Cập nhật: 05/10/2016 08:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nói đến hội Rưng là nhắc về lễ hội của người dân 3 làng Thế Trưng, Văn Trưng và Vĩnh Trưng của phủ Vĩnh Tường khi xưa mà ta vẫn được biết đến với cái tên vừa truyền thống vừa thân mật là kẻ Rưng, ngày nay là thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường. Sở dĩ có tên Tứ Trưng là do được hình thành từ 4 làng có tên ghép từ Trưng là 3 làng kẻ Rưng kể trên và thêm làng Bảo Trưng được hình thành ở giai đoạn muộn hơn sau này.

Đền Đức Ông

Người dân kẻ Rưng được nơi khác biết đến nhiều bởi nơi đây có lễ hội Rưng, chợ Rưng (chợ phiên diễn ra vào các ngày 1, 3, 6, 8, 11, 13, 16, 18, 21, 23, 26, 28 âm lịch hàng tháng) và một thắng cảnh tự nhiên là đầm Rưng (được hình thành từ một khúc sông Nhĩ Hà – Sông Hồng bị chia cắt và bị biến đổi dòng chảy). Giống như bao lễ hội làng quê khác, lễ hội Rưng diễn ra vào ngày mồng 6, 7 tháng Giêng là sự kết hợp giữa thời gian nghỉ ngơi, vui chơi sau chu kỳ lao động sản xuất của người nông dân địa phương (thường là vào tháng Giêng) gắn với một bản sắc văn hóa Việt là tín ngưỡng thờ thành hoàng làng. Tuy nhiên, một điều khác biệt của hội Rưng với hầu hết các lễ hội làng đó là, ngoài không gian tổ chức ở đình, miếu của làng, lễ hội còn diễn ra ở chốn chợ quê là chợ Rưng. Theo sách “Vĩnh Tường phủ dư địa chí” viết vào đời vua Đồng Khánh, chợ Rưng ở Văn Trưng là một trong những chợ có hoạt động buôn bán, giao thương có tiếng ở trong vùng. Như vậy, vốn ngoài chủ thể là người nông dân lao động thì ở lễ hội Rưng còn xuất hiện thêm những người dân làm thương nghiệp càng làm cho lễ hội này thêm đa dạng các sắc thái văn hóa, bởi lẽ họ là những người đi lại nhiều nơi, được tiếp cận với nhiều không gian, sắc thái văn hóa khác nhau, mặt khác họ cũng là tầng lớp có mặt bằng tri thức cao trong xã hội đương thời.

Một góc Đầm Rưng

“Bỏ con, bỏ cháu không ai bỏ mùng Sáu hội Rưng”

Hội Rưng được bắt đầu vào mồng Sáu tháng Giêng, trùng với ngày tổ chức phiên chợ Rưng đầu tiên của năm. Công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được chuẩn bị trước đó vài ngày ngay sau dịp tết Nguyên Đán. Sáng ngày mồng Sáu ở đình Rưng (làng Văn Trưng) diễn ra lễ cáo tế, xin phép thành hoàng làng cho dân 3 làng kẻ Rưng được tổ chức lễ hội theo định kỳ và khai mạc phiên chợ đầu năm. Đình Rưng trước đây là một ngôi đình công đồng hàng tổng có quy mô rất lớn nhưng rất tiếc đã bị phá hủy trong thời kỳ kháng chiến. Đình thờ hai vị thành hoàng làng là: Đông Kinh Phán quan Đại vương Thượng đẳng Phúc thần, húy là Nguyễn Văn Nhượng, vốn người kẻ Rưng sống vào thời Lý (thế kỷ XII) có công đánh dẹp giặc Ai Lao (một vương quốc nhỏ thuộc nước Lào) vào triều đại trị vì của vua Lý Cao Tông (1176 – 1210). Vị thành hoàng làng thứ hai là công chúa nước Chiêm Thành (vùng Nam Trung Bộ ngày nay) nhưng không rõ danh tính. Theo dân gian truyền kể: “Vào thời Lý triều đình đem quân đi chinh phạt các quốc gia nhỏ ở biên giới phía nam trong đó có Chiêm Thành, khi thu phục được các nước này, nhà Lý đều đưa về Đại Việt một số hoàng thân, quốc thích làm con tin đề phòng họ nổi loạn trở lại. Lúc bấy giờ công chúa Chiêm Thành cũng bị mang về kinh thành Thăng Long. Trong một lần đi du ngoạn cảnh đẹp trên sông Kỳ Giang (đầm Rưng ngày nay) bất chợt gặp trời giông to sóng lớn, nên thuyền bị lật nhào, công chúa cùng đoàn tùy tùng vài chục người đều bị tử nạn trên đoạn sông ở đất kẻ Rưng, nhân dân sở tại vớt lấy thi thể công chúa an táng và lập miếu để thờ, thấy linh thiêng nên nhiều người đến cầu cúng.

Đền Đức Ông

Sau phần cáo lễ phiên chợ Rưng đầu xuân và lễ hội chính thức được bắt đầu, phiên chợ đầu năm là một phần không thể thiếu của hội Rưng, bởi vì người ta quan niệm phiên chợ đầu năm này sẽ mở ra cho cả một năm buôn bán được may mắn, phát tài. Chính vì thế mà ở phiên chợ này, việc mua bán chỉ diễn ra đơn giản, mang tính chất tượng trưng, mọi người đến đây chủ yếu để tham gia các trò chơi, thưởng thức trò diễn hay các loại hình nghệ thuật truyền thống. Ở hội chợ Rưng có các quầy, lều hay các phường hát xẩm, mà dân gian vẫn gọi là “xẩm chợ” để biểu diễn thi thố, đối đáp với nhau. Chủ đề, đề tài xướng ca của loại hình này rất đa dạng, từ các ca khúc ca ngợi cảnh đẹp quê hương, đất nước, thần thánh, danh nhân của địa phương có công với dân với nước, cho đến các hoạt động lao động sản xuất thuần túy của người nông dân, thương nhân,… Mỗi phường hát một vẻ, thu hút rất đông khán giả, có khi họ vừa thưởng thức ca khúc lại vừa nhâm nhi chén rượu quê hương, cùng với đồng quà tấm bánh thật bình dị mà đầy phấn chấn, vui tươi.

Lễ hội Rưng

Một trò chơi khá phổ biến ở chợ Rưng là trò “tổ tôm điếm”, trò chơi xuất phát từ thú chơi tao nhã của người đàn ông xưa. Tổ tôm là thú chơi trí tuệ, có sự phân biệt cao thấp giống như người chơi cờ. Tổ tôm thời xưa không bị coi là môn cờ bạc, mà được liệt vào hàng là thú vui thanh cao, chỉ có con người thanh nhã mới biết cách giải trí bằng tổ tôm. Tổ tôm chơi 5 người, người ta lập ra 5 cái điếm: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung, những điếm này cất trên một khoảng đất rộng trong chợ, ngay phía trước đình. Bài tổ tôm điếm cũng giống như bài tổ tôm thường với các hàng, văn, sách, vạn, yêu, thêm những con chi chi, thang thang, ông cụ… tổng cộng có 12 quân. Quân bài là hai mảnh gỗ ghép lại với nhau có thể mở được. Trên một mảnh ghi tên con bài và mảnh kia là nắp đậy lại, những lúc đánh phải mở ra để biết tên quân bài. Cách chơi và luật chơi tổ tôm điếm cũng giống như chơi tổ tôm thông thường. Cái khác là ở chỗ chơi tổ tôm điếm cần có một người chạy bài, khi người này rao tên một quân bài của điếm thì đánh một tiếng trống để các điếm khác rõ, muốn phỗng hay ăn đều có hiệu trống phát ra. Mỗi điếm có một chiếc trống nhỏ, khi nghe người rao xướng tên quân bài người chơi muốn ăn, muỗn phỗng, muốn bốc hoạc ù thì đều phải có hiệu trống nếu không người chơi coi như phạm luật và không được chơi tiếp. Bài tổ tôm điếm được chia vào các ngăn riêng, người rao bài chuyển quân bài lên điếm cho các đấu viên. Các đấu viên giở bài ra xếp lại rồi đánh trống báo hiệu đã xếp xong bài, khi đó cuộc chơi mới bắt đầu. Người cầm cái (điếm cái) đưa bài cho người rao bài để đánh quân đầu tiên. Bắt đầu một ván bài bao giờ người rao bài cũng hỏi các điếm đã sẵn sàng chưa. Khi bắt bài hay bốc cái thì đều do người rao bài bốc, sau đó người này đọc to tên quân bài cho các điếm cùng nghe rõ. Chơi tổ tôm điếm được xem như cuộc tranh tài công cộng giữa nhiều người cũng như khán giả xung quanh. Trò chơi này thu hút nhiều nhất là các cụ cao tuổi. Phần thưởng của mỗi ván bài không lớn, đôi khi chỉ là một chai rượu, gói thuốc hay nải chuối.

Cốn mê vì nóc đền Đức Ông

Đặc biệt, lễ hội Rưng được biết đến nhiều với trò chơi “bắt chạch trong chum”, là một trò chơi dân gian rất đặc sắc của cư dân nông nghiệp vùng Bắc bộ. Trò chơi xuất phát từ quan niệm về sự sinh sôi nảy nở của sự vật, hiện tượng trong vũ trụ, chính nó đã duy trì sự sống của mọi sinh vật trên trái đất mà người ta vẫn gọi nó là tín ngưỡng phồn thực. Đối với người lao động hay cư dân nông nghiệp thì sự sinh sôi nảy nở là đặc biệt quan trọng. Ở lễ hội Rưng, họ dựng một cái chòi bằng tre nứa cao chừng 4 hoặc 5m trên khoảng sân rộng của chợ ngay phía trước cửa đình Rưng, chứng tỏ trò chơi mang tính thiêng, có sự bảo trợ của thần thánh chứ không đơn thuần là quan niệm trần tục. Trên chòi đặt một cái chum sành gần đầy nước, người ta thả vào đó một con chạch. Các đôi trai gái (thường là đang trong quá trình tìm hiểu yêu đương) tiến vào đình làm lễ rồi lần lượt từng đôi một được chọn để leo lên chòi bắt chạch. Sau khi được vị trưởng lễ (bô lão trong làng) cho phép bắt chạch thì họ liền vừa ôm nhau vừa bắt chạch. Người nam giới một tay khoắng nước bắt chạch, một tay luồn qua eo người con gái mà nắm (xoa) vú; người con gái cũng vậy, một tay bắt chạch, một tay ôm ngang hông người nam giới. Cứ thế, trước sự hò reo cổ vũ của mọi người, đôi trai gái phải ra sức khoắng nước để bắt lấy con chạch mà lại bị chi phối bởi sự ngượng ngùng của hành động “bóp vú”. Chạch trơn nên chúng rất khó bắt , dân gian thường có câu “lẩn như chạch”, thông thường phải mất chừng nửa giờ thì đôi trai gái kia mới bắt được chú chạch, nhưng cũng có khi sau khoảng thời gian quy định mà họ vẫn không bắt được chạch thì họ phải nhường cho một đôi khác. Giải thưởng thường là một dải khăn lụa hồng, trầu cau, trà mạn, cũng có khi là vài quan tiền, song trên hết là sự hào hứng, vui tươi của người xem, tâm tình của các đôi trai gái tham gia. Thông qua trò chơi này, các đôi trai gái như để công bố tình yêu của họ trước dân làng và cũng là để cầu xin thần hoàng làng chứng giám, ban phước lành cho họ, hầu hết các cặp đôi này sẽ nên duyên vợ chồng ngay trong năm đó.

Phiên chợ Rưng

Có một chi tiết rất thú vị phần nào cũng liên quan đến tín ngưỡng phồn thực ở hội Rưng là tại đền Đức Ông có thờ một di vật đá hình trụ cao khoảng 40cm giống hình “sinh thực khí- Linga”. Đây là vật thờ quan trọng trong văn hóa Chăm – Pa (vùng Nam Trung bộ) chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ giáo. Truyền thuyết về Đức Ông – Nguyễn Văn Nhượng sau khi dẹp giặc ở phương Nam có đem về rất nhiều tù binh, nhưng vốn bản tính nhân hậu, khoan dung nên ông đã không giết họ mà đưa họ về quê hương mình cho đất mà sinh sống hòa đồng cùng cộng đồng dân cư ở đây, điều này có thể lý giải vì sao ở đền Đức Ông lại thờ vật này.

Cổng đền Đức Ông

Tiếp tục với các trò chơi ở hội Rưng còn có “đu tiên”, trò “ngậm chỉ kéo xu”, “liếm chôn sanh”, đá cờ, chọi gà,… Trong đó trò “đu tiên” được tham gia đông hơn cả, đặc biệt là các đôi nam thanh nữ tú. Bốn cọc tre cao vút được chôn sâu và chắc chắn ở giữa sân đền Đức Ông và chợ Rưng, hai cây tre được thả song song, từ đầu cọc có chốt ngang tạo chỗ đứng. Từng cặp đôi nam nữ áp mặt, áp ngực vào nhau, tay vịn vào cây tre rồi dùng sức toàn thân, nhún cho bay bổng lên nhịp nhàng khoan thai, người xem đứng vây xung quanh cổ vũ nhiệt tình cho các đôi đu đẹp. Về trò chơi này, thi sĩ Hồ Xuân Hương đã miêu tả khá hóm hỉnh nhưng rất thực tế:

“Bốn cọc khen ai khéo khéo trồng

Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông

Giai đu gối hạc khom khom cật

Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng

Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới

Hai hàng chân ngọc duỗi song song…”

Cứ thế, hội Rưng diễn ra trong nhộn nhịp, tưng bừng ở cả 3 khu vực là đình Rưng, chợ Rưng và đền Đức Ông đến hết ngày mồng 6 tháng Giêng. Ngày mồng 7 tháng Giêng chỉ còn các nghi lễ diễn ra tại đền Đức Ông, đây là các nghi thức cúng tế nhân ngày thánh hóa – ngày mất của vị danh tướng Nguyễn Văn Nhượng, đồng thời tôn vinh những đóng góp, công trạng của ngài đối với quê hương đất nước. Khi xưa ngày này được vua ban làm “Quốc tế” do quan hàng tỉnh đứng ra làm chủ lễ, điều đó nói lên tầm vóc và sức hấp dẫn của lễ hội Rưng.

Sắc Phong đền Đức Ông

Lễ hội Rưng được các nhà nghiên cứu đánh giá là một trong các lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc của tỉnh Vĩnh Phúc bởi sự đa dạng trong các hoạt động, sắc thái văn hóa, cũng như về chủ thể, đối tượng tham gia lễ hội. Lễ hội Rưng không chỉ đơn thuần là những giây phút thư giãn, vui chơi trước một năm lao động vất vả, cực nhọc của người nông dân mà thông qua đó họ còn gửi gắm những niềm tin, khát vọng về sự sung túc, sinh sôi nảy nở, hạnh phúc và bình an cho cộng đồng mình. Bên cạnh đó hội Rưng còn có sự đan xen các yếu tố của văn hóa chợ quê vốn đầy sôi động và hấp dẫn.

 

 ST

 

Tệp đính kèm