Cập nhật: 11/10/2016 08:49:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đau lưng là một trong những lý do phổ biến hầu hết mọi người đi đến bác sĩ và là một nguyên nhân hạn chế vận động hàng đầu trên toàn thế giới.

Thoái hóa đốt sống lưng gây chèn ép dây thần kinh dẫn đến đau thắt lưng.

Hầu hết mọi người bị đau lưng ít nhất một lần trong đời. Ở Anh có khoảng 65-80% dân số bị đau lưng, chủ yếu gặp ở tuổi trên 45 (trong đó 63% là người lao động chân tay). Ở Việt Nam, tỷ lệ đau cột sống thắt lưng chiếm 38% số người trên 65 tuổi.

Dấu hiệu nhận biết

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đau lưng có thể bao gồm: đau cơ bắp vùng lưng, đau lan xuống chân, hạn chế vận động vùng lưng. Đau lưng có thể đến đột ngột và kéo dài ít hơn 6 tuần gọi là cấp tính, có thể xuất hiện khi thay đổi thời tiết hoặc nâng vật nặng. Đau lưng kéo dài hơn 3 tháng được cho là mạn tính, ít phổ biến hơn đau cấp tính.

Những nguyên nhân thường gặp

Đau lưng thường phát triển mà không có nguyên nhân cụ thể. Một số nguyên nhân thường liên quan đến đau lưng bao gồm: lặp đi lặp lại nâng vật nặng làm căng thẳng cơ bắp và dây chằng cột sống vùng lưng; thoái hóa và thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể chèn vào dây thần kinh gây đau lưng; viêm xương khớp; bất thường cột sống như vẹo cột sống; loãng xương khiến xương trở nên xốp và giòn (hay gặp ở người lớn tuổi).

Ai có nguy cơ đau lưng?

Những người có nguy cơ cao bị đau lưng là tuổi tác: đau lưng bắt đầu xảy ra ở tuổi 30-40 và ngày càng tăng theo tuổi tác; người ít vận động, tập thể dục khiến cơ lưng yếu có thể dẫn đến dễ đau lưng; người có cân nặng quá mức gây đè ép lên cột sống thắt lưng dễ gây đau lưng; người bị viêm khớp và các bệnh ung thư có thể góp phần vào đau lưng; nâng vật nặng không đúng cách, sai tư thế; người trẻ tuổi bị trầm cảm và lo âu cũng có nguy cơ bị đau lưng.

Điều trị thế nào?

Bác sĩ đánh giá khả năng ngồi, đứng, đi bộ, nhấc chân và mức độ đau. Người bệnh có thể được chụp Xquang cột sống; MRI hoặc CTscan cột sống; xét nghiệm máu; đo độ loãng xương và điện cơ hoặc EMG. Nếu đau lưng cấp tính, bạn sẽ được điều trị tại nhà bằng thuốc giảm đau và sử dụng nhiệt hoặc nước đá chườm vùng đau. Không nên nghỉ ngơi tại giường hoàn toàn, nên tiếp tục duy trì các hoạt động nhẹ (trong điều kiện cơ thể chịu đựng được) như đi bộ và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Ngừng hoạt động hoàn toàn sẽ làm tăng đau. Nếu điều trị tại nhà không hiệu quả sau vài tuần, bác sĩ có thể chỉ định loại thuốc mạnh hơn hoặc phương pháp điều trị khác. Các loại thuốc giảm đau thường dùng như acetaminophen hoặc thuốc kháng viêm không steroid; thuốc giãn cơ; kem hoặc mỡ giảm đau tại chỗ. Nếu đau nặng, bác sĩ có thể cho dùng codein hoặc hydrocodon hoặc thuốc chống trầm cảm, hoặc tiêm cortison.

Phẫu thuật chỉ áp dụng khi điều trị nội khoa thất bại đối với một số bệnh như hẹp ống sống hoặc thoát vị đĩa đệm.

Vật lý trị liệu và tập thể dục rất cần thiết

Vật lý trị liệu là phương pháp quan trọng nhất ngăn chặn cơn đau lưng: nhiệt, siêu âm, kích thích điện, kéo giãn cột sống và kỹ thuật cơ bản khác giúp giảm đau cơ bắp và mô mềm vùng lưng. Khi đau giảm, người bệnh sẽ được tập các bài tập làm tăng tính linh hoạt, tăng độ mạnh cơ lưng và cơ bụng, cải thiện tư thế dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên. Người bệnh cũng có thể đến các trung tâm phục hồi chức năng và bệnh viện y học cổ truyền để được châm cứu, massage và tập yoga giúp giảm đau lưng.

Hoàn toàn có thể phòng ngừa

Mặc dù đau lưng là căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được, bằng cách:

Tập thể dục, tốt nhất là đi bộ và bơi lội: Làm tăng sức chịu đựng ở lưng và giúp các cơ bắp hoạt động tốt hơn.

Tập các bài tập cơ bụng và lưng giúp cơ bắp linh hoạt và tăng sức mạnh (dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên vật lý trị liệu tại các trung tâm và bệnh viện phục hồi chức năng).

Duy trì một trọng lượng hợp lý: Nếu bạn đang thừa cân, cần giảm cân có thể ngăn ngừa đau lưng.

Bài viết trên chỉ đề cập những chứng đau lưng thông thường hay gặp ở mọi người, nhất là người cao tuổi. Nếu đau lưng kèm các triệu chứng bất thường khác như sốt, tiểu buốt rát, tiểu ra máu, tiêu chảy, yếu và tê chân... bạn cần gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, tránh để quá muộn.

BS. Hải Châu

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm