Cập nhật: 24/10/2016 08:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau những ngày vui xuân đón Tết, vừa bắt tay vào sản xuất vụ chiêm xuân, người dân xã Vĩnh Ninh lại nô nức chuẩn bị cho Lễ hội Đền Ngự Dội- Lễ hội độc đáo được hai xã: Trung Hưng (thành phố Sơn Tây, tỉnh Hà Tây) và Vĩnh Ninh (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) phối hợp tổ chức.

Toạ lạc trên một bãi bồi sông Hồng, Đền Ngự Dội được gắn liền với truyền thuyết về Tản viên Sơn thánh. Tục truyền: Vào thế kỷ thứ 18, Đức Tản viên Sơn cùng đại binh qua đây. Đức Ngài ngự lại trên cánh bãi Duy Bình (thôn Duy Bình ngày nay), thấy nơi đây trời đất giao hoà, Đức Ngài truyền hai thôn nữ đang cắt cỏ ven sông gánh nước để Đức ngài ngự dội tẩy bụi trường chinh. Vâng mệnh Đức Ngài, nhưng cả hai thôn nữ ấy vô cùng lo sợ vì họ chỉ có đôi sọt tre đựng cỏ làm sao đựng được nước. Biết vậy, Đức Ngài truyền: “Cứ vợi nước đi, khắc được nước”. Thật lạ lùng, đôi sọt tre dân dã ấy gánh được nước sông Hồng không trào ra một giọt, không sánh một ly. Hai người con gái ấy mới biết: Vị tướng oai phong lẫm liệt trước mặt mình là Đức Thánh. Họ vội về làng loan báo, dân làng tưng bừng ùa ra dâng lễ. Đức Ngài cho phép dâng lễ sống để kịp giờ quân trẩy. Ngày đó nhằm vào rằm tháng Giêng năm Tý. Nhân dân lập đền thờ Đức Ngài, đó là Đền Ngự Dội. Từ đó, lễ Mộc dục và lễ Tiến đốn tại đền Ngự Dội (lễ chính) được tiến hành 3 năm một lần vào các năm: Tý, Ngọ, Mão và Dậu trong vòng một giáp (12 năm). Tám năm còn lại trong giáp, cứ vào giờ Mùi ngày 14 tháng Giêng hàng năm, từ đền Ngự Dội, nhân dân rước kiệu ra sân để thu thuỷ. Chiếc thuyền rước chóe và cờ lệnh vượt qua dòng nước đôi sông Hồng theo hiệu cờ lệnh. Thật lạ kỳ, trong tiết trời mùa xuân lộng gió, cờ tự nhiên rủ xuống rồi bất thần phần phật tung bay. Khi ấy, thuyền mới được đảo 3 vòng rồi thu nước rước về.

Theo lời của người dân địa phương: Bất luận thời tiết thế nào, giờ Mão, sáng rằm tháng Giêng của những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu bao giờ cũng có một đợt gió mạnh từ non Tản thổi thẳng vào cửa Ngự Dội. Và ngày rằm tháng Giêng của 4 năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, nhân dân thập phương nô nức về đền Ngự Dội để cử hành lễ Mộc Dục và lễ Tiến đốn. Lễ Tiến đốn bằng một con lợn sống, được mổ sạch sẽ, để lại một chòm lông gáy, mỡ chài phủ kín và cơi trầu không vào vôi để dâng lên Đức Ngài.

Trải qua những năm chiến tranh, đền Ngự Dội vẫn được nhân dân địa phương gìn giữ, bảo vệ như một di tích lịch sử quý giá. Nhiều liệt sĩ đã ngã xuống tại đây và cả thời kỳ kháng chiến 9 năm, đến Ngự Dội là cơ sở kháng chiến của ta trong vành đai trắng giữa vùng tề ngụy. Đã có một thời, do điều kiện chiến tranh, bát hương thờ phụng Đức Ngài chỉ được đặt trên một miếng ván nhỏ, che nắng che mưa bằng phên gianh lá mía. Gian khổ là vậy, nhưng không một lúc nào nén hương không thơm toả trên bát hương thờ phụng Đức Ngài.

Được phép của Nhà nước và dựa vào công sức của nhân dân, năm 1989, đền Ngự Dội chính thức được xây dựng lại với 3 gian hậu cung; rồi xây thêm nhà Đại Bái, cổng phụ vào đền, tường bao quanh, cổng Tam quan có chạm nổi voi chầu và rước tượng Thánh vào đền... Cửa đền hướng thẳng về Tản Viên Sơn hùng vĩ; trước cửa đền là dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, 2 bên là 2 cánh bãi sa bồi, lưng đền dựa vào đất Tổ Phong Châu, tạo thành dáng Long chầu - Hổ phục. Năm 1994 (Giáp Tuất), Đền được xếp hạng và công nhận Di tính Lịch sử Văn hoá cấp tỉnh. Cho đến nay, tuy không còn vẻ cổ kính và chưa thật khang trang, nhưng Đền Ngự Dội vẫn luôn toát lên sự tôn nghiêm, thành kính. Và dù là truyền thuyết, song đền Ngự Dội luôn là biểu tượng thiêng liêng, niềm tự hào của người dân Vĩnh Ninh nói riêng về đức Thánh Tản trên đường độ thế, giúp dân.

Do vậy, thành lệ, hàng năm, không chỉ người dân địa phương, mà du khách ở mọi nơi đều về đây trẩy hội, cầu an tưng bừng náo nhiệt. Từ năm 1996, lễ hội Đền Ngự Dội được tổ chức theo vùng. Cứ vào dịp rằm tháng Giêng của 4 năm chính, nhân dân xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) và xã Trung Hưng, thành phố Sơn Tây đều tổ chức rước kiệu từ Đền Và (Sơn Tây) về Ngự Dội (Vĩnh Tường). Những năm gần đây, không chỉ chờ đến ngày rằm tháng Giêng, mà ngay từ khi Tết ra (khoảng từ mùng 3, mùng 4 cho đến rằm), người dân các nơi đã đến lễ đền. Năm nay - năm Quý Tỵ, tuy không phải là năm chính của Lễ hội Đền Ngự Dội, song người dân Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường) và Trung Hưng (Sơn Tây) vẫn nhộn nhịp, nô nức chuẩn bị cho  ngày hội với tất cả lòng thành kính, sự biết ơn và tâm nguyện tìm về cội nguồn dân tộc. Lễ rước nước, “rước kiệu Thánh” Đền Ngự Dội đã trở thành một nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, hội tụ sức mạnh của cộng đồng và khát vọng về sự no ấm của người dân trong vùng trong sự phát triển của dân tộc; đồng thời, tôn vinh những giá trị văn hoá và tạo không khí vui tươi, động viên quần chúng nhân dân lao động sản xuất.

Được dự ngày chính hội Đền Ngự Dội, được ôn lại truyền thuyết về Đức Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh - con rể Vua Hùng), vị Tổ của bách thần phương Nam, cũng là vị thần đứng đầu Tứ bất tử đã từng ngự lại trên đất Vĩnh Ninh, Vĩnh Tường, ai cũng có quyền tự hào về một giá trị văn hoá- Lễ hội truyền thống. Sự kiện truyền kỳ đó đã viết thêm vào trang Ngọc phả của Vĩnh Tường những dòng truyền tụng uy linh, dung dị và một bản sắc văn hoá của một miền quê giàu truyền thống, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Vịêt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.

 

 ST

 

Tệp đính kèm