Cập nhật: 14/11/2016 14:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chúng tôi đến làng rèn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vào một ngày mùa thu. Dải đất nằm sát đê sông Hồng này được phù sa màu mỡ bồi đắp bao đời, hoa lá, cỏ cây quanh năm xanh mướt. Thu về mang theo nắng vàng ngập tràn trên khắp cánh đồng, các thôn xóm khiến cho cả thôn Bàn Bạch đẹp tựa như một bức tranh sống động lạ thường. Niềm vui của người dân Bàn Mạch giờ đây như được nhân đôi, nhân ba bởi không khí làm nghề rèn, nghề cơ khí ở đây đang sôi động chưa từng thấy.

Thợ làm các sản phẩm rèn ở cơ sở rèn của anh Nguyễn Văn Hỉa, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường.

Rộn ràng làng nghề truyền thống

Con đường vào thôn Bàn Mạch được đổ bê tông rộng rãi, các ngôi nhà cũ, nhà tạm giờ đây đã được thay thế bằng nhà cao tầng khang trang... đã nói lên sự khởi sắc của một vùng quê nghèo khó trong quá khứ. Bộ mặt nông thôn đã thực sự thay da đổi thịt chính nhờ nghề truyền thống của cha ông để lại. Đến với làng rèn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, từ đầu làng cho đến cuối làng đều vang tiếng đe, tiếng búa, tiếng cưa, tiếng quạt lò bễ của những người thợ làm nghề rèn, những tia lửa từ các thanh sắt đỏ rực bắn lên, nghề rèn phát triển đã biến toàn thôn xóm thành một công xưởng cơ khí tất bật. Từng đống sắt, thép nguyên liệu và những sản phẩm cơ khí mới hoàn thiện được bày từng hàng, từng lối từ sân vào nhà của các gia đình, đường vào các xưởng sản xuất. Các lò rèn hối hả làm việc cho kịp hàng đặt mối cho ra những sản phẩm thô là phôi cơ khí đủ hình thù kiểu dáng, sản phẩm hoàn thiện là công cụ sản xuất nông nghiệp như liềm, cuốc, đồ dùng gia đình như dao, búa, rìu... Sản phẩm mang thương hiệu rèn Bàn Mạch giờ đây không chỉ tiêu thụ rộng lớn khắp các tỉnh, thành trong nước mà đã vươn xa để xuất sang cả Lào, Campuchia, Trung Quốc...

Làng rèn Bàn Mạch, xã Lý Nhân đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận làng nghề truyền thống năm 2006. Ở đây không ai biết chắc chắn nghề rèn có từ bao giờ, chỉ biết rằng theo các bậc cao niên thì nghề rèn đã có từ hàng trăm năm trước. Mỗi người làng rèn sinh ra đều biết quê hương mình có nghề này và bám nghề mưu sinh, họ đã quen mắt, quen tai với tiếng búa quai sớm tối. Trong cuốn hương ước của làng, xưa kia Bàn Mạch chỉ là một làng thuần nông, những ngày nông nhàn xa cái cày, cái cuốc, người Bàn Mạch lại tìm thú vui trong những cuộc đỏ đen, trong chén rượu. Đến một ngày có ông quận công về làng, không hài lòng với cung cách làm ăn của người dân nên mượn thầy giỏi về truyền nghề, dạy việc... Nghề rèn Bàn Mạch ra đời từ đó. Đến nay, nghề này không còn là truyền thuyết, mà đã trở thành chuyện miếng cơm, manh áo của người dân làng, không ít hộ đã có của ăn, của để và trở nên giàu có thực sự từ cái nghề vất vả, cực nhọc này. Làng nghề rèn Bàn Mạch càng ngày càng lớn mạnh, phát triển toàn diện, đến nay có thể nói cả làng Bàn Mạch làm nghề và "sống khỏe" từ nghề.

Yêu nghề, giỏi nghề sẽ "hốt bạc"

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người làm nghề ở Bàn Mạch tâm sự: Vài chục năm trước, các thế hệ học sinh ở các trường nghề Việt Nam có câu: Vua thợ hàn/Quan thợ điện/Ôi như đúc/Nhục như rèn... cho thấy rằng nghề hàn và điện là hai nghề làm chơi, ăn thật. Với nghề đúc, nghề rèn chẳng mấy người theo học bởi ai cũng cho rằng thường xuyên tiếp xúc với nóng, bụi, công việc nặng nhọc mà ít cơ hội làm ra tiền bạc. Nhận định ấy đã sai bởi cái nghề rèn, nghề đúc là tổ tiên của ngành cơ khí, là những nghề cho mỗi người nhiều cơ hội thể hiện năng lực cá nhân để từ sáng kiến, cải tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm vào nghề này. Khi yêu nghề, nắm bắt được kiến thức và kỹ năng của nghề rất dễ "hái ra tiền", dễ trở thành ông chủ. Những người thợ yêu nghề ở làng rèn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường là những minh chứng sống động, họ đang "hốt bạc" và đứng vững nhờ nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.

Kể cả khi hàng hóa cơ khí, các vật dụng sản xuất nông nghiệp và đồ dùng gia đình bằng kim loại nói chung các nước tràn vào Việt Nam, trước sự o ép của nền kinh tế thị trường diễn ra khốc liệt thì sản phẩm ở Bàn Mạch vẫn có cỗ đứng vững chắc trên thị trường. Chẳng nói đâu xa, các loại dao chặt, dao cắt gọt nước ngoài tràn vào Việt Nam, màu sắc kim loại sáng loáng, đủ loại kiểu dáng đẹp nhưng đem thi chặt, thi cắt, gọt so với các loại dao của làng rèn Bàn Mạch thì thua xa. Gần đây, nhiều khu chợ bên kia biên giới cũng đã xuất hiện hàng hóa của Bàn Mạch bởi các loại dao Thái Lan, Trung Quốc thì lịch sự, hình thức, chứ dùng nhanh cùn mòn. Cánh thợ thịt, người làm cỗ không mấy khi ưa những sản phẩm "đẹp mã" nhập khẩu này.

Anh Phùng Văn Hùng làm các sản phôi rèn theo đơn đặt hàng tại cơ sở rèn của gia đình tại thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường.

Theo những người làm nghề, hiện nay cả thôn Bàn Mạch có 600/700 hộ sống bằng nghề rèn; trong đó có hơn 100 hộ đầu tư trang bị máy móc, mở rộng quy mô lên xưởng sản xuất. Ngoài ra, làng rèn Bàn Mạch còn thu hút khoảng 1.200 đến 1.500 lao động từ các địa phương khác đến làm nghề, thu nhập của lao động làm thuê phổ biến từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Đối với những cơ sở sản xuất hộ gia đình có đầu tư búa máy, máy dập chuyên gia công phôi theo đơn đặt hàng, thu nhập phổ biến từ 40 đến 50 triệu đồng/cơ sở/tháng. Đó là chưa kể đến các cơ sở sản xuất của những gia đình đông nhân lực, các hộ liên kết đầu tư mua sắm nhiều máy móc, mặt bằng sản xuất rộng thu nhập lên tới cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Nghề rèn còn giải quyết thêm hàng trăm lao động phục vụ nghề, mở dịch vụ liên quan tới nghề này như chạy xe vận chuyển hàng hóa và nguyên liệu, mở đại lý ở các tỉnh thành khác...

Tiếp tục phát triển nghề

Theo người dân Bàn Mạch thì các hộ đã tự trang bị cho mình các loại máy móc để giải phóng sức lao động như máy mài, máy cán thép, búa máy, máy dập, máy cắt gọt kim loại, máy phay... Đây cũng là biện pháp sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, chuyên môn hóa ngành nghề, dần dần tạo dựng thương hiệu của một làng rèn truyền thống. Tuy vậy, người Bàn Mạch không hoàn toàn ỉ lại máy móc bởi nghề rèn có các bí quyết nghề nghiệp quyết định đến chất lượng sản phẩm. Đôi tai và con mắt của người thợ lâu năm trong nghề chỉ cần nhìn vào hoa lửa bắn ra hoặc nghe tiếng máy kêu cũng có thể biết được sản phẩm đã hoàn thiện hay chưa, vật rèn vào lò nung đang ở trạng thái nào, độ phát sáng ra sao, tôi vào lúc nào, ủ như thế nào? Việc lựa chọn các loại thép dùng cho mỗi sản phẩm cũng phụ thuộc vào "mắt thợ" và tất cả những yếu tố nêu trên được thực hiện nghiêm túc mới quyết định làm lên sản phẩm thực sự hoàn hảo. Không có sách vở nào ghi chép các bí quyết cả, chỉ có người đi trước truyền lại cho người đi sau. Người Bàn Mạch luôn khuyên nhủ nhau muốn tồn tại và phát triển phải luôn học tập, trau dồi kiến thức và đặc biệt là kinh nghiệm, luôn giữ gìn các giá trị chuẩn mực đạo đức và lương tâm của người thợ rèn.

Nhằm tạo điều kiện để người dân phát triển làng nghề truyền thống, các cấp chính quyền và ngành chức năng ở Vĩnh Phúc đã tạo điều kiện cho người dân học hỏi kinh nghiệm sản xuất, giúp các hộ vay vốn, cấp đất sản xuất giúp các cơ sở mở rộng quy mô nghề ra khỏi phạm vi thôn xóm với diện tích hơn 3 ha cho hàng chục hộ có nhu cầu mở rộng sản xuất và đầu tư máy mọc thiết bị. Mỗi ngày khu làng nghề có thể làm ra hàng vạn sản phẩm có chất lượng tốt, đem lại nguồn thu nhập lớn và giải quyết việc làm cho phần lớn lao động trong thôn.

ST

 

Tệp đính kèm