đến mấy, có muốn trải nghiệm đến mấy, trong điều kiện như vậy, nhiều du khách cũng không chịu nổi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh Võ Lục Phẩm cho biết:

- Huyện yêu cầu xã và thôn lưu ý việc giữ gìn an ninh trật tự; bảo đảm vệ sinh môi trường; vận động người dân đưa du khách vào ở trong nhà, tránh tình trạng cắm lều, dựng trại ngoài bờ biển. Hiện nay, có hai doanh nghiệp đặt vấn đề xin đất để xây dựng nhà nghỉ, nhà hàng. Nhưng, theo họ, cái khó lớn nhất, khó khắc phục nhất hiện nay là chưa có điện lưới quốc gia và nước ngọt sinh hoạt.

Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, vùng rạn san hô quanh đảo Điệp Sơn đã bị tàn phá nặng nề, các loài hải sản không có chỗ trú ngụ. Do đó, nguồn lợi hải sản không có điều kiện tái tạo. Vì vậy, phục hồi hệ sinh thái; tái tạo nguồn lợi thiên nhiên là việc phải làm một cách bài bản, khoa học và lâu dài. Nhưng, bắt đầu từ đâu, phục hồi như thế nào, tái tạo ra làm sao... là những câu hỏi người dân Điệp Sơn không thể trả lời, dẫu biết rằng điều ấy quyết định sinh kế của họ.

Chính quyền và nhiều người dân Điệp Sơn đang hy vọng, với lợi thế thiên nhiên ban tặng, du lịch sẽ là cách giúp Điệp Sơn thoát nghèo. Tuy nhiên, để du lịch Điệp Sơn phát triển, cần có quy hoạch cụ thể, có lộ trình đầu tư đồng bộ theo hướng tạo điều kiện cho dân đảo hoạt động du lịch, nâng cao đời sống và bảo vệ được hệ sinh thái. Nói theo cách "vĩ mô" là vậy, nhưng thực tế, người dân Điệp Sơn không đủ sức làm du lịch bởi ngoài những khó khăn nêu trên, xưa nay, người dân Điệp Sơn chỉ biết bắt ốc, nuôi tôm. Họ đang rất cần những đơn vị, cá nhân hướng dẫn cho người dân, cộng đồng dân cư cách làm thế nào để phát triển du lịch, có thể tạo ra sản phẩm du lịch, thu hút và phục vụ khách du lịch đem về lợi nhuận. Cũng không kém phần quan trọng là cần có cơ chế chính sách từ chính quyền địa phương, ngành du lịch để khơi dậy tiềm năng của Điệp Sơn, để du lịch trở thành một hướng phát triển của vùng đất nghèo, thiếu thốn nhưng đầy sức hấp dẫn này.

PHONG NGUYÊN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm