Cập nhật: 01/11/2016 09:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

 Nhân Đạo là một xã miền núi nằm ở phía Tây Bắc huyện Sông Lô, được biết đến là một địa phương còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống lâu đời. Xã có 01 ngôi đình và 01 ngôi chùa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm, nhân dân trong xã tổ chức lễ hội Đình Chung được tổ chức vào ngày mùng 2 tháng 2 (âm lịch). Đình thờ vị tướng Lữ Gia chống giặc nhà Hán xâm lược nước ta cuối thế kỷ thứ II trước Công nguyên. Trong ngày này, dân làng chuẩn bị rất nhiều lễ vật để dâng tế thần hoàng làng, nhưng trong đó có một thứ lễ vật không thể thiếu được đó chính là bánh nẳng.

Các cụ xưa có câu ca "Bánh nẳng chợ Tràng, bánh gạo rang Tiên Lữ" để ca ngợi hai món bánh ngon nổi tiếng vùng Lập Thạch cũ. Chợ Tràng chính là chợ Đạo Nội- Nhân Đạo ngày nay. Bánh nẳng là loại bánh dân dã thường được làm trong những dịp lễ tết, nguyên liệu chính để làm nên bánh nẳng thường là gạo nếp vàng, hạt tròn, mùi thơm, dẻo. Tuy nhiên, để bánh nẳng thơm và ngon phụ thuộc rất nhiều vào nước nẳng, đây được xem là bí quyết để làm nên thương hiệu “bánh nẳng chợ Tràng”.

Nước nẳng được chưng cất bằng các loại lá cây, vỏ cây, vỏ quả từ tự nhiên của rừng núi như: cây mận, cây bưởi, cây sở, cây chảu, cây si... thuộc những loại cây có vị chát, nhiều tinh dầu. Các loại cành lá trên được chặt mang về đem đốt lấy tro, khi tro đã nguội đem dần nhỏ, hòa tro vào chậu nước, đánh đều, lọc lấy nước trong. Khi ngâm phải ngâm trong đồ sành, sứ, không để trong đồ nhựa hay kim loại sẽ làm ảnh hưởng đến màu sắc, mùi vị của nước nẳng. Đặc biệt là nếu muốn có màu sắc như  ý muốn, người làm bánh có thể thêm hay bớt các loại lá cây khi dùng đốt nẳng, nếu muốn bánh có màu vàng mịn thì cho nhiều lá táo, lá bưởi, muốn bánh có màu vàng óng như mật ong thì cho nhiều lá cây chảu và cây sở...

Gạo sau khi làm sạch cho vào ngâm với nước nẳng từ 8- 10 tiếng trong đồ sành sứ. Khi đã ngâm nẳng đủ thời gian, vớt gạo ra để dóc nước cho khô rồi gói bằng lá chít đã rửa sạchvà luộc kỹ. Công đoạn gói bánh cũng đặc biệt cầu kỳ, phải chuẩn bị mâm gỗ hoặc nia, mẹt để gói bánh chứ không được gói bằng mâm nhôm. Mỗi chiếc bánh sẽ gói bằng 6 lá chít, giải lá đều trên mâm, bên ngoài đã đặt lớp lạt cốt bằng cây giang đã trẻ nhỏ, đổ gạo vào giữa lớp lá vừa giải, dàn gạo ra cho đầu đuôi bằng nhau. Quấn bánh tròn như ống tre, đường kính khoảng 3cm, dài 20cm là vừa. Có một cách gói khác nữa là buộc túm 2 đầu như gói bánh tẻ, ở giữa dàng dây buộc để cố định bánh. Theo kinh nghiệm của các bà, các chị làm bánh ở Nhân Đạo thì khi gói, lạt quấn vừa tay để tránh khi gạo nở làm vỡ bánh hoặc bóc ra có vết lằn trên bánh; làm như vậy khi chín bánh nở ra sẽ có độ rền, dẻo.

Bánh gói xong, xếp vào nồi, cứ mỗi lượt bánh rải một lượt măng tre, loại măng nhánh non, nhỏ bằng ngón tay. Khi luộc phải đổ thêm nước liên tục, nước phải ngập phần bánh trong nồi, không được để cạn, đến lúc sôi hạ nhỏ lửa để bánh chín rền hơn. Thời gian luộc bánh ít nhất 6 tiếng đồng hồ, vớt ra bóc thấy hạt gạo đã nhừ, dính vào nhau vàng như sáp ong là được. Khi bánh chín vớt ra để nguội, dùng tay lăn bánh cho tròn đều và thêm rền. 

Bóc từng lớp lá chít ra, người ăn đã cảm nhận được vị thơm ngon từ miếng bánh của núi rừng, mùi thơm của gạo nếp quyện hòa với mùi vị nhẹ nhàng đầy quyến rũ, kết hợp với vị mát dịu đặc trưng của các loại cây làm nước nẳng, mùi thoang thoảng của lá chít khiến bánh nẳng càng hấp dẫn hơn.

Bánh nẳng thường được cắt bằng lạt giang tước nhỏ, một đầu cắn vào răng, một đầu cầm tay đặt dây vào bánh cỡ 1cm, khoanh dây quanh bánh, kéo nhẹ tay, bánh sẽ đứt ra, xếp từng khoanh vào đĩa.  Bánh nẳng đạt đúng tiêu chuẩn để trong một tuần vẫn dẻo; khi bóc ra, bánh không còn hình hạt gạo, cầm trên tay bánh cong như cầu vồng không bị gục, có màu vàng như hổ phách. Một thứ gia vị ăn kèm với bánh nẳng không thể thiếu được đó chính là mật mía, tốt nhất là loại mật mía “sếp quân bài”, tức là khi chắt ra, từng lớp mật chồng lên nhau như sếp quân bài, nhìn mật có độ sánh và khi ăn có vị ngọt như mật ong.

Nếu ai đã từng được thưởng thức, sẽ cảm nhận được hương vị tinh túy nhất của trời đất ẩn trong miếng bánh, chắc chắn rằng hương vị đặc trưng của bánh nẳng Nhân Đạo sẽ lưu mãi trong tâm trí dù chỉ một lần thưởng thức.

 

ST

Tệp đính kèm