Cập nhật: 31/10/2016 08:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Có nhiều yếu tố dễ dẫn đến chuyển dạ sinh non. Một vài yếu tố có thể điều trị được, một số yếu tố khác không thể thay đổi.

Có nhiều yếu tố dễ dẫn đến chuyển dạ sinh non. Một vài yếu tố có thể điều trị được, một số yếu tố khác không thể thay đổi. Xác định yếu tố dẫn đến chuyển dạ sinh non tự nhiên trước khi mang thai hoặc đang có thai sớm (trong 3 tháng đầu thai kỳ) có thể giúp bác sĩ điều trị và ngăn chặn các biến chứng của sinh non.

 

Tiền căn sinh non nhiều lần

Tiền căn sinh non là yếu tố mạnh nhất dẫn đến sinh non trong lần mang thai tới, thời điểm sinh non thường xảy ra trùng với thời điểm sinh non lần trước.

Một loạt nghiên cứu cho thấy rằng nếu sản phụ tiền căn có sinh non 1 lần thì tỉ lệ sinh non ở lần sau là 15 - 30%, nếu tiền căn sinh non 2 lần thì tỉ lệ sinh non lần sau là 60%. Nếu sau khi sinh non 1 lần, sản phụ đã sinh đủ tháng được 1 lần thì nguy cơ sinh non lần mang thai kế tiếp sẽ giảm nhiều.

Có 2 nghiên cứu cho thấy rằng khoảng 5 - 7% những trường hợp đã sinh non sẽ bị tái phát khi mang thai lần tiếp theo. Nghiên cứu này cũng cho thấy nếu sản phụ không có tiền căn sinh non thì nguy cơ bị sinh non ở lần mang thai này là khoảng 0,2 - 0,8%.

Một nghiên cứu đoàn hệ đánh giá hình thái sinh non của lần mang thai trước với nguy cơ tái phát tình trạng sinh non ở lần mang thai kế tiếp cho thấy rằng: nếu lần mang thai trước sản phụ bị sinh non tự nhiên thì ở lần mang thai này, tỉ lệ bị sinh non là 31,6%, nếu lần mang thai trước sản phụ sinh non do có chỉ định chấm dứt thai kỳ thì lần mang thai này tỉ lệ sinh non là 23%. Một sản phụ nếu lần mang thai trước bị chuyển dạ sinh non tự nhiên thì ở lần mang thai này, nguy cơ chuyển dạ sinh non tự nhiên tăng gấp 5 - 6 lần và nguy cơ sinh non do chỉ định chấm dứt thai kỳ cũng tăng nhẹ. Một sản phụ lần mang thai trước có chỉ định sinh non thì ở lần này, nguy cơ chỉ định sinh non tăng và nguy cơ chuyển dạ sinh non tự nhiên cũng tăng.

Một sản phụ song thai nếu lần mang thai trước đó bị sinh non thì lần mang thai này, tỉ lệ sinh non sẽ cao hơn so với những sản phụ song thai mà lần mang thai trước đó sinh đủ tháng (67,3% so với 20,9%).

 

Đa thai chiếm khoảng 17% những trường hợp sinh dưới 37 tuần

Tiền căn sảy thai

Một thống kê hệ thống cho thấy những nhóm tiền căn có phá thai thì tỉ lệ bị sinh non cao hơn nhóm tiền căn không có phá thai (8,7% so với 6,8%), nguy cơ sinh non cũng sẽ tăng theo số lần phá thai.

Sảy thai tự nhiên, đặc biệt ở những trường hợp tái phát nhiều lần hoặc sảy thai tự nhiên trong 3 tháng giữa thai kỳ cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ sinh non.

Hỗ trợ sinh sản

Thai kỳ từ các phương pháp hỗ trợ sinh sản cũng có nguy cơ cao sinh non, nguyên nhân là tỉ lệ đa thai ở những thai kỳ có áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản cao hơn.

