Cập nhật: 14/10/2016 09:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp với hoàn lưu phía bắc của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Lý Sơn (Quảng Ngãi) cấp 6, giật cấp 7.

Tàu thuyền của ngư dân cập cảng Cửa Sót, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) trú tránh áp thấp nhiệt đới. Ảnh: TRẦN HƯỚNG|

Ở Trung Bộ đã xuất hiện mưa to đến rất to. Hồi 22 giờ ngày 13-10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16,5 độ vĩ bắc; 108,0 độ kinh đông, trên khu vực ven bờ các tỉnh Quảng Trị - Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, cấp 7 (40-60 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km, đến 1 giờ ngày 14-10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16,6 độ vĩ bắc; 106,5 độ kinh đông, trên khu vực các tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Do ảnh hưởng của ATNĐ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến TP Đà Nẵng (bao gồm đảo Cồn Cỏ) và vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9; sóng biển cao 2 - 4m; biển động mạnh.

Vùng ven biển các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Trong 3 đến 12 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

* Do ảnh hưởng kết hợp của ATNĐ, gió mùa đông bắc và nhiễu động gió đông trên cao, từ đêm nay đến hết ngày 15-10, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (hơn 150 mm/cả đợt, riêng khu vực nam Nghệ An - Thừa Thiên - Huế khoảng 200 đến 400 mm). Khu vực nam Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai đến ba ngày tới tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông.

* Do mưa lớn, từ chiều tối hôm qua (13-10), mực nước trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã lên. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và sông La (Hà Tĩnh) phổ biến lên mức báo động (BĐ)1 - BĐ2; riêng sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Bình có khả năng lên mức BĐ2, BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng, ven sông ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

* Do hoạt động của gió mùa tây nam, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận - Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái-lan tiếp tục có mưa dông mạnh. Sóng biển cao từ 2 đến 3 m; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

* Ngày 13-10, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ủy ban Quốc gia TKCN có Công điện số 28 gửi các địa phương, bộ, ngành có liên quan yêu cầu triển khai thực hiện việc thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của ATNĐ, chủ động phòng, tránh; hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến; tổ chức kiểm đếm và quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Kiểm tra rà soát các khu vực nuôi trồng thủy, hải sản, các hộ dân đang sinh sống ở ven biển, sẵn sàng tổ chức sơ tán, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Các tỉnh ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi tiếp tục triển khai nghiêm túc Công điện số 27, ngày 12-10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và Ủy ban Quốc gia TKCN...

* Cùng ngày, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu, PCTT và TKCN Bộ Công an có Công điện chỉ đạo đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, mưa lũ để chủ động ứng phó; bảo đảm tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, các cơ sở giam giữ; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng công an canh gác, bảo vệ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

* Sáng 13-10, nhận được tin báo yêu cầu cứu nạn của tàu hàng mang số hiệu NĐ 2763, do anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1974, trú tại huyện Thanh Liêm, Hà Nam) làm thuyền trưởng, cùng hai thuyền viên, bị hỏng máy và mắc cạn trên vùng biển Quảng Trị, Đồn Biên phòng cảng Cửa Việt (Quảng Trị) đã huy động cán bộ, chiến sĩ ra cứu hộ. Trước sự ứng cứu kịp thời, ba người trên chiếc tàu gặp nạn đã được đưa vào bờ an toàn, đã ổn định sức khỏe.

* Chiều tối 12-10, tại thôn Phú Vinh, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước xảy ra mưa lớn, lũ quét. Nước lũ đã cuốn trôi em Phan Huyền Bảo Trâm, học sinh lớp 11 Trường THPT Phú Riềng. Sáng 13-10, thi thể của em đã được tìm thấy.

* Theo phản ánh của người nuôi cá trên sông Chà Và thuộc xã đảo Long Sơn, TP Vũng Tàu, ngày 12-10, cá nuôi của các hộ dân bị chết hàng loạt. Hiện tượng cá chết rải rác cũng xảy ra khoảng vài ngày nay.

* Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, chiều 13-10, các lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp các địa phương ven biển kêu gọi gần 2.000 phương tiện tàu, thuyền với hơn 11.360 lao động đánh bắt trên biển về nơi trú ẩn an toàn. Các địa phương trong tỉnh đang tích cực rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân ở các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ven sông, ven biển và vùng gò đồi đến nơi an toàn.

* Theo dự báo diễn biến thủy triều ngày 13-10 của Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, triều cường trên các sông, kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh đang lên nhanh và đạt đỉnh vượt mức báo động 3. Dự báo mực nước đỉnh triều cao nhất sẽ xuất hiện từ ngày 15 đến 17-10, đỉnh triều tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) duy trì ở mức 1,53 m đến 1,65 m (cao hơn mức báo động cấp 3 từ 0,03 m đến 0,15 m). Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP Hồ Chí Minh đề nghị các Sở, ngành, địa phương triển khai các phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn thành phố.

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm