Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 30/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: aicgs.org)
Nhằm bảo đảm an ninh trật tự và quyền lợi của nhân dân, nâng cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các quy định không phù hợp với tình hình thực tế trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Xử lý nghiêm các tổ chức chưa đăng ký hoạt động
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) về việc đáp ứng điều kiện kinh doanh các mặt hàng của doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc thẩm quyền quản lý do pháp luật quy định.
Thủ tướng còn yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, các hoạt động khuyến mại, quảng cáo, hội nghị, hội thảo, tuyên truyền về các sản phẩm được phép kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định.
Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các cấp chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, đánh giá nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, đặc biệt là hàng hóa được sản xuất, gia công trong nước.
Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các cấp tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp hoặc lợi dụng kinh doanh đa cấp biến tướng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, gian lận thương mại buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, huy động tài chính trái phép, kinh doanh trái phép… trên phạm vi cả nước để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa chung, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Giám sát chặt quá trình xuất, nhập khẩu và kinh doanh
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung quy định về xử lý hình sự đối với hoạt động của các doanh nghiệp sử dụng mô hình đa cấp để kinh doanh trái phép.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm và sản phẩm khác của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp thuộc phạm vi thẩm quyền được pháp luật quy định.
Bộ Tài chính công khai thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về kết quả thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn toàn quốc.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị có liên quan thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra để xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi thẩm quyền được pháp luật quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm trong quá trình sản xuất, gia công, sang chai, chiết xuất, đóng gói, nhập khẩu kinh doanh, vận chuyển, quảng cáo đối với các sản phẩm của các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc phạm vi thẩm quyền được pháp luật quy định, đặc biệt chú trọng vào sản phẩm phân bón.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tuân thủ các quy định về xác nhận, quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo quy định tại Điều 29 Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014; phong tỏa tài khoản, kịp thời ngăn chặn tổ chức, cá nhân liên quan tẩu tán tài sản, tạo thuận lợi cho công tác điều tra, xử lý và thu hồi tài sản phạm tội trong hoạt động kinh doanh đa cấp.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng các cấp tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xác minh, điều tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp và các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với mọi loại hình như dịch vụ và các hình thức kinh doanh đa cấp trái pháp luật khác trên địa bàn, trong đó chú trọng vào các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo.
Ngoài ra, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp và những thủ đoạn lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để người dân, người tham gia bán hàng đa cấp chủ động phòng ngừa, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính, bán hàng đa cấp khi chưa đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động bán hàng đa cấp nói chung và pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp trên địa bàn để từ đó tuân thủ các quy định của pháp luật./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/xu-ly-nghiem-doanh-nghiep-chua-dang-ky-hoat-dong-ban-hang-da-cap/413682.vnp