Cập nhật: 07/10/2016 08:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vào cuối tháng Chạp âm lịch, sau Tết ông Công, ông Táo (23 – 12 Âm lịch), người Hương Canh thường bận rộn việc chuẩn bị đón xuân như các làng quê khác. Không khí Tết nhộn nhịp suốt những ngày mùa đông se lạnh ấy.

Riêng về mặt thực phẩm, nhà nào cũng phải có ít nhất mười chiếc bánh đa mật, dùng kéo cắt thành thỏi nhỏ như ngón tay lúc còn mềm; rang mỡ cho nở giòn, rồi bỏ hũ nút kín, để sẵn sàng làm món vó cần. Bột tẻ được ngâm trong vại, mỗi ngày thay nước một lần, khi cần gạn ráo nước, có thể làm cháo se bánh hòn được ngay. Bột ngâm lâu như thế, nhưng không chua vì đã gạn hết bẩn, làm bánh sẽ dẻo và dai, không phải cho hàn the. Nhà ai cũng có một hai vại hành củ ngâm tro rơm nếp; đến giáp tết, họ mang ra sông Cánh rửa sạch rồi đem về muối. Loại dưa hành tía, củ to như ngón chân cái, ăn với thịt mỡ thì ngon tuyệt.

Hương Canh có ba làng là Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh. Món chè lam chỉ có xóm Bầu và xóm Nội giữa thuộc Tiên Canh là làm khéo nhất, vừa dẻo, vừa thơm, vừa ngon, vừa bùi, ngọt đậm mà không gắt, có thể ăn được hai ba miếng, nhấm nháp với nước chè

Nguyên liệu chính để làm chè lam là gạo nếp cái hoa vàng, nếp quạ, trắng thơm và dẻo, không lẫn tẻ, loại bỏ hạt trong suốt. Thứ hai là lạc và mật mía, có thêm một ít vừng.

Gạo nếp đem rang vàng, cho vào cối đá giã nhỏ bằng hạt tấm. Lạc nhân to rang chín róc vỏ, cán nhẹ cho vỡ làm đôi. Mật cho vào chảo đun nhỏ lửa, sôi đến độ keo, nhúng đũa có thể kẻo thành sợi được, cho thêm một chút gừng băm nhỏ để tạo mùi thơm cay, ấm nóng. Lúc đó, người ta cho tất cả gạo nếp và lạc đã rang vào chảo, quấy đều lên. Trên bàn gỗ, hoặc mâm, người ta rải sẵn bột nếp đã rang chín làm áo để tránh dính, rồi đổ “hỗn hợp” ở chảo vào đó. Trên “hỗn hợp”, người ta rắc thêm lạc và vừng, ngoài cùng lại phủ nhẹ một lớp bột, rồi dùng chai thuỷ tinh lăn lên trên, cánh mỏng, dàn đều trên mặt mâm hoặc bàn, bề dày chừng 5mm.

Khoảng 2, 3giờ sau, chè lam đã nguội; người ta dùng một thước gỗ, bề mặt rộng bằng cây bài Tổ Tôm hoặc Tam Cúc, lấy dao sắc siết theo cạnh thước gỗ mà cắt thành thỏi dài. Sau đó, lại lấy dao, đặt thước siết ngang, cắt thành những miếng bằng ngón tay. Các chỗ diềm thừa chung quan “nhà bếp” và các cháu nhỏ “nếm” cho hết. Chả gì cũng là những người tham gia chế tác chè lam!

Chè lam được xếp trong hũ sành, nút kín bằng lá chuối khô, để dự trữ hàng tháng vẫn ngon. Ngày tết, khách đến chơi nhà, người Tiên Canh đều lấy ra một đĩa chè lam để đãi. Miếng chè lam không phải món quà cao cấp, giá thành không đáng là bao nhưng mang hương vị dân dã đậm đà. Người đến chơi, thích ăn chè lam hơn các thứ kẹo bánh khác, vì một lẽ đơn giản: đó là nét đẹp quê hương, mùi vị văn hoá truyền thống, lại không lo đau bụng vì chế tác toàn bằng các nguyên liệu khó ôi thiu, không sợ nhiễm độc thuốc sâu hoặc chất hoá học.

Chè lam được gói thành phong trong giấy bạc, không bị ướt chảy, biến chất dùng làm quà tặng. Mặc dầu không có “nhãn mác” rực rỡ, người được biếu dễ nhận thấy tấm lòng chân thành quyện chặt trong hương vị đồng ruộng, làng mạc Việt Nam; ở tình cảm chất phác, giản dị của những người vẫn giữ được nền nếp xa xưa, ân cần đối với mình.

 

ST

 

Tệp đính kèm