Cập nhật: 06/11/2016 08:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Có lẽ hình ảnh ông bật quạt vù vù còn bà thì cuộn trong chăn kêu lạnh không xa lạ với mọi gia đình.

Cơ thể phụ nữ có nhiều yếu tố khiến luôn cảm thấy lạnh hơn nam giới.

Nhưng lý do tại sao cơ thể phụ nữ lại luôn cảm thấy lạnh hơn đàn ông khi ở cùng một môi trường, khí hậu, nhiệt độ, thậm chí trong cùng một căn phòng?

Những lý do khiến cơ thể phụ nữ luôn lạnh

Cấu tạo cơ thể phụ nữ dễ bị mất nhiệt

Phụ nữ có kích thước cơ thể luôn nhỏ hơn nam giới nên tỷ lệ trao đổi chất thấp khiến cơ thể bị mất nhiệt gây ra cảm giác lạnh. Hơn nữa, phụ nữ thường dễ nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ môi trường xung quanh hơn nam giới và diện tích da tiếp xúc với môi trường xung quanh của nữ cũng nhiều hơn nam nên họ bị đổ nhiệt nhanh hơn. Do hormon nữ quy định những đặc trưng riêng của phụ nữ như ít cơ bắp, điều này cũng khiến cơ thể ít sinh nhiệt và có xu hướng ngày càng lạnh xung quanh chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng và có ý nghĩa nhất là người phụ nữ luôn bảo tồn nhiệt độ bên trong cơ thể của họ tốt hơn nam giới nhằm mục đích giữ ấm cho thai nhi trong thời kỳ người mẹ mang bầu. Kết quả là khi nhiệt độ môi trường xung quanh có biến động tăng hoặc giảm, hệ thống tuần hoàn của người phụ nữ sẽ chuyển nhiệt ra khỏi da qua tứ chi. Điều này cũng giải thích vì sao tay và chân phụ nữ thường lạnh hơn các bộ phận khác trên cơ thể. Đối với nam giới, nhiệt độ cơ thể có giảm nhưng rất nhẹ nên họ sẽ thường không để ý đến.

Trước “ngày đèn đỏ” cơ thể thường bị thiếu sắt gây giảm nhiệt

Chu kỳ “đèn đỏ” ở người phụ nữ hầu như không giống nhau, có người dài, có người ngắn nhưng họ có cùng chung đặc điểm bị hạ nhiệt độ cơ thể ngay trước khi những ngày này bắt đầu. Khoa học giải thích rằng, trước thời kỳ kinh nguyệt, lượng sắt (khoáng chất quan trọng giúp các tế bào máu vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng và nhiệt tới mọi tế bào của cơ thể) bị sụt giảm, có thể ở mức thấp nhất gây ra giảm số lượng hồng cầu, giảm khả năng hoạt động của máu dẫn đến sự mất nhiệt của cơ thể.

Hệ tuần hoàn “có vấn đề”

Hệ tuần hoàn là hệ cơ quan có chức năng tuần hoàn máu trong cơ thể. Hệ tuần hoàn vận chuyển chất dinh dưỡng, ôxy, hormon, tế bào máu ra và vào các tế bào trong cơ thể để nuôi dưỡng nó giúp chống lại bệnh tật, ổn định nhiệt độ cơ thể, độ pH và duy trì cân bằng nội môi. Về mặt sinh lý không có sự khác biệt về cấu trúc tuần hoàn giữa nam và nữ nhưng khi hệ tuần hoàn có vấn đề như bị tắc nghẽn hay hoạt động kém hiệu quả do bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp, tăng huyết áp… sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể giảm xuống biểu hiện qua bàn tay, bàn chân lạnh. Nếu biểu hiện “lạnh” này diễn ra liên tục thì người bệnh nên đến khám tại bệnh viện càng sớm càng tốt.

Nhiệt độ lạnh ảnh hưởng tới sức khỏe phụ nữ

Khả năng cao mắc bệnh Raynaud: So với nam giới, nữ giới có khả năng mắc bệnh này cao gấp 9 lần. Đây là bệnh gây ra hiện tượng lạnh, nhiều khi đau đớn ở các đầu ngón tay, ngón chân, chóp mũi và tai do các động mạch tại đây bị co thắt gây thu hẹp đáng kể các mạch máu và tạm thời hạn chế nguồn cung cấp máu. Theo thời gian, các động mạch nhỏ có thể cũng dày lên một chút, hạn chế lưu lượng máu hơn nữa. Mặc dù chưa có những chứng cứ chắc chắn nhưng nhiều nghiên cứu cho rằng hormon nữ đóng một vai trò quan trọng liên quan đến tình trạng dày thành mạch máu này nên các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mắc bệnh Raynaud không dùng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hormon (HRT). BS. Anne Mawdsley - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Raynaud và Xơ cứng bì Anh cho biết, khi người bệnh Raynaud có những triệu chứng nghiêm trọng có khả năng gây tắc mạch thì có thể được sử dụng thuốc chống đông máu, thuốc giãn mạch hay một loại thuốc khác thích hợp do bác sĩ chỉ định.

Xơ cứng bì: Đây là bệnh mô liên kết, thường gặp ở nữ giới hơn nam giới. Đặc điểm nổi bật là da của người bệnh dần dần cứng lại, mất đi độ đàn hồi, chun giãn. Xơ cứng bì còn là nguyên nhân gây ra bệnh Raynaud do bệnh làm giảm lưu lượng máu đến các chi.

Khắc phục sự mất nhiệt bằng cách nào?

Với đa số phụ nữ, cảm giác lạnh hơn so với nam giới thường không gây trở ngại trong cuộc sống. Tuy nhiên, có những người phải chịu tác động lớn như đau đầu, buồn nôn từ thân nhiệt thấp nên họ phải tìm kiếm các biện pháp để làm cơ thể nóng lên như dùng gừng và tỏi. Ngoài ra, họ cũng sử dụng thêm bạch quả, một loại thảo dược giúp tuần hoàn máu tốt.  Một thử nghiệm được thực hiện tại Đại học Saarland ở Đức đã chứng minh rằng lưu lượng máu trong các mao mạch tăng 57% sau một giờ bổ sung bạch quả và nó thường được khuyến cáo sử dụng trong các trường hợp giảm lưu thông máu nhẹ.

Tập thể dục là một biện pháp giúp tim khỏe mạnh hơn, giúp tăng số lượng các mao mạch trong cơ thể và cải thiện lưu thông máu nói chung. Đối với mỗi người sẽ có những lựa chọn riêng để khắc phục sự mất nhiệt tại các bộ phận như đi xe đạp sẽ giúp cải thiện lưu lượng máu ở chân, chèo thuyền sẽ có hiệu lực vào cánh tay và bơi lội là bài tập hoàn hảo cho toàn bộ cơ thể. Tập thể dục với các bài tập phù hợp ở lứa tuổi trẻ là một cách tiếp cận chủ động để máu lưu thông tốt, tránh xơ vữa, tắc nghẽn và hình thành thói quen tốt cho sức khỏe sau này.

Lê Mỹ Giang

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm