Hội chứng đau bụng khá đặc trưng, xảy ra từ lúc sắp thấy kinh, nhưng thường là trong khi hành kinh. Cơn đau thắt tập trung ở vùng bụng dưới, mức độ đau thường âm ỉ cả ngày.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Hội chứng đau bụng khá đặc trưng, xảy ra từ lúc sắp thấy kinh, nhưng thường là trong khi hành kinh. Cơn đau thắt tập trung ở vùng bụng dưới, mức độ đau thường âm ỉ cả ngày, nhưng có lúc xuất hiện cơn đau dữ dội. Cơn đau có thể lan sau lưng, lan xuống hai đùi và phía âm hộ. Ngày đau nhiều cũng thường là ngày có lượng máu ra nhiều. Sau đó, máu kinh giảm dần thì đau cũng giảm đi và thấy dễ chịu hơn. Kèm theo đau bụng kinh, một số trường hợp còn bị nhức đầu, căng vú, buồn nôn, nôn.
Người ta chia thống kinh ra làm hai loại: thống kinh nguyên phát và thống kinh thứ phát. Thống kinh nguyên phát có liên quan đến phóng noãn, do cơ tử cung co thắt mạnh, do nội mạc tử cung sản sinh ra nhiều prostaglandin. Thống kinh thứ phát thì có liên quan đến hàng loạt bệnh lý.
Có đến 20 - 25% em gái tuổi dậy thì bị thống kinh (nguyên phát) ở các mức độ khác nhau trong những năm đầu hành kinh. Nguyên nhân thống kinh nguyên phát là do prostaglandin gây nên, các acid béo không bão hòa có hoạt tính sinh học cao kiểu hormon kích thích co cơ trơn tử cung và ruột non... Prostaglandin được sản sinh ra nhiều ở màng lót bên trong buồng tử cung (nội mạc tử cung), người ta nhận thấy tại màng tử cung của những thiếu nữ thống kinh, chất này tăng cao hơn rất nhiều so với người không bị thống kinh. Prostaglandin được phóng thích ra nhiều trong 48 giờ đầu của hành kinh trùng trường hợp với những lúc đau bụng kinh nhiều nhất.
Về điều trị khống chế cơn đau có thể dùng một trong các thuốc sau:
Thuốc nội tiết tố sinh dục nữ: Đứng đầu bảng là dùng viên thuốc tránh thai kết hợp (có cả progesteron và estrogen) điều trị đau bụng kinh rất tốt, nhất là với lứa tuổi dậy thì. Thuốc có tác dụng làm giảm sự tổng hợp chế xuất prostaglandin, làm nội mạc tử cung kém phát triển, có tác dụng giảm đau rõ rệt.
Các thuốc giảm co thắt, giãn cơ: Dùng alverin, dipropyline, drotaverine... là các loại thuốc điều trị triệu chứng có tác dụng làm giãn các cơ co thắt của tử cung nên làm giảm đau.
Thuốc ức chế tổng hợp prostaglandin: Những người không muốn dùng thuốc tránh thai viên kết hợp, nếu không có bệnh dạ dày - tá tràng thì có thể dùng các thuốc giảm đau không steroid như: ibuprofen, naproxen, mefenamic acid, indomethacin... Cơ chế tác động của các thuốc này là ức chế sự sinh tổng hợp prostaglandin nguồn gốc của sự co thắt tử cung gây đau. Trong số các thuốc giảm đau loại này thì mefenamic acid có hiệu quả rất tốt và ít có tác dụng phụ nhất. Tiếp đó là ibuprofen, naproxen cũng là những thuốc tốt có tác dụng giảm đau trong thống kinh rõ rệt và ít tác dụng phụ. Nên uống thuốc từ 2 - 3 ngày trước khi có kinh để hạn chế sản sinh prostaglandin ở niêm mạc tử cung. Nếu uống thuốc trước khi bắt đầu hành kinh cũng vẫn tốt. Đa số người thống kinh chỉ cần uống thuốc 2 -3 ngày là khỏi đau.
Riêng với aspirin tuy có tác dụng giảm đau, nhưng tử cung tỏ ra kém nhạy cảm với thuốc này và nó còn làm tăng lượng máu kinh, nên ít được dùng.
Một số thuốc khác: Một số phụ nữ quá nhạy cảm, sức chịu đựng đau kém, dễ kích thích, hơi một chút cũng đau thì có thể dùng một ít thuốc an thần diazepam, canxi, vitamin D2, D3, vitamin C để giảm kích thích; kết hợp với tập luyện cho ngưỡng chịu đựng quen dần.
Nếu uống thuốc vẫn không khỏi đau thì cần làm các xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân bệnh lý gây thống kinh (thứ phát), việc điều trị tùy theo nguyên nhân.
BS. Vũ Hướng Văn
Theo suckhoedoisong.vn