Tuy số tiền đền bù chưa thể trả lại sự cân bằng cho cuộc sống người dân Hà Tĩnh nhưng đã đem đến tín hiệu vui cho những người dân vùng biển.
Người dân 4 tỉnh miền Trung gặp nhiều khó khăn về cuộc sống sau sự cố môi trường do Formosa gây ra
Sau sự cố môi trường biển do Công ty Formosa gây ra, mấy ngày nay, bà con ngư dân Hà Tĩnh đã chính thức được nhận tiền đền bù. Tuy số tiền đền bù chưa thể trả lại sự cân bằng cho cuộc sống người dân nhưng đã đem đến tín hiệu vui cho những người dân vùng biển.
Ông Lê Văn Thịnh, ngư dân ở xóm Quang Trung, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh không giấu nổi niềm xúc động khi mà chỉ cách đây mấy tháng, gia đình ông tan tác bởi sự cố môi trường biển do Công ty Formosa gây ra. Hộ ông có 4 nhân khẩu thì có 2 người phải ra tận Hải Phòng đi làm thuê kiếm sống. Ông bám trụ ở lại với khoản nợ gần 100 triệu đồng nghĩ sẽ không còn cách nào trả khi cá đánh dưới biển lên không bán được, thu nhập bấp bênh.
Ông Võ Hồng Hanh, ở xóm Yên Điềm còn cám cảnh hơn, nhà có 7 người thì 5 người đi vào Nam làm thuê, còn lại 2 vợ chồng ông hưởng trợ cấp 15 kg gạo mỗi tháng cho mỗi khẩu. Ông Lê Văn Thịnh khi được nhận 100 triệu đồng đã tính ngay đến việc trả nợ vì năm ngoái ông đầu tư sửa chữa tàu thuyền, ngư lưới cụ.
Tuy số tiền đền bù chưa thể trả lại sự cân bằng cho người dân như trước đây, nhưng bà con ngư cũng đã nhận thấy rằng, Chính phủ luôn ở bên cạnh người dân và không để mặc dân như một số đối tượng xấu xuyên tạc lợi dụng, kích động.
Tại cuộc tiếp xúc với ngư dân huyện Lộc Hà, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: “Ai đó cho rằng, Chính phủ thiếu trách nhiệm với dân và bao che cho Formosa là nhận định hoàn toàn sai lầm, không đúng đắn, thậm chí là thiếu xây dựng. Chắc chắn bà con ở đây cũng biết, cũng thấy sự nỗ lực của Chính phủ, đồng thời có sự vào cuộc rất quyết liệt của hệ thống chính trị, Mặt trận đoàn thể các cấp, chính quyền địa phương các cấp. Sau khi sự cố môi trường xảy ra, Chính phủ ban hành ngay các quyết định hỗ trợ gạo cho bà con, rồi Mặt trận đoàn thể các cấp vận động chính quyền địa phương hỗ trợ cho bà con”.
Trong đợt chi trả đầu tiên này, xã Thịnh Lộc tiến hành chi trả cho 743 đối tượng theo 3 nhóm cơ bản. Đó là nhóm lao động tàu thuyền, lao động buôn bán, đánh bắt gần, cào nạo sò và nhóm lao động làm thuê tại các cơ sở chế biến, với hơn 19 tỷ đồng trong thời gian 7 ngày. Để làm tốt việc này, xã đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng, niêm yết danh sách hộ dân từ các thôn, quyết không để sót một người dân đủ tiêu chuẩn và cũng không để ai lợi dụng làm sai.
Ông Nguyễn Công Trình, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc nói: “Quá trình niêm yết chúng tôi lại tiếp nhận đơn thư ý kiến, kiến nghị của bà con về việc đưa ra ai, bổ sung ai, chúng tôi lại họp rà soát. Sau khi họp rà soát lại đưa xuống dưới thôn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và sau khi tổng hợp được danh sách cuối cùng thì chúng tôi lại gửi lên huyện theo tiến độ thời gian. Sau đó, huyện lại thành lập đoàn công tác kiểm tra cụ thể từng đối tượng”.
Huyện Lộc Hà có gần 5.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp và 744 lao động bị ảnh hưởng gián tiếp từ sự cố môi trường biển được đền bù trong đợt này.
Tới đây, huyện Lộc Hà sẽ chi trả số tiền trên 207 tỷ đồng. Để giúp người dân nhận tiền an toàn, huyện và xã đã tổ chức bảo vệ an ninh trật tự, mời các tổ chức tín dụng đến tận nơi làm thủ tục giúp bà con./.
Theo Quốc Khánh/VOV.VN