Đa thai

Đa thai chiếm khoảng 2 - 3% ca sinh nhưng chiếm khoảng 17% những trường hợp sinh dưới 37 tuần và chiếm khoảng 23% những trường hợp sinh dưới 32 tuần. Ngày nay, do tỉ lệ áp dụng các phương pháp  hỗ trợ sinh sản tăng, nên tỉ lệ đa thai cũng tăng, hậu quả là tỉ lệ chuyển dạ sinh non cũng tăng. Đa thai gây sinh non có thể là do tử cung căng quá mức, tăng thể tích trong buồng tử cung hoặc do cổ tử cung bị yếu. Ngoài ra, còn có các yếu tố đặc biệt khác có thể ảnh hưởng đến tình trạng chuyển dạ sinh non, ví dụ: trong những trường hợp song thai, nồng độ estrogen, progesterone và steroid tăng hơn so với những trường hợp đơn thai.

Xuất huyết âm đạo

Xuất huyết âm đạo ở 3 tháng đầu hoặc 3 tháng giữa thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh non và vỡ ối non khi thai non tháng. Những sản phụ có tình trạng xuất huyết trong 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ cao chuyển dạ sinh non hơn những trường hợp khác.

Nhiễm trùng

Những nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau (dịch tễ học, mô bệnh học, vi sinh…) đều cho thấy rằng có mối liên hệ giữa tình trạng viêm nhiễm với chuyển dạ sinh non.

Nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng:

Chưa có bằng chứng rõ ràng tình trạng nhiễm khuẩn niệu có liên quan đến chuyển dạ sinh non. Một nghiên cứu của Cardiff Birth Survey bao gồm 25.000 ca sinh trong giai đoạn 1970 - 1979 cho thấy nhiễm khuẩn niệu không liên quan đáng kể đến tình trạng chuyển dạ sinh non chung và chuyển dạ sinh non tự. Trong một vài nghiên cứu cho thấy rằng điều trị nhiễm khuẩn niệu sẽ làm giảm tỉ lệ viêm thận - bể thận và sẽ làm giảm tỉ lệ chuyển dạ sinh non.

Nhiễm trùng khác:

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng có mối liên quan giữa chuyển dạ sinh non và nhiễm trùng như nhiễm Streptococcus nhóm B, Chlamydia trachomatis, viêm âm đạo do vi khuẩn, lậu cầu, giang mai và Trichomonas vaginalis.

Chế độ sinh hoạt

Sinh hoạt hàng ngày và làm việc:

Nếu người mẹ làm việc nhiều, có thể làm tăng nguy cơ sinh non; nguyên nhân có thể là do máu tới tử cung ít, cơ thể tăng cường tổng hợp các hoóc-môn (ví dụ: corticotropin - releasing hormone, catecholamine). Tuy nhiên, cho đến nay mối liên quan giữa các hoạt động của sản phụ với sinh non chưa rõ ràng.

Một nghiên cứu hồi cứu bao gồm 8.711 sản phụ đơn thai. Kết quả cho thấy nhóm sản phụ đi hoặc đứng làm việc > 5 giờ/ngày thì nguy cơ sinh non cao hơn nhóm sản phụ đi hoặc đứng làm việc < 2 giờ/ngày. Một nghiên cứu về mối liên quan của tình trạng căng thẳng trong nghề nghiệp và tình trạng sinh non do chuyển dạ sinh non tự nhiên, ối vỡ non hoặc phải khởi phát chuyển dạ do chỉ định y khoa. Tổng cộng, có 2.929 sản phụ đơn thai tuổi thai 22 - 24 tuần. Các yếu tố được ghi nhận: thời gian làm việc mỗi tuần, các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp như: tư thế làm việc, làm việc với máy móc công nghiệp, làm việc quá sức, áp lực về tinh thần và tác động của môi trường làm việc. Kết quả:

- Yếu tố liên quan đến nghề nghiệp không ảnh hưởng đến tình trạng chuyển dạ sinh non tự nhiên hoặc chỉ định khởi phát chuyển dạ khi thai non tháng ở 2 nhóm con so và con rạ.

- Tình trạng tăng số giờ làm việc mỗi tuần sẽ làm tăng đáng kể tình trạng chuyển dạ sinh non ở người con so.

- Các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp làm tăng tình trạng ối vỡ khi thai non tháng (các yếu tố này độc lập với nhau) ở những người con so, còn ở người con rạ thì không thấy.

Những nghiên cứu khác cho thấy tư thế làm việc (đứng lâu), thời gian làm việc trong tuần nhiều (> 36 giờ/tuần, > 45 giờ/tuần), nâng vật nặng, làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn… cũng là những yếu tố thuận lợi làm chuyển dạ sinh non.

Làm việc quá nhiều (> 40 giờ/tuần), làm việc trái giờ (làm ngoài giờ từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều), công việc bắt buộc phải đứng lâu (đứng liên tục > 3 - 4 giờ/ngày), nâng vật nặng là các yếu tố có thể gây sinh non, thai nhỏ hơn tuổi thai, sẩy thai và phần nào làm huyết áp tăng cao trong thai kỳ.

Một nghiên cứu khác cho thấy rằng:

- Trong 100 sản phụ làm việc > 40 giờ: nguy cơ sinh non là 1,2 (95% CI 0,3 - 2,2). Nguy cơ sảy thai là 2,0 (95% CI -2,4 đến 8,5). Không tăng nguy cơ thai nhỏ hơn tuổi thai.

- Trong 100 sản phụ làm việc ngoài giờ (làm ban đêm, chiều tối hoặc xoay vòng): nguy cơ sinh non là 0,3 (95% CI -0,4 đến 1,0). Nguy cơ sảy thai là 1,4 (95% CI -0,5 - 3,6), nguy cơ này tăng cao nếu làm việc thường xuyên vào ban đêm. Không tăng nguy cơ thai chậm tăng trưởng trong tử cung.

- Trong 100 sản phụ đứng lâu khi làm việc (≥ 4 giờ/ngày): nguy cơ sinh non là 0,9. Nguy cơ sảy thai là 1,9 (95% CI 0,1 - 3,8). Nguy cơ thai chậm tăng trưởng trong tử cung là 1,6.

- Trong 100 sản phụ phải nâng vật nặng khi làm việc: nguy cơ sinh non là 0,1 (khoảng tứ phân vị - interquartile range -0,7 - 2,0). Nguy cơ sảy thai là 0,2 (khoảng tứ phân vị -3,2 - 5,3). Nguy cơ thai chậm tăng trưởng trong tử cung là 0,8 (khoảng tứ phân vị 0,4 - 1,6).

Trong 100 sản phụ làm việc nặng quá sức: nguy cơ sinh non là 0,7 (khoảng tứ phân vị 0,3 - 1,1). Nguy cơ sảy thai là 1,4 (khoảng tứ phân vị -8,2 đến 2,4). Không tăng nguy cơ thai chậm tăng trưởng trong tử cung (khoảng tứ phân vị -0,4 - 0,0).

Quan hệ tình dục:

Quan hệ tình dục không là yếu tố nguy cơ gây sinh non. Tuy nhiên, ở những sản phụ có yếu tố thuận lợi gây chuyển dạ sinh non như tiền căn đã sinh non, cổ tử cung ngắn, đa thai, đa ối, nhau tiền đạo thì không nên quan hệ tình dục.

Chế độ ăn:

Chế độ ăn không ảnh hưởng đến chuyển dạ sinh non. Một vài nghiên cứu (không phải là tất cả) cho thấy rằng nếu sản phụ ít dùng đồ biển hoặc axít béo omega-3 (n-3) thì nguy cơ chuyển dạ sinh non cao hơn. Một nghiên cứu hồi cứu về dịch tễ học trên 8.729 phụ nữ Đan Mạch không dùng dầu cá thì tỉ lệ chuyển dạ sinh non cao hơn nhóm có dùng dầu cá (7,1% so với 3 - 4%).

Cân nặng của sản phụ:

Sản phụ có cân nặng trước khi mang thai quá mức hoặc BMI cao cũng làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non. Những sản phụ béo phì sẽ tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non do có các biến chứng nội khoa. Béo phì trước khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ ối vỡ non khi thai non tháng.

Béo phì liên quan đến những bệnh lý nội khoa như: cao huyết áp trong thai kì, tiền sản giật, đái tháo đường trong thai kỳ. Một tổng quan hệ thống thực hiện vào năm 2010 cho thấy rằng những trường hợp béo phì trong thai kỳ làm tăng nguy cơ chỉ định khởi phát chuyển dạ khi thai non tháng hơn so với những trường hợp có BMI bình thường và nguy cơ này tăng tương ứng với tình trạng tăng cân của người mẹ. Tuy nhiên, tỉ lệ chuyển dạ sinh non tự nhiên không khác nhau giữa các nhóm. Một tổng quan hệ thống thực hiện vào năm 2009, sau khi loại trừ các yếu tố nhiễu như: chủng tộc, tuổi, số con và tình trạng hút thuốc cho thấy không có mối liên hệ giữa trọng lượng sản phụ trước khi mang thai với tình trạng chuyển dạ sinh non tự nhiên (thai < 37 tuần), 3 nghiên cứu đoàn hệ bao gồm 18.063 phụ nữ). Tuy nhiên, một nghiên cứu đoàn hệ trong cộng đồng (thực hiện năm 2013) bao gồm 1,5 triệu sản phụ đơn thai cho thấy thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ khởi phát chuyển dạ do chỉ định y khoa ở mọi tuổi thai và làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non khi tuổi thai 22 - 27 tuần.

Hút thuốc:

Hút thuốc có liên quan đến nguy cơ sinh non. Trong một nghiên cứu tiền cứu cho thấy rằng nếu người mẹ hút 1 - 9 điếu thuốc/ngày sẽ làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non ở thai 33 - 36 tuần, nguy cơ chuyển dạ sinh non cũng tăng khi thai nhỏ hơn 32 tuần. Nếu người mẹ hút > 10 điếu thuốc/ngày, nguy cơ sinh non sẽ tăng với OR = 1,4 (95% CI 1,3-1,4) khi thai 33 - 36 tuần và OR = 1,6 (95% CI 1,4-1,8) khi thai nhỏ hơn 32 tuần. Sự tác động này có thể giải thích là do khi sản phụ hút thuốc sẽ làm tăng tỉ lệ nhau bong non, nhau tiền đạo, vỡ màng ối non và thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Với những trường hợp này, đôi khi cần phải chấm dứt thai kỳ khi thai non tháng.

Stress:

Khi người mẹ bị áp lực tâm lý sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, các nghiên cứu cho thấy rằng nguy cơ tăng gấp 1,5 - 2 lần ở những sản phụ bị áp lực tâm lý.

Yếu tố cổ tử cung và tử cung

Cổ tử cung ngắn:

Có mối liên quan giữa chiều dài cổ tử cung đo bằng siêu âm và tuổi thai khi sinh. Khi chiều dài cổ tử cung ≤ 35mm, ≤ 30mm, ≤ 26mm, ≤ 20mm và ≤ 13mm thì nguy cơ sinh non lần lượt là 2,35%, 3,79%, 6,19%, 9,49% và 13,99%. Chiều dài cổ tử cung đo ở tuần 16 - 28 ngắn là yếu tố nguy cơ chuyển dạ sinh non.

Phẫu thuật trên cổ tử cung:

Khoét chóp cổ tử cung trong những bệnh lý ở cổ tử cung có liên quan rất nhiều đến nguy cơ sảy thai muộn hoặc sinh non. Khi khoét chóp thì một lượng lớn sợi collagen ở cổ tử cung bị mất, làm giảm khả năng chịu đựng của cổ tử cung, dẫn đến chuyển dạ sinh non và sinh non. Mặt khác, khoét chóp sẽ làm mất các tuyến ở cổ tử cung;  khi có thai, cổ tử cung sẽ không hình thành được nút nhầy, hậu quả là tăng nguy cơ nhiễm trùng màng ối và tăng nguy cơ ối vỡ non và chuyển dạ sinh non. Ngoài ra, những vết sẹo trên cổ tử cung làm cổ tử cung không mềm mại, làm tăng tỉ lệ ối vỡ non.

Tử cung:

Tử cung dị dạng bẩm sinh hay mắc phải có liên quan đến sinh non và nguy cơ này phụ thuộc vào tình trạng bất thường của tử cung. Ở những trường hợp tử cung 1 sừng, tỉ lệ sinh non là 17%. Sản phụ có tử cung đôi có nguy cơ chuyển dạ sinh non cao hơn so với sản phụ có tử cung bình thường (29% so với 3%). Những nghiên cứu về mối liên quan giữa kích thước nhân xơ và tình trạng sinh non cho thấy rằng những khối nhân xơ có kích thước ≥ 5 - 6cm sẽ làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non, nguyên nhân có thể là nhân xơ này làm giảm thể tích buồng tử cung. Một số nguyên nhân từ tử cung gây chuyển dạ sinh non có thể điều trị bằng phẫu thuật như: vách ngăn tử cung, tử cung 2 sừng, dính buồng tử cung, nhân xơ tử cung.

 

Bệnh lý mạn tính của người mẹ có liên quan đến tình trạng sinh non

Bệnh lý của mẹ

Bệnh lý mạn tính của người mẹ:

Bệnh lý mạn tính của người mẹ có liên quan đến tình trạng sinh non do yếu tố của người mẹ hoặc con, ví dụ: cao huyết áp trong thai kỳ, bệnh lý thận, đái tháo đường týp 1.

Bệnh tự miễn:

Có những bằng chứng cho thấy một vài bệnh lý tự miễn sẽ làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non (ví dụ: bệnh lý tuyến giáp tự miễn, bệnh nhiễm khuẩn đường ruột). Tuy nhiên, mối liên quan giữa các bệnh tự miễn và sinh non cần được nghiên cứu thêm.

Thiếu máu:

Một nghiên cứu đoàn hệ bao gồm 173.031 sản phụ cho thấy rằng những sản phụ thiếu máu nặng (Hb < 9,5 g/dL) ở tuần thứ 12 của thai kỳ sẽ tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non (OR = 1,68, 95% CI 1,29 - 2,21). Một phân tích gộp cũng cho kết quả tương tự là có sự tăng nhẹ tỉ lệ sinh non ở những trường hợp thiếu máu nhẹ (OR = 1,32, 95% CI 1,01-1,74), ở những trường hợp này thường là thiếu máu ở giai đoạn sớm của thai kỳ. Thiếu máu ở 3 tháng cuối thai kỳ thường không liên quan đến sinh non.

Do thai

Thai chậm tăng trưởng trong tử cung.

Thai chậm tăng trưởng trong tử cung cũng có liên quan đến sinh non tự nhiên hoặc chỉ định chấm dứt thai kỳ khi thai non tháng.

Thai dị dạng:

Thai dị dạng là một trong những nguyên nhân gây sinh non. Nguyên nhân có thể là hậu quả của dị dạng thai làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non (đa ối do hẹp thực quản) hoặc do dị dạng có chỉ định chấm dứt thai kỳ sớm.

Giới tính của thai nhi:

Giới tính nam cũng là yếu tố thuận lợi của sinh non tự nhiên. Hai nghiên cứu về mô học của bánh nhau cho thấy rằng bánh nhau của bé trai có tỉ lệ viêm mạn tính nhiều hơn bánh nhau của bé gái. Tác giả cho rằng có thể hệ thống miễn dịch của người mẹ đáp ứng với mô của bé trai nhiều hơn bé gái.

BS. NGUYỄN QUỐC TUẤN

(Đại học Y Dược Cần Thơ)

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